Công nghiệp hỗ trợ làm nản lòng nhà đầu tư
Các Website khác - 09/09/2008
 

 

 

Hanoinet - Sony, BMW… lần lượt chuyển hướng đầu tưkhỏi Việt Nam, đây làdấu hiệu cho thấy những lợi thế về thuế, nhân công đang giảm sút trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi thời điểm thực hiện các cam kết miễn thuế cho 1.800 mặt hàng nhập khẩu đã cận kề.

 

"Chúng ta sẽ mất vốn ngoại nếu không đầu tư thích đáng cho công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là quan điểm của các chuyên gia và doanh nghiệp tại hội thảo quốc gia lần thứ I với chủ đề "Chương trình hành động về phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức mới đây.

 

"Hỗ trợ" hay "phụ trợ"?

 

Tại hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đề nghị: "Nên thống nhất cách gọi "công nghiệp hỗ trợ" chứ không chỉ là "phụ trợ" để thấy được mức độ nóng bỏng của ngành này trong phát triển kinh tế". Thuật ngữ "công nghiệp hỗ trợ" đến với Việt Nam bởi các chuyên gia Nhật Bản từ vài năm trước nhưng phải tới khi Quy hoạch công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được Chính phủ phê duyệt năm 2007, ngành công nghiệp này mới được mọi người nhìn nhận. Sự chậm trễ đã phần nào ảnh hưởng tới năng lực phát triển của ngành CNHT. Và những yếu kém này được Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận là lý do quan trọng kéo tỷ lệ giá trị gia tăng trong các sản phẩm công nghiệp (VA/GO) của Việt Nam đi xuống trong các năm qua.

 

Nếu như năm 1995, tỷ lệ VA/GO toàn ngành công nghiệp là 42,5% thì đến năm 2000 tỉ lệ này chỉ còn 38,45%, năm 2005 còn 29,63% và đến năm 2007 chỉ là 26,3%. Hầu hết các ngành công nghiệp lớn ở Việt Nam đều phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện ở nước ngoài để sản xuất. Ngành dệt may hàng năm xuất khẩu mang về cho đất nước hàng tỷ USD nhưng phần lớn số ngoại tệ đó được sử dụng để nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện phục vụ cho sản xuất của ngành.

 

Phân tích về thực trạng CNHT của Việt Nam, ông Kenichi Ohno, Chủ tịch Diễn đàn phát triển Việt Nam (VDF) cho rằng Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn sản xuất giản đơn dưới sự hỗ trợ của nước ngoài. Theo ông Ohno, có 4 giai đoạn phát triển mà giai đoạn 2 là CNHT hình thành nhưng vẫn cần sự hỗ trợ của nước ngoài như: Thái Lan, Malaysia; giai đoạn 3 là làm chủ về công nghệ và quản lý, có khả năng sản xuất hàng hoá chất lượng cao như Hàn Quốc, Đài Loan và giai đoạn 4 là đủ năng lực sáng chế và thiết kế sản phẩm đứng đầu thế giới như: Nhật Bản, Mỹ, EU…

 

"Việc mở cửa và tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài vào nhiều có thể giúp Việt Nam đạt đến mức thu nhập trung bình trên 1.000 USD/người/năm nhưng Việt Nam rất dễ rơi vào "bẫy thu nhập trung bình", không thể có mức bước tiến cao hơn nếu không có chính sách tốt và khu vực tư nhân năng động. Việt Nam cần tạo ra giá trị nội địa thay vì chỉ cung cấp lao động giá rẻ và đất đai" - ông Ohno chia sẻ.

 

Nỗ lực mới từ các phía

 

Nỗ lực được xem là có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của ngành CNHT là việc Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2010, tầm nhìn 2015. Quy hoạch xác định rõ mục tiêu xây dựng 5 nhóm ngành ưu tiên, bao gồm CNHT cho dệt may, da giầy, điện tử tin học, sản xuất lắp ráp ôtô xe máy, cơ khí chế tạo. Song để thực hiện các mục tiêu mà Quy hoạch đề ra, các ý kiến thống nhất cần xây dựng một chương trình hành động cụ thể với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản trong khuôn khổ "Sáng kiến chung Việt - Nhật".

Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp đã đề xuất các nội dung hợp tác Việt - Nhật về đào tạo, huấn luyện; thay đổi nhận thức; chuyển giao quản trị và kỹ thuật; các chương trình ưu đãi quốc gia, ưu đãi địa phương; liên kết doanh nghiệp Việt - Nhật… Về phía Nhật Bản, ông Ohno cũng đề xuất 7 nhóm hành động cụ thể để triển khai Quy hoạch, bao gồm xây dựng năng lực cho doanh nghiệp, hỗ trợ tài chính, nhân lực, ưu đãi, liên kết doanh nghiệp FDI và trong nước, thu hút các nhà cung cấp FDI và tạo khung chính sách thuận lợi... Trong đó, phát triển nhân lực được nhấn mạnh với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản. "Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ Việt Nam vẫn còn khá e dè khi tiếp xúc học hỏi chúng tôi - điều này không thấy ở Thái Lan hay Malaysia" - ông Ohno nhận xét.

 

Lý giải cho những đề xuất, ông Ohno dẫn chứng việc rút lui của BMW, Sony… mới đây là những dấu hiệu cho thấy những lợi thế về thuế, nhân công giá rẻ… của Việt Nam đang giảm sút trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. "Muốn giữ chân họ, Việt Nam cần lựa chọn để ưu tiên thực hiện các giải pháp nói trên."- ông Ohno nói. Tiếp nhận các ý kiến, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi thì đầu năm 2009 Việt Nam sẽ có một chương trình hành động cụ thể triển khai Quy hoạch phát triển CNHT.

 

Trang Thu