Ngân hàng lấn sân tài chính
Các Website khác - 12/01/2006

Ngay sau khi đặt chân vào thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, BIDV tiếp tục ra mắt công ty quản lý quỹ đầu tư. Không chịu thua kém, Vietcombank cũng mau chóng tuyên bố khai trương liên doanh quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Các ngân hàng đang muốn tràn ra khỏi lĩnh vực kinh doanh truyền thống.

Vụ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp quản vốn của đối tác nước ngoài trong liên doanh Việt - Úc hôm 9/10 có hai điều đáng chú ý. Đây là lần đầu tiên trong lĩnh vực bảo hiểm, phía Việt Nam đứng tên người mua lại vốn trong liên doanh. Đây cũng là lần đầu tiên, giới kinh doanh ngân hàng (mà đại diện là BIDV) chính thức xâm nhập thị trường bảo hiểm. Ngay sau lễ ra mắt, Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư (BIC) đã có ngay 4 hợp đồng với tổng giá trị tài sản bảo hiểm lên tới hơn 8.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, ngay cuối 2006, quy mô vốn của BIC sẽ tăng lên 150 tỷ đồng, thay vì gần 80 tỷ đồng hiện nay. Ban lãnh đạo BIC đang hy vọng sẽ sớm ghi danh trên mảnh đất bảo hiểm phi nhân thọ cạnh tranh khốc liệt nhưng vô cùng màu mỡ.

Ngân hàng có lợi thế về mạng lưới đại lý và cơ sở khách hàng. Ảnh: Anh Tuấn

Đúng một ngày sau khi “người anh em” BIC ra đời, Công ty Quản lý Đầu tư BIDV Vietnam Partners (BVIM) cũng rầm rộ xuất hiện. Đây là liên doanh giữa BIDV và công ty 100% vốn Mỹ Vietnam Partners. Dự kiến trong 3 năm tới, BVIM sẽ huy động hơn 300 triệu USD thông qua các quỹ, các kênh đầu tư trong nước và quốc tế. Với số vốn này, công ty sẽ tham gia mạnh mẽ vào quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chủ chốt và các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.

Vốn chẳng muốn kém ai trong các nghiệp vụ kinh doanh mới, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ngay lập tức công bố khai sinh Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Vietcombank (VCBF, được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép hoạt động từ 2/12/2005). Vốn điều lệ 8 tỷ đồng, VCBF là liên doanh giữa Vietcombank với Công ty Viet Capital Holdings Pte của Singapore. Sau khi nhận giấy phép, VCBF đã ra mắt quỹ VPF1 với quy mô vốn 200 tỷ đồng, tương đương 12,5 triệu USD. Ngoài VPF1, VCBF dự kiến tiếp tục huy động vốn từ các nhà đầu tư và lập thêm các quỹ tại Việt nam, cũng như tại nước ngoài. VCBF sẽ chú trọng đầu tư vào các công ty có lịch sử kinh doanh tốt, có tiềm năng phát triển, được cổ phần hoá hoặc có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, niêm yết cổ phiếu trong và ngoài nước. Những ngành nghề đang trong tầm ngắm là dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin và viễn thông.

Sau 50 năm hoạt động trên lĩnh vực đầu tư và phát triển, đến cuối 2005, BIDV nắm trong tay số tài sản khổng lồ 130.000 tỷ VND, trong đó vốn chủ sở hữu là 7.500 tỷ VND. Tiềm lực của ngân hàng còn thể hiện ở mạng lưới hoạt động rộng khắp với hơn 450 chi nhánh và sở giao dịch; quan hệ đại lý với 850 ngân hàng và tổ chức quốc tế và một mạng lưới khách hàng quan trọng gồm các tổng công ty lớn có vai trò then chốt. Về phần mình, Vietcombank cũng tự hào với số vốn chủ sở hữu 9.300 tỷ đồng và hệ số an toàn vốn 9,3%.

Theo các chuyên gia, BIDV, Vietcombank và các ngân hàng lớn khác có đủ tiềm lực để xâm nhập và cày xới trên thị trường tài chính. Phó giám đốc Học viện Ngân hàng Tô Kim Ngọc thậm chí còn coi đây là tín hiệu đáng mừng, mở đầu cho một trào lưu mới, trào lưu pha trộn giữa các trung gian tài chính ngân hàng, bảo hiểm, công ty chứng khoán, quản lý quỹ hay các quỹ đầu tư. “Đó là một xu thế tất yếu. Trên thế giới, sự pha trộn này đã có từ lâu và hình thành nên các tổ hợp tài chính đa năng. Các ngân hàng lớn của Việt Nam, đặc biệt là các ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng cổ phần lớn như ACB... đều có tiềm lực để phát triển theo xu hướng đó. Luật Các Tổ chức Tín dụng 1997 và luật sửa đổi mới ban hành cũng tạo hành lang pháp lý cho họ làm điều đó”, bà Ngọc trao đổi với VnExpress chiều 11/1.

Trên thực tế, ngân hàng đang chịu áp lực cạnh tranh không nhỏ ở các mảng dịch vụ truyền thống như huy động vốn và cho vay. Áp lực này không chỉ do sự cạnh tranh giữa các nhà băng với nhau mà còn đến từ các loại hình khác như bảo hiểm, tiết kiệm bưu điện hay các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán… Vì vậy, theo bà Ngọc, mở rộng hoạt động kinh doanh nhằm tận dụng lợi thế hiện có là một yêu cầu bức bách đối với các ngân hàng. Bản thân khách hàng cũng có cơ hội hưởng một sản phẩm trọn gói khi tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.

“Sẵn có lợi thế, song như vậy chưa phải đã hoàn toàn yên tâm về năng lực của các ngân hàng khi họ thực hiện tham vọng trở thành tổ chức tài chính đa năng. Các ngân hàng mới đặt bước chân đầu tiên vào thị trường tài chính, vì vậy, song song với việc chiếm lĩnh thị phần, họ phải chú trọng nâng cao năng lực vốn, quản trị, điều hành và kiểm soát rủi ro. Tất nhiên, khó có thể yêu cầu họ phải hoàn thiện năng lực mới được phép khai thác lĩnh vực mới. Họ cần có cơ hội chiếm lĩnh thị phần trước khi chúng ta mở cửa rộng hơn nữa cho các đối tác nước ngoài”, bà Ngọc phân tích.

Động thái mới của giới kinh doanh ngân hàng sẽ làm chạnh lòng các nhà bảo hiểm truyền thống. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm và các chuyên gia tài chính lâu này đã đánh tiếng muốn ngành ngân hàng mở cửa cho họ vào “chơi chung”. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, lời đề nghị này vẫn chưa nhận được phản hồi tích cực. Hạn chế hơn ngân hàng về tiềm lực tài chính, uy tín và quan hệ khách hàng, vì vậy doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống tạm thời vẫn phải đứng nhìn sự lấn lướt của các nhà băng trên mảnh đất truyền thống của chính mình.

Hôm 9/1, đích thân Thứ trưởng Tài chính Lê Thị Băng Tâm và Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính) Lê Quang Bình hân hoan trao giấy phép hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Nhưng với các doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống, chắc phải còn lâu nữa họ mới được nhận niềm vinh hạnh ấy từ tay Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Song Linh