Mánh buôn quần áo Trung Quốc
Các Website khác - 01/10/2008

Không phải đến khi VN có quyết định giảm thuế nhập khẩu, quần áo made in China mới làm mưa làm gió trên thị trường. Có rất nhiều nẻo đường để các thương gia và cả khách hàng nhỏ lẻ rinh hàng về nước.

Phần lớn hàng Trung Quốc bán trên thị trường có xuất xứ từ Quảng Châu và đang được tiêu thụ mạnh. Để đánh hàng về, nhiều người chọn cách "mục sở thị", sang tận nơi chọn, mua hàng. Tìm được đúng nhà cung cấp, để có giá mềm nhất, hàng "hot" nhất là những gì nhà buôn mong muốn.

Giới kinh doanh mặt hàng này thường lấy hàng theo đường cửa khẩu Hữu Nghị. Đến đó, làm thủ tục thông hành sang Nam Ninh rồi vào Quảng Châu hoặc mua tour Hà Nội - Nam Ninh - Quảng Châu nếu đi lần đầu.

"Buôn có bạn, bán có phường", được các chủ hàng cho là thích hợp, vì như thế họ sẽ học được nhiều "mánh", biết được nhiều mối, lại câu kết được với nhau để vận chuyển hàng nhanh nhất.

Một thương nhân trên phố Trương Quán Siêu (Hà Nội) cho biết, ở Trung Quốc khi mua đồ bên ngoài hoặc trong chợ sẽ bị nói thách rất nhiều, đôi khi gấp 10 lần giá chính thức. Tuy nhiên, trong siêu thị và trong các shop lớn thì chủ hàng thường không nói thách nên không cần phải trả giá.

Chị này cho hay, khi qua bên đó tốt nhất chỉ nên mua hàng hiệu nổi tiếng trên thế giới như D&G, Levis, Banana... vì giá mềm hơn ở VN. Còn những đồ thông thường nếu thích thì mới mua. "Hơn nữa, khi về VN trên các chuyến bay từ Trung Quốc, hải quan VN kiểm tra rất kỹ hành lý, do vậy đừng mua nhiều đồ linh tinh quá kẻo mất thêm tiền thuế nhập khẩu nữa thì rất mệt", chị nói.

Đi bằng đường bộ, từ Hà Nội, khách có thể đi theo một trong hai ngả để đến Trung Quốc, đó là đi qua Móng Cái, đến Nam Ninh hoặc qua Lạng Sơn, đến Hữu Nghị Quan rồi sang Nam Ninh, bằng xe lửa và cả xe bus.

Áo sơ mi nhập từTrung Quốc, giá 58 nhân dân tệ. Ảnh: paipai
Áo sơ mi nhập từTrung Quốc, giá 58 nhân dân tệ, tương đương gần 144.000 đồng, chưa tính phí. Ảnh: paipai

Một cách đặt hàng tiết kiệm thời gian, công sức và đang rất "thịnh" với giới trẻ là qua các trang web quảng cáo của Trung Quốc như taobao.com, paipai.com, lelefushi.com...Ai không thành thạo tiếng Trung thì qua các trang web này chọn hàng, rồi qua các đối tượng trung gian để đặt cọc tiền và tiến hành các hợp đồng giao nhận. Nhiều người làm ăn phát đạt nhờ phát triển dịch vụ đặt hàng qua mạng này. Giới sành mặc thường tìm được nhiều hàng "hot" nhất tại đây.

Tuy nhiên, giá mỗi chiếc áo hoặc quần được cộng thêm cả phí vận chuyển, thuế từ nước ngoài về, chưa kể tiền công cho mỗi món đồ từ 15.000-25.000 đồng tùy theo kích thước và số lượng. Chính vì thế, giá đến tay khách hàng đã bị đội lên ít nhất 15-20%. Với số tiền đặt cọc tối thiểu 70%, khách hàng sẽ chuyển vào tài khoản của những người trung gian đứng ra đặt hàng cho họ. Bên cạnh tính tiện ích của dịch vụ, khách hàng tỏ ra lo ngại nếu muốn nhận đơn hàng lớn vì không thạo ngôn ngữ, lại chưa có một chế tài để các bên có trách nhiệm pháp lý với nhau.

Trong khi đó, tồn tại từ rất lâu, và là con đường mà dân buôn quần áo Trung Quốc chọn nhiều nhất là nhập lậu, trốn thuế mặc dù thuế suất nhập khẩu đã giảm đáng kể từ 1/1/2007, sau khi VN gia nhập WTO. Cụ thể, mặt hàng vải giảm từ 40% xuống còn 12%, sợi từ 20% xuống mức 5%, áo quần từ 50% còn 20%...

Trên những cung đường buôn lậu ở Lạng Sơn, hay địa phận Móng Cái, quần áo nhập lậu vẫn nối đuôi nhau vào VN. Thời điểm cuối năm là lúc cánh lái buôn mở rộng vây cánh để tuồn hàng về.

Một chủ hàng tại chợ Đồng Xuân cho biết, với mỗi lô hàng vài trăm kg từ Quảng Châu về, thoát được các mức thuế, phí, chị cũng lời đến chục triệu. Nếu lấy hàng từ người thân thì còn đỡ hơn rất nhiều, do không phải lo bị làm giá. Ngoài ra, mua được hàng tận nơi, khi về bán, giá cũng rẻ hơn rất nhiều so với các hàng trong nước và xuất xứ từ châu Âu. "Mà không thiếu thứ gì, lại thích hợp với túi tiền của nhiều người nên hàng quần áo nhập từ Trung Quốc càng chiếm lĩnh thị trường", chị nói thêm.

Giảm được đồng nào hay đồng ấy, nhất là với những lô hàng lớn, dân buôn thường móc nối với cánh "cửu vạn", môi giới đóng đô tại các bản doanh vùng biên giới, thông thạo địa hình, tiện cho việc giao nhận. Nhờ đó họ trốn được hàng chục triệu tiền thuế, tránh được việc phải chạm mặt hải quan, lính biên phòng. Chi phí cho cánh "cửu vận", đầu nậu không đáng kể so với số tiền mà họ lách luật. Thậm chí họ cử người đại diện tại các chợ như Pò Chài (Quảng Tây, Trung Quốc), rồi sang cả Quảng Châu, tuồn hàng về chợ Tân Thanh (Lạng Sơn). Những người thâm tín này thường phải thạo tiếng Trung. Khu vực Hang Dơi vốn là điểm nóng về hoạt động giao nhận, vận chuyển hàng lậu của dân buôn.

Còn tại thị trường trong nước, do thuế nhập khẩu nguyên liệu vải và sợi cũng giảm, nên lại mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may trong nước nâng chất lượng và hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh.

Thời trang trong nước đang cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc. Ảnh: PV.

Các chuyên gia thị trường cho rằng, vấn đề nan giải nhất đối với các nhà nhập khẩu hàng hóa hiện nay là phải tìm cho được nguồn hàng cung cấp với giá cạnh tranh nhất.

Mặc dù thuế nhập khẩu giảm, nhưng nếu nhà nhập khẩu không tìm được nguồn cung với giá ưu đãi, cạnh tranh để mua với số lượng lớn thì khi về đến VN, chi phí cho các khoản khác vẫn không bù đắp nổi so với mức thuế giảm, họ đành phải kê giá bán để không bị lỗ. Giá cao hơn lại chỉ hợp với túi tiền của ít người.

Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, nếu ngành thời trang may sẵn không tích cực đầu tư làm chủ khâu nguyên liệu, thiết kế mẫu mã, thì sẽ mất dần lợi thế ngay trên sân nhà. Giá rẻ không là thế mạnh của riêng Việt Nam nữa, mà còn là của rất nhiều nước ASEAN, và Trung Quốc.

Dù thuế nhập khẩu quần áo may sẵn rất hấp dẫn nhưng một số siêu thị không dám nhập quần áo may sẵn, trừ hàng cao cấp, có thương hiệu nổi tiếng vì các loại quần áo thông thường, doanh nghiệp trong nước đang chào bán rất cạnh tranh.

Thanh Phương