![]() |
Nông dân ĐBSCL thu hoạch cá. Ảnh: S.T |
Muốn vững chắc phải liên kết, tổ chức lại sản xuất - Ngoài HTX, cần nhiều mô hình sản xuất phù hợp hơn - Phải có chiến lược xúc tiến thương mại
Nhiều năm nay, nông- thủy sản của VN, từ cá tra, tôm sú đến lúa gạo, cà phê..., thường gặp khó khăn, chật vật đầu ra. TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP), nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản, đã trao đổi với phóng viên Báo NLĐ xung quanh vấn đề này.
- Phóng viên: Bà con nông dân luôn lo lắng trước tình trạng nông- thủy sản được mùa, mất giá và bị động trước thị trường trong nhiều năm nay. Theo bà, đâu là nguyên nhân?
- TS Nguyễn Thị Hồng Minh: Việc giá tôm, cá, lúa, cà phê... cứ trồi sụt bắt nguồn từ việc Nhà nước chưa tạo được sân chơi chung để lợi ích được chia sẻ và trách nhiệm cũng được san sẻ vì mục tiêu thương hiệu nông- thủy sản VN có chỗ đứng vững chắc. Thường thì mạnh ai nấy làm, thiếu tổ chức, thiếu sáng tạo, sự liên kết cũng thường lỏng lẻo. Người ta nói đã hình thành “liên kết dọc”, “liên kết nhiều nhà”, nhưng thật ra vẫn chưa theo một chuẩn mực chung. Nhiều người cùng tham gia trong một guồng máy nhưng chẳng ai chịu chia sẻ những lợi ích riêng.
Chuyện con cá tra, cá ba sa hiện nay là một ví dụ. Không ai dự báo được sản lượng thế nào, chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm bao nhiêu, là do không ai chịu chia sẻ thông tin. Ai cũng giữ “miếng bánh” cho riêng mình, tất yếu sẽ tự kéo mình và cả cộng đồng thụt lùi.
- Nhà nước đã có nhiều đầu tư, nhiều chính sách hỗ trợ người sản xuất, vậy phải chăng chúng ta chưa đi đúng hướng?
- Tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng không đi đến đâu. Nhà nước đã đầu tư rất nhiều, nhưng có một vấn đề hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của nông- thủy sản VN khi ra thị trường quốc tế, đó là công tác tổ chức sản xuất. Song, tổ chức cộng đồng sản xuất thì lại đầu tư rất ít, quan tâm rất ít, thậm chí là không có. Phải tổ chức lại sản xuất nếu muốn thành công.
Ai cũng giữ “miếng bánh” cho riêng mình, tất yếu sẽ tự kéo mình và cả cộng đồng thụt lùi. TS Nguyễn Thị Hồng Minh |
- Tổ chức lại sản xuất là cần phải làm những việc gì, thưa bà?
- Tổ chức sản xuất không chỉ là mô hình HTX mà phải gồm nhiều mô hình, từ hình thức CLB, hội đến các liên kết dọc... Tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản đối từ phía các doanh nghiệp thủy sản lớn khi họ không muốn gia nhập HTX vì họ cho đây là mô hình của người nghèo. HTX không còn phù hợp với mô hình liên kết dọc gồm nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp..., mà chỉ phù hợp với nông dân.
Thực ra, không cần phải nghĩ ra mô hình mới nào vì hiện có rất nhiều mô hình trên thế giới mà chúng ta có thể học hỏi và áp dụng. Điển hình như Pháp với các thương hiệu rượu tên tuổi.
- Theo bà, kinh nghiệm tổ chức của nước nào có thể phù hợp với VN?
- Phải có chiến lược xúc tiến thương mại, như ở Na Uy chẳng hạn. Họ lập hẳn một hội đồng xuất khẩu thủy sản, ai tham gia phải đóng quỹ xúc tiến thương mại, được chia sẻ thông tin, phân khúc thị trường và nhóm sản phẩm với nhau. Hội đồng này do Quốc hội Na Uy phê chuẩn, một năm có 50-60 triệu USD để làm công tác thị trường. Họ làm vậy vì hiểu rõ một cá nhân có nhiều tiền đến mấy cũng không thể quảng bá thương hiệu tốt bằng số đông. Một khi đã liên kết được với nhau bền chặt thì sức mạnh sẽ nhân lên gấp bội và có thể làm được nhiều điều.
Từ đó, Na Uy đã làm một cuộc cách mạng trong việc ăn cá hồi nuôi của người Nhật. Trước đó, người Nhật chỉ ăn cá hồi tự nhiên và Na Uy đã có chiến lược mất 10 năm để tiếp thị, thuê đầu bếp Nhật chế biến cá hồi nuôi để thay đổi thói quen ấy. Đến nay, cá hồi nuôi của Na Uy rất thành công ở Nhật, rồi đến Trung Quốc.
- VN cũng có nhiều hội, hiệp hội, song doanh nghiệp lại lo ngại việc nộp phí tham gia rất khó khăn?
- Để làm được việc này thì Nhà nước phải phê chuẩn cho hội, hiệp hội được thu phí bao nhiêu, đồng thời phải có quy định pháp luật. Nhà nước không thể bao cấp mãi và cấp kinh phí làm thị trường như hiện nay cũng không hiệu quả. Trước đây, Bộ Thủy sản (cũ) đã trình việc này nhưng không được thông qua.
▪ Công nghiệp hỗ trợ làm nản lòng nhà đầu tư (09/09/2008)
▪ Hai ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên được cấp phép (09/09/2008)
▪ 'Sân bay dột là chuyện bình thường' (09/09/2008)
▪ Lúa rớt giá mạnh vẫn khó bán (08/09/2008)
▪ Giá gas liệu có giảm nhiều? (06/09/2008)
▪ Lãi suất giảm: Thị trường bất động sản sẽ ấm lên? (06/09/2008)
▪ Hàng nội mất thị phần (03/09/2008)
▪ Khai thông đầu ra cho ngân hàng (03/09/2008)
▪ Nhà đầu tư ào ạt xả hàng, Vn-Index tuột dốc (28/08/2008)
▪ Vn-Index thờ ơ với tin xăng giảm giá (28/08/2008)