Nghịch lý khắc nghiệt của ngành điện Trung Quốc Theo thông tin mới đây từ Tổng Cty Điện lực VN, nguy cơ thiếu điện của nước ta sẽ trở nên trầm trọng, và có khả năng lên tới con số 1.800MW vào năm 2007. Trước tình hình đó, những bài học về sự thiếu hiệu quả trong sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện của Trung Quốc (TQ) do nạn độc quyền, phát triển thiếu cân đối và lãng phí tràn lan gây ra có thể là bài học quý giá cho sự phát triển của ngành điện VN. Nghịch lý
Sự song hành giữa tiết kiệm triệt để và lãng phí đang tồn tại ở Thượng Hải và các thành phố khác của TQ là một trong những lý do khiến nước này nằm trong số các quốc gia sử dụng năng lượng lãng phí nhất thế giới. Yan Maosong - chuyên viên ĐH Thượng Hải - cho biết, công nghiệp điện năng của TQ hoạt động rất kém hiệu quả từ khâu sản xuất, truyền tải đến tiêu thụ, trong khi chính phủ vẫn chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Ông nhấn mạnh: "Vấn đề an toàn năng lượng của TQ có thể được giải quyết nếu năng lượng được sử dụng hiệu quả hơn". Theo ước tính của chính phủ, tăng trưởng kinh tế của TQ đã ngốn một tỉ lệ năng lượng lớn hơn nhiều so với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Viện Nghiên cứu Năng lượng Quốc gia cho biết, để tạo ra 1 triệu USD tổng sản phẩm quốc nội, TQ tiêu tốn năng lượng nhiều hơn 2,5 lần so với Mỹ, 5 lần so với EU, và gần 9 lần so với Nhật Bản. Theo các số liệu thống kê của nhà nước, công nghiệp sản xuất thép của TQ năm 2003 tiêu tốn hơn 10% năng lượng so với Mỹ khi tạo ra số lượng sản phẩm tương ứng. Cũng so với Mỹ, các máy phát điện của TQ ngốn nhiều hơn 20% năng lượng để tạo ra một đơn vị điện. Nguyên nhân Việc sử dụng năng lượng kém hiệu quả được coi là bình thường ở các nước nghèo đang trên con đường công nghiệp hoá. Nhưng đối với TQ, phần lớn sự lãng phí lại bắt nguồn từ tính chất phức tạp của nền kinh tế. Nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng trong số những Cty hoạt động theo cơ chế thị trường, nhưng phần lớn điện năng lại được phân phối độc quyền bởi các Cty sở hữu nhà nước, vốn rất thiếu động cơ để tăng cường tính hiệu quả. Việc quy hoạch phát triển điện năng còn nhiều bất cập. Nhiều nhà máy nhiệt điện công suất lớn được đầu tư xây dựng ngốn một lượng than đá khổng lồ, trong khi lại không chú trọng phát triển các nhà máy nhỏ hơn sử dụng khí đốt, có thể dễ dàng điều phối để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện một cách chính xác. Điều này buộc các nhà máy lớn phải duy trì hoạt động ngay cả khi không cần đến công suất của chúng. Theo Yan, sự bất hợp lý này tiêu phí 1/10 năng lượng ở các tỉnh phía Đông TQ. Shi Mingrong - cựu nhân viên Cục Năng lượng Thượng Hải - cho biết, sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện tại các cao ốc văn phòng có thể tiết kiệm tới 80% điện năng dành cho chiếu sáng, và nếu được trang bị máy móc hiện đại, các nhà máy có thể giảm bớt 1/5 nhu cầu năng lượng. Nhưng những Cty TQ vốn đang vật lộn với sự cạnh tranh khốc liệt và lợi nhuận nhỏ bé, lại chỉ nhìn công nghệ mới theo khía cạnh chi phí trước mắt mà không thấy được lợi ích tương lai do tiết kiệm năng lượng tạo ra. Hu Zhaoguang - nhà kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Quốc gia - nói: "Phần lớn các Cty rất thiển cận. Họ không tự nguyện nâng cấp các trang thiết bị của mình để cải thiện việc tiêu thụ năng lượng". Nhưng chính các Cty sở hữu nhà nước, chịu trách nhiệm phân phối điện đến từng hộ gia đình và nơi sản xuất lại là nơi gây ra những lãng phí tồi tệ nhất. Họ giữ lại một tỉ lệ phần trăm lợi nhuận theo quy định và chuyển phần còn lại cho chính quyền địa phương. Kết quả là hệ thống truyền tải điện cũ kỹ có công nghệ lạc hậu ngày càng trở nên rệu rã vì không được nâng cấp, gây thất thoát tới 10% trên đường truyền. Ba năm qua, hệ thống quá date này đã không còn đáp ứng được nhu cầu đang tăng lên, buộc các chính quyền địa phương phải hạn chế sử dụng điện luân phiên tại 24/32 tỉnh. Mùa hè vừa qua, tại vành đai công nghiệp của Thượng Hải, chính quyền thành phố đã ra lệnh cho các nhà máy phải ngừng hoạt động luân phiên trong một tuần liền. "Dĩ nhiên điều đó ảnh hưởng đến công việc của chúng tôi - Dai Hongdi, Tổng giám đốc Nhà máy may Honghua nói. - Không thể để nhà máy ngừng hoạt động trong cả tuần, do vậy chúng tôi tổ chức làm "chui" vào ban đêm và hy vọng qua mặt được nhà chức trách". Trong khi đó, tại quận Lujiazui dọc theo bờ sông, câu chuyện lại hoàn toàn ngược lại: Từ 2001, chính quyền thành phố quy định 40 nhà chọc trời tại 4 quận phải được chiếu sáng đến tận 11 giờ đêm vào mùa hè "để xây dựng hình ảnh của Thượng Hải với tư cách là thành phố quốc tế". Theo các chuyên gia, việc chiếu sáng các ngôi nhà này từ 7 đến 11 giờ đêm vào mùa hè tiêu tốn lượng điện năng đủ dùng cho hệ thống điều hoà không khí của 30.000 gia đình trong cùng thời gian đó. Thành phố trả khoảng 1/3 chi phí chiếu sáng phụ trội, nhưng các "nhà tiêu thụ bất đắc dĩ" cho rằng như vậy vẫn chưa thoả đáng. Chủ nhân của cao ốc 88 tầng Jin Mao - toà tháp cao nhất Thượng Hải - than phiền, hàng tháng ông phải trả hơn 3.000USD chi phí chiếu sáng phụ trội. "Chúng tôi không được quyền lựa chọn. Đó là quy định của thành phố" - ông nói. Hoàng Giang (Theo Washington Post) |
▪ Sẽ có trung tâm giống thuỷ sản quy mô lớn tại đảo Phú Quốc (10/09/2005)
▪ Nhập khẩu thêm 40.000 tấn đường thô (10/09/2005)
▪ TPHCM: 8 tháng xuất khẩu gần 7,76 tỉ USD (10/09/2005)
▪ Nên bình tĩnh trước những tin đồn thất thiệt (10/09/2005)
▪ Dứa chết, nợ treo! (10/09/2005)
▪ Xuất khẩu gỗ có thể đạt 1,5 tỷ USD (10/09/2005)
▪ TP HCM chuẩn bị cho ngày doanh nhân (10/09/2005)
▪ 15/9 bắt đầu 'hậu kiểm' doanh nghiệp ôtô (10/09/2005)
▪ Gửi tiền ở nhà băng Thụy Sỹ (10/09/2005)
▪ Aeroflot không sử dụng dịch vụ bay thẳng cho khách (10/09/2005)