Lúa rớt giá mạnh vẫn khó bán
Các Website khác - 08/09/2008

ĐBSCL đang thu hoạch gần dứt điểm vụ hè thu, bắt đầu thu hoạch vụ thu đông, trong lúc đầu ra cho hạt gạo vẫn khó khăn nên giá lúa tiếp tục giảm.

Ngày 7/9, một số nơi giá chỉ còn 2.800 đ/kg với lúa tươi, 3.700 đ/kg với lúa khô, so với cùng kỳ tháng trước lúa đã rớt giá khoảng 1.000đ/kg.

Lượng lúa hàng hóa tồn đọng trong dân không giảm mà đang ngày một nhiều thêm.

Không bán được lúa ướt, nông dân Cần Thơ đành phơi khô để tích trữ - Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Lúa hàng hóa tồn đọng lớn

Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2008, tỉnh này xuất khẩu được 115.633 tấn gạo, đạt 27% kế hoạch cả năm. Gạo là mặt hàng xuất khẩu chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh Vĩnh Long nên kết quả trên rất đáng băn khoăn.

Riêng trong tháng 8, xuất khẩu 26.840 tấn gạo với kim ngạch 18,5 triệu USD, so với tháng 7, lượng tăng 5,4 lần nhưng giá trị chỉ bằng 4,5 lần do giá giảm trên 130 USD/tấn. Hiện Vĩnh Long còn tồn 400.050 tấn lúa hàng hóa trong lúc lúa thu đông sớm ở tỉnh này đã thu hoạch hơn 1.000 ha.

Sau vụ thu đông là vụ mùa, dự tính năm nay vụ mùa Vĩnh Long có sản lượng 203.700 tấn.

Tỉnh Đồng Tháp tồn đọng khoảng 600.000 tấn lúa, dự tính cả lượng lúa hàng hóa của vụ thu đông. Trong lúc, hai doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của Đồng Tháp là Cty Lương thực Đồng Tháp và Cty Cổ phần Docimexco được phân bổ chỉ tiêu mua 60.000 tấn gạo thì kho của hai doanh nghiệp này còn tồn 85.000 tấn gạo.

Chỉ tiêu xuất khẩu phân bổ cho Đồng Tháp 36.000 tấn gạo sang Philippines, đến cuối tháng 8 mới xuất được 24.000 tấn. Xuất ít và chậm, tồn kho còn nhiều, nên việc mua lúa trong dân không thể nhiều và nhanh.

Những doanh nghiệp khác ở Đồng Tháp cũng đang tồn kho trên 20.000 tấn gạo. UBND tỉnh Đồng Tháp đang “xin” Hiệp hội Lương thực Việt Nam thêm chỉ tiêu xuất khẩu 50.000 tấn gạo để giảm áp lực tồn đọng.

Tỉnh Hậu Giang, lúa hàng hóa vụ đông xuân và hè thu đang tồn đọng khoảng 300.000 tấn. Ngoài chỉ tiêu mua tạm trữ 15.000 tấn gạo đã được phân bổ, Cty Cổ phần Lương thực Hậu Giang đang “xin” thêm chỉ tiêu mua tạm trữ.

Hơn 7 tấn lúa của ông Tô Văn Bon ngụ tại ấp 1, xã Tân Hòa Thành (Tân Phước, Tiền Giang) chưa bán được  Ảnh: Châu Thành
Thương lái và nông dân than thở

Bà Bé Tư, một thương lái ở xã Hiếu Phụng (Vũng Liêm, Vĩnh Long) nói một câu rất ấn tượng: “Tụi tui giờ đi bán lúa như bán cà rem”. Bà kể, vừa chở một xe gạo đi bán, tới chợ gạo nổi tiếng ở Cái Bè (Tiền Giang) không vựa nào mua, lên tỉnh Long An không bán được, quành về tỉnh Đồng Tháp mới có người mua.

“Nội trả tiền xe đã chết rồi”, bà kết luận. Rồi bà nói thêm: “Nhưng chưa bằng bạn của tui, bán 35 tấn gạo, lỗ 25 triệu đồng, ngồi khóc tại chỗ luôn”.

Vựa không ăn gạo, thương lái lỗ và hiển nhiên nông dân gặp khó khăn. Nhiều nông dân giữ lúa trong nhà chờ giá lên, nhưng giá cứ xuống, mỗi sáng thức dậy thấy mất tiền trước mắt.

Giữ lúc lúa tươi có giá 3.500 đ/kg, thêm tiền sấy khô bằng 7% khối lượng, tức là giá đã tăng lên 3.745 đ/kg, chưa kể lãi suất tiền vay đầu tư, nay bán giá 3.700 đ/kg là lỗ nặng mà cũng không dễ bán.

Giá lúa giảm nhưng công làm lúa không ngừng tăng, cắt lúa bằng tay mỗi công trước kia 120.000 đồng, nay 150.000 đồng (tăng 25%), giá suốt lúa mỗi công cũng từ 60.000 đồng lên 70.000 đồng (tăng 16%). Giá sấy lúa từ 6% lên 7% khối lượng.

Nông dân thu hoạch được nhiều lúa, chất đầy nhà nhưng nợ nần cũng đang ngập đầu vì tiền mua vật tư nông nghiệp và nhiều khoản công xá chưa trả được. Số hộ đang có trong nhà 5 – 7 tấn lúa ở ĐBSCL hiện rất nhiều. Thậm chí có người đến 100 tấn lúa. Mỗi lần, có công việc cần tiền như giỗ chạp, cưới hỏi lại chở một vài bao lúa đến vựa “năn nỉ gãy lưỡi” mới được mua giùm.

Sáu Nghệ - Hữu Trí (theo Tiền Phong)