Tăng lương từ 1.10: Chia sẻ áp lực giá
Các Website khác - 19/09/2005
Tăng lương từ 1.10:
Chia sẻ áp lực giá

Lương tăng nhẹ liệu có giảm đi áp lực
của giá cả tăng cao, trong đó có xăng?

Việc Chính phủ ban hành liên tiếp hai nghị định về điều chỉnh mức lương tối thiểu, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ 1.10 là một tin vui, là niềm động viên đối với những người làm công ăn lương, những người đang hưởng trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều mặt hàng thiết yếu và dịch vụ không ngừng tăng giá như hiện nay, thì việc điều chỉnh "nhẹ nhàng" lần này chưa thể khiến những người hưởng lương hết lo toan.

Như tin đã đưa, ngày 15.9, Chính phủ đã ban hành liên tiếp hai nghị định 117/NĐ-CP và 118/NĐ-CP về điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp BHXH và mức lương tối thiểu chung.

Trong bối cảnh nhiều mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, xăng dầu...) và nhiều dịch vụ không ngừng tăng giá thì quyết định tăng lương nói trên như "làn nước mát" làm nguội đi phần nào nỗi lo "cơm áo gạo tiền" của người làm công ăn lương và người về hưu. Tuy nhiên, nhiều người có thu nhập thấp, nhiều DN đông công nhân, nỗi lo vẫn còn canh cánh.

Người nghèo lo
Với mức điều chỉnh mới, lương của người lao động phổ thông chỉ tăng thêm 60.000 đồng - dù so với mức lương tối thiểu cũ đã tăng hơn 20% - nhưng xét về giá trị tuyệt đối (60.000đ) quả không thấm vào đâu với "mặt bằng giá mới" đã hình thành từ nhiều tháng nay. Ngay cả với các cử nhân mới ra trường, mức tăng thêm khoảng 140.000đ/tháng cũng khó bù lại sự trượt giá.

Giang - một sinh viên mới tốt nghiệp đang làm hợp đồng cho một DN nhà nước tại Gia Lâm, dửng dưng: "Mỗi ngày tôi phải đi lại 20-30km, một tháng hết khoảng 120.000 - 150.000 đồng tiền xăng. Nếu có tăng lương cũng chỉ đủ cho khoản này!".

Còn bác Đinh Long, cán bộ hưu trí khu tập thể Nam Đồng (Hà Nội), thẳng thắn: "Đem mức tăng lương tối thiểu xấp xỉ 20% để so sánh với chỉ số tăng giá chỉ ở mức dưới 10% theo công bố của Tổng cục Thống kê để cho rằng đồng lương thực tế của đợt tăng lương này sẽ đảm bảo và cải thiện đời sống thì chỉ là điều "ảo tưởng". Bởi giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm ở thị trường đâu có tăng dưới một con số như thống kê mà đã tăng gấp rưỡi, gấp đôi... từ lâu rồi. Chỉ trông vào mức lương tối thiểu, những người hưởng lương hưu trí như chúng tôi làm sao đủ sống!".

Chị Phạm Thu Oanh, tiểu thương kinh doanh trái cây chợ Bến Thành, thì lo lắng dài hơi hơn: "Dù mức lương của công nhân, viên chức chưa tăng thì hàng hoá đã tăng lên rồi. Đợt tăng lương này có thể sẽ kéo theo đợt tăng giá hàng hoá nữa".

Doanh nghiệp chia sẻ
Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày VN Nguyễn Đức Thuấn chia sẻ: "Mặc dù ngành da giày đang đứng trước vụ kiện chống bán phá giá của EU cùng với việc tăng giá của một loạt các yếu tố đầu vào..., nhưng chúng tôi vẫn có giải pháp để khắc phục đối với quyết định tăng lương".

Ông Thuấn cũng thừa nhận: "Từ lâu, các DN da giày trả lương cho người lao động không theo mức quy định của Nhà nước, mà chỉ lấy đó làm cơ sở để ký hợp đồng lao động và dùng để làm căn cứ tính lương theo sản phẩm và đóng BHXH cho công nhân. Do đó, quyết định tăng lương không tác động nhiều đối với đầu vào của sản phẩm. Tuy nhiên, người lao động cũng phải thấy trách nhiệm của mình để cùng chia sẻ với DN tìm mọi biện pháp tăng năng suất lao động, tiết kiệm vật tư nguyên liệu để bù đắp lại khoản chi phí tăng tiền lương".

Cùng quan điểm, TGĐ Tổng Cty Giấy VN Võ Sỹ Dởng cho rằng, nếu làm ăn tốt, DN không lo ngại vấn đề tăng lương. Riêng ngành giấy đã chuẩn bị phương án cắt giảm chi phí để bù đắp cho các khoản chi do tăng lương. Tuy nhiên, ông Dởng cũng cho rằng, việc thực hiện quyết định tăng lương gần như cùng thời điểm tăng một loạt mặt hàng là nguyên nhiên liệu cho sản xuất như: Xăng dầu, vật tư hoá chất... sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Giám đốc Cty may Tây Đô Nguyễn Thái Hùng có vẻ lạc quan cho rằng, việc tăng thêm chi phí này là để người lao động được thụ hưởng, đây như là một hình thức để giữ công nhân làm việc cho công ty. Trước khi có đợt điều chỉnh mức lương tối thiểu này, lương tối thiểu cho công nhân lao động ở công ty cũng đã vượt mức quy định của Nhà nước. Để bù đắp vào chi phí tăng lên này, công ty tìm cách tăng năng suất lao động. Do vậy, quy định điều chỉnh mức lương tối thiểu đợt này sẽ không ảnh hưởng đến giá sản phẩm bán ra của công ty.

Song vấn đề không phải hoàn toàn suôn sẻ. Ông Vũ Sĩ Nam - TGĐ Cty may Nhà Bè khẳng định: "Chi phí lao động tăng đương nhiên ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Nhưng mức tăng như thế nào cho phù hợp còn là điều các công ty phải suy nghĩ. Đây sẽ là khó khăn cho các DN vì nếu tăng giá, hàng hoá xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa đều khó cạnh tranh. Nếu các sản phẩm dệt may của ta tăng giá sẽ không thể cạnh tranh với hàng của Trung Quốc". Nhóm PV KTXH

* Theo Nghị định 118/NĐ-CP: Mức lương tối thiểu của người lao động phổ thông sẽ là 350.000đ/tháng, tăng 60.000 đồng; lương của người tốt nghiệp đại học: 819.000đ/tháng, tăng 141.000 đồng; lương của chuyên gia cao cấp sẽ tăng thêm 780.000 đồng/tháng.
* Theo một số chuyên gia kinh tế, trong 3 năm qua (2002-2005), tốc độ tăng GDP vào cỡ 25,4%, năng suất lao động xã hội tăng 27,4% thì mức tăng lương tối thiểu cần được điều chỉnh lên 400.000 đồng/tháng.
* Việc điều chỉnh tiền lương sẽ làm tăng kinh phí trả lương năm 2005 là 3.655 tỉ đồng và năm 2006 là 15.347 tỉ đồng. Nếu cộng thêm nguồn tăng thêm do điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo chuẩn mới từ 292 nghìn đồng lên 335 nghìn đồng/tháng thì nguồn quỹ trả lương, trợ cấp tăng thêm trong năm 2005 là 4.080 tỉ đồng.