Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản
Các Website khác - 29/12/2005

Báo cáo toàn cầu của Ngân hàng Thế giới xếp VN ở thứ 99 trên tổng số 155 quốc gia về mức độ dễ dàng của môi trường kinh doanh. Thông tin này cho thấy vẫn còn một khoảng cách lớn giữa chủ trương và triển khai thực tế những cải cách được Chính phủ ban hành mới đây.

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, một nhà đầu tư vẫn mất 50 ngày và qua 11 thủ tục để thành lập doanh nghiệp. Trong khi Canada - nước cải cách nhất - chỉ mất có 3 ngày/2 thủ tục và ở Angola - nước ít cải cách nhất - 146 ngày/14 thủ tục. Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Tổng giám đốc Vision & Associates cho biết, có rất nhiều quy định gây mất thời gian cho doanh nghiệp chẳng hạn Giám đốc phải lên tận Phòng đăng ký kinh doanh để ký vào biên bản sửa đổi thông tin trong đăng ký kinh doanh dù chỉ thay đổi một chi tiết nhỏ. Thủ tục nhiều như vậy song các cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn không quản lý được tên doanh nghiệp một cách đồng bộ và hậu quả là xảy ra nhiều tranh chấp trong lĩnh vực này.

Để ra đời doanh nghiệp, rất nhiều gian nan. Ảnh: A.T.

Các thủ tục hành chính sau đăng ký cũng gây ra rào cản lớn cho việc thực hiện ý tưởng. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thống kê, để thực hiện được một ý tưởng, doanh nghiệp phải hoàn tất 13 thủ tục hành chính với tổng thời gian 260 ngày. Chi phí cho sự chậm trễ này rất lớn, chưa kể doanh nghiệp còn vô số những khoản chi ngoài lề. Ông Bắc lấy ví dụ để mua hóa đơn VAT thông thường doanh nghiệp phải xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh đã dùng hết một cuốn thì mới được mua cuốn tiếp theo. Doanh nghiệp đôi khi phải thuê một nhân viên chỉ để phụ trách vấn đề này.

Khảo sát của dự án GTZ cho thấy, một doanh nghiệp tư nhân mất ít nhất 230 ngày và 7 thủ tục để có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hệ quả là họ nản lòng và khoảng 70% giao dịch chuyển quyền được thực hiện ở thị trường ngầm. Do vậy tài sản không được ngân hàng chấp nhận cho thế chấp, hạn chế khả năng tiếp cận tài chính và cơ hội phát triển của doanh nghiệp. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia Ban nghiên cứu của Thủ tướng kể, một doanh nghiệp ở miền Trung có mảnh đất 3000 m2 muốn đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, địa phương chỉ cấp cho có 250 m2.

Chủ một doanh nghiệp liệt kê trước khi trình được một bộ hồ sơ hoàn chỉnh xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông phải thu thập đủ hồ sơ và thông tin ở 4 cơ quan địa phương khác nhau, sau đó nhân viên của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất phải tiến hành 20 bước đối với một bộ hồ sơ. Như vậy thời gian tối thiểu để ông nhận được giấy chứng nhận kể từ khi nộp hồ sơ hoàn chỉnh là 20 ngày, có doanh nghiệp mất tới 2 năm chạy lòng vòng còn chưa được.

Ngoài đất đai và các thủ tục đăng ký kinh doanh, cơ chế giải quyết tranh chấp và cưỡng chế thực thi hợp đồng kém hiệu quả đang hạn chế việc ký kết hợp đồng kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Do không tin tưởng vào hệ thống luật pháp của VN trong việc giải quyết tranh chấp, doanh nghiệp thích hợp tác với các đối tác đã quen biết, ngại mở rộng quan hệ làm ăn. Hà Nội tập trung 10.000 doanh nghiệp, cả năm 2003 các tòa kinh tế chỉ giải quyết được 70 vụ tranh chấp, trọng tài thương mại thì giải quyết được 20 vụ.

Việc thực thi hợp đồng vướng mắc do vẫn còn tồn tại 3 luật khác nhau: Bộ Luật Dân sự điều chỉnh hợp đồng dân sự, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế điều chỉnh hợp đồng kinh tế và Luật Thương mại điều chỉnh hợp đồng thương mại. Các bên liên quan thường mất nhiều thời gian cãi nhau về việc xác định tranh chấp này thuộc về dân sự hay kinh tế để xác định khung pháp luật điều chỉnh. Trong khi đó, hợp đồng được các bên soạn thảo rất sơ sài khi xảy ra tranh chấp phụ thuộc chủ yếu vào quyết định của cơ quan chủ quản.

Để cải thiện môi truờng kinh doanh trong năm 2006, các chuyên gia Chương trình phát triển kinh tế tư nhân MPDF cho rằng VN cần tiếp tục đơn giản hóa pháp luật và quy định kinh doanh, rà soát lại toàn bộ hệ thống giấy phép và điều kiện kinh doanh để đưa ra một chính sách nhất quán.

Theo bà Phạm Chi Lan, cần đưa tất cả các thủ tục sau đăng ký kinh doanh về một quy trình, chẳng hạn mã số đăng ký kinh doanh nên được dùng làm mã số thuế; hóa đơn của doanh nghiệp nào thì để từng doanh nghiệp phát hành không nên để Bộ Tài chính "ôm đồm" vừa dễ bị lợi dụng mua đi bán lại trên thị trường vừa gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đăng ký mua.

Việt Phong