Không ai biết rõ nguồn gốc rau và hải sản nhập vào các chợ ở Sài Gòn hàng đêm, vì vậy, việc truy xuất xứ của chúng để xử lý nếu phát hiện có độc tố trở nên mờ mịt. Đây là thực trạng chung tại các chợ đầu mối.
Mỗi ngày, nhất là trong dịp Tết, người dân Sài Gòn "tiêu thụ" khoảng hơn 1.000 tấn rau củ quả và vài trăm tấn hải sản các loại, từ các chợ đầu mối. Tuy nhiên phần lớn hàng đều không có nguồn gốc rõ ràng nên rất khó truy xuất chất lượng sản phẩm.
Chỉ khi xác định được rau do ai trồng, thì mới có thể truy tìm nguyên nhân gây ngộ độc (nếu có) do rau gây nên. Ảnh: Thiên Chương. |
Tiếp đoàn thanh tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm rạng sáng 14/1, ông Hồ Phước Hải, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền - chợ đầu mối thủy hải sản, nông sản - thừa nhận khoảng 600 tấn rau, 500 tấn cá nhập chợ mỗi đêm vẫn chưa thực sự được xác định rõ ràng nguồn gốc.
"Chúng tôi chỉ có thể biết rau cải đến từ Đà Lạt hoặc Gò Công, Tiền Giang qua lời của người bán, chứ không thể biết rau đó do nhà vườn nào trồng do họ có quyền không tiết lộ", ông Hải nói.
Ông Trương Văn Nhất, Phó giám đốc chợ đầu mối Bình Điền khẳng định, lỗi không phải do chợ lơ là mà trong quản lý sản phẩm đầu vào chưa có quy định nào yêu cầu các sản phẩm nhập chợ phải kê khai chi tiết nguồn gốc.
"Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, mỗi đêm, chúng tôi tiến hành kiểm tra rau và hải sản bằng cách chọn các mẫu trong nhóm có nguy cơ cao để test nhanh. Nếu kết quả dương tính với các chất độc hại ở hàm lượng vượt mức cho phép thì lúc đó mới tính tiếp việc định lượng. Tuy nhiên, việc truy tìm xuất xứ sản phẩm để xử lý là vô cùng phức tạp", ông Nhất nói.
Một nhân viên thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết, tình hình cũng diễn ra tương tự tại hai chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn) và chợ Thủ Đức. "May mắn là trong tất cả mẫu rau và hải sản mà đoàn kiểm tra chọn ngẫu nhiên để test nhanh trong tuần qua, không có mẫu nào dương tính với chất độc hại", thanh tra viên này nói.
Cả người bán lẫn người mua đều không biết nguồn gốc của rau. Ảnh: Thiên Chương. |
Khảo sát của VnExpress.net tại khu vực kinh doanh rau cải và hải sản ở các chợ đầu mối cho thấy, chính các tiểu thương, những người thường có quan hệ mật thiết với chủ hàng cũng không thể biết được chính xác món hàng mình bán đã được nuôi trồng ở đâu.
"Người bán chở hàng đến, bảo rau trồng ở Đà Lạt thì chúng tôi biết Đà Lạt, nói Tiền Giang thì chúng tôi hay Tiền Giang. Chỉ biết tối họp chợ nhận hàng, đến rạng sáng bán hết hàng là tốt rồi", anh Hải, một tiểu thương kinh doanh rau cải tại chợ Tân Xuân, nói.
Cùng suy nghĩ với anh Hải, nhiều tiểu thương kinh doanh hải sản tại chợ Bình Điền, cũng có chung suy nghĩ: "Chẳng quan tâm việc truy tìm nguồn gốc tôm cá làm gì, miễn sao hàng đến chợ còn tươi là được".
Thừa nhận việc truy tìm nguồn gốc của từng cọng rau con cá khi chúng đã rời trang trại là không dễ, tuy nhiên trao đổi với ban giám đốc chợ đầu mối Bình Điền rạng sáng 14/1, ông Lê Trường Giang, phó giám đốc Sở Y tế TP HCM yêu cầu, để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và uy tín doanh nghiệp, các chợ nên có biện pháp điều tra để nắm rõ nguồn gốc chính xác của hàng hóa.
"Riêng người tiêu dùng, tốt nhất nên chọn mua ở những nơi, hàng đã được cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc", ông Giang nói.
Theo VnExpress
▪ Khách VIP mới được đổi tiền lẻ tại ngân hàng? (15/01/2009)
▪ Hàng Tết trong siêu thị: Bày nhiều hơn bán (15/01/2009)
▪ Thuê mai chưng tết (15/01/2009)
▪ Giá vàng chập chờn, USD đứng yên (15/01/2009)
▪ Đồ lễ Táo quân tăng giá 20% (15/01/2009)
▪ Chùm ảnh ngộ nghĩnh: Khuyến mại cuối năm thời lạm phát (15/01/2009)
▪ Cây cảnh "dỏm" lừa người mua dịp tết (15/01/2009)
▪ Không lo thiếu hàng ngày tết (15/01/2009)
▪ Chợ đêm Kỳ Hòa 'vét' phiên cuối năm (15/01/2009)
▪ Nở rộ các dịch vụ gia đình dịp Tết (14/01/2009)