Theo bà Dương Thu Hương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, hoạt động của thị trường chứng khoán rất nhạy cảm, vì vậy, cần văn bản có giá trị pháp lý cao để tạo cơ sở cho thị trường phát triển. Bà vừa trao đổi với báo giới về dự Luật Chứng khoán.
- Thưa bà, cho đến thời điểm này, nhiều người vẫn "mù mờ" về thị trường chứng khoán (TTCK) khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực trên. Vậy Luật Chứng khoán sẽ tập trung chế tài những nội dung gì?Sàn giao dịch chứng khoán. (Tuổi Trẻ)
- Việc xây dựng Luật Chứng khoán sẽ tạo cơ sở cho TTCK phát triển nhanh và ổn định, tạo tâm lý yên tâm cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia kinh doanh, đầu tư. Đồng thời, giúp cho công chúng dễ dàng hiểu biết về chứng khoán, TTCK và có cơ sở pháp lý để công chúng tham gia thị trường khi có điều kiện.
Luật Chứng khoán ra đời sẽ giúp việc phân định rõ vai trò của từng thị trường vốn dài hạn và ngắn hạn trong cơ cấu TTCK nói chung, cũng như thúc đẩy việc tự chủ của doanh nghiệp khi huy động vốn trên TTCK. Bên cạnh đó sẽ giảm gánh nặng trong việc dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn của hệ thống ngân hàng hiện nay.
Ngoài ra, việc chúng ta xây dựng Luật Chứng khoán cũng nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập, đặc biệt là các cam kết về hệ thống pháp luật phục vụ quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
- Hiện nay đã xuất hiện trái phiếu Chính phủ, trái phiếu địa phương, trái phiếu doanh nghiệp... nhưng dự thảo Luật lại không đề cập đến vấn đề này. Ý kiến của bà?
- Tôi cho rằng việc phát hành các loại trái phiếu Chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương được thực hiện trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước hàng năm, và đã được điều chỉnh bởi các quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Do vậy, Luật Chứng khoán không điều chỉnh việc phát hành các loại trái phiếu trên là phù hợp. Tuy nhiên, việc niêm yết, giao dịch các loại trái phiếu trên vẫn phải tuân theo Luật Chứng khoán. Nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, Luật Chứng khoán của họ đều quy định trái phiếu Chính phủ được miễn trừ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán. Riêng đối với trái phiếu doanh nghiệp thì việc chào bán ra công chúng phải được đăng ký với Ủy ban Chứng khoán theo quy định của dự thảo luật cũng là phù hợp.
- Qua các cuộc hội thảo trước đây, nhiều ý kiến cho rằng các quy định trong dự thảo Luật về thanh tra đối với hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán còn quá sơ sài, chưa tạo thành công cụ bảo vệ thị trường hoạt động an toàn và hiệu quả. Ý kiến của bà về vấn đề này ra sao?
- Theo tôi, để bảo đảm thị trường này hoạt động có hiệu quả, ngăn ngừa những hành vi vi phạm và giảm thiểu những rủi ro, hạn chế đến mức thấp nhất việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế trong lĩnh vực nhạy cảm này, dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể về quyền hạn của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện các biện pháp thanh tra, giám sát thị trường và xử lý các hành vi vi phạm.
Theo đó, dự thảo Luật cần quy định rõ các căn cứ, điều kiện, biện pháp tiến hành thanh tra, giám sát về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán giống như trong lĩnh vực kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu sau thông quan được quy định trong Luật hải quan. Đồng thời, phải quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Ủy ban Chứng khoán, trong việc thanh tra, giám sát thị trường, và quyền, nghĩa vụ của đối tượng chịu sự thanh tra, giám sát.
- Vậy theo bà, Ủy ban Chứng khoán cần phải được bổ sung thêm quyền gì?
- Để thực hiện chức năng thanh tra, giám sát, cần xem xét bổ sung thêm quyền điều tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Việc điều tra này phải gắn rất chặt với quá trình thanh tra, giám sát của Ủy ban thì mới hiệu quả.
- Vừa qua trên thị trường chứng khoán đã xuất hiện những sai phạm có nguy cơ ảnh hưởng đến tính an toàn của thị trường này. Theo bà, Luật chứng khoán cần phải đưa ra những giải pháp nào để chấn chính những sai phạm trên?
- Tôi cho rằng dự thảo Luật Chứng khoán cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc, kịp thời, có tác dụng răn đe mạnh với nhiều hình thức như thu hồi chứng chỉ hành nghề, cấm kinh doanh chứng khoán, phạt tiền theo tỷ lệ vi phạm...
Bên cạnh đó, cần trao cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyền xử lý vi phạm, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của cơ quan này trong việc thực hiện chức năng của mình như thời gian trả lời thắc mắc của các nhà đầu tư có khiếu nại, trả lời những vấn đề quản lý hoạt động hành nghề chứng khoán...
(Theo Đầu Tư)
▪ 29 doanh nghiệp đoạt giải "Thương hiệu du lịch yêu thích 2005" (24/01/2006)
▪ Lâm Đồng: Đưa các khu biệt thự vào kinh doanh du lịch trong dịp Tết (24/01/2006)
▪ Gà Thụy Phương đã được bán trở lại (24/01/2006)
▪ Không đáng lo ngại tăng giá trong dịp Tết (24/01/2006)
▪ Bão... Vinataba (24/01/2006)
▪ 22 ngày, thu hút 440 triệu USD vốn FDI (24/01/2006)
▪ Bánh kẹo nội "lên ngôi" (23/01/2006)
▪ Phải mất từ 30-60 phút để thanh toán tiền mua hàng trong siêu thị (23/01/2006)
▪ Tin kinh tế ngày 23.1 (23/01/2006)
▪ Ngừng xét các dự án đầu tư mới sản xuất lắp ráp ôtô (23/01/2006)