Người lao động trong các Cty cổ phần: Cần bước chuyển trong nhận thức
Các Website khác - 26/02/2006
Người lao động trong các Cty cổ phần
Cần bước chuyển trong nhận thức

Ngọc Lan
Bên cạnh những lợi thế về kinh tế do cổ phần hoá (CPH) đem lại, có một vấn đề mà các DN chuyển từ DN nhà nước sang DN CP đang phải đối mặt: Nhiều LĐ lớn tuổi, năng suất LĐ thấp, sự thích nghi với mặt hàng mới chậm nên rất khó cho DN trong sắp xếp việc làm. Thực tế này cũng đòi hỏi các cấp CĐ cần phối hợp với chuyên môn để có giải pháp và kế hoạch cụ thể.

Những rào cản từ nhận thức
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ
của ngành TM-DL Nam Định.
Từ thực tế của các DN đã cổ phần hoá, ông Ngô Xuân Dũng - Chủ tịch CĐ ngành thương mại-du lịch Nam Định - thừa nhận: Các DN đều tăng trưởng tốt, NLĐ có việc làm ổn định và thu nhập tăng, kỷ luật trong DN được thực hiện tốt hơn... Tuy nhiên, tư tưởng ỷ lại, thói quen làm việc thời bao cấp của một bộ phận CNLĐ đã ảnh hưởng không nhỏ đến SXKD của các Cty CP.

Ông Tạ Quang Cận - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty CP XNK Nam Hà-Uđômxay - nhận định: NLĐ và đoàn viên CĐ chưa nhận thức rõ giữa quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ. Họ chưa thực sự đặt ra câu hỏi mình đã làm việc có năng suất, hiệu quả chưa? Bởi vậy, điều quan trọng là phải thay đổi nhận thức cho NLĐ, không nên chỉ bằng lòng chấp nhận có công ăn, việc làm, thu nhập tạm ổn, phải chủ động vươn lên học hỏi để đáp ứng yêu cầu thực tế. Theo ông Đoàn Tiến Dũng - Bí thư Đảng uỷ Cty CP May Nam Hà: Tổ chức CĐ cần chủ động đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo các DN xây dựng kế hoạch cụ thể về đào tạo tay nghề của CBCNV theo hướng chuyên sâu.

CĐCS cũng phải thay đổi...
Từ bài toán về chất lượng LĐ trong các Cty CP, cũng phải thừa nhận hạn chế hiện nay của các cấp CĐ, nhất là CĐCS chưa thực sự đặt ra yêu cầu cơ bản để đoàn viên CĐ nhận thức rõ giữa quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ. Vì vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là BCH CĐCS cần sớm đổi mới tư duy, nhận thức về cơ chế hoạt động của Cty CP, đặc biệt là sự khác nhau trong mối quan hệ về lợi ích trong Cty CP. Từ thực tiễn hoạt động, chủ tịch các CĐCS cho rằng: Quan trọng là CĐCS phải tạo dựng được uy tín đối với LĐ và cổ đông. Theo đó, chủ tịch CĐCS nếu không là thành viên HĐQT thì cũng phải là người tiêu biểu, được những người sở hữu vốn và quần chúng tín nhiệm, hoặc phải là CB chủ chốt trong các bộ phận SXKD thì mới có thể tham gia bảo vệ cho NLĐ.

Bài học này đã được ông Triệu Xuân Nhãn - Chủ tịch CĐ Cty CP Thương mại Tổng hợp Nam Định - thừa nhận: Từ khi chuyển sang CPH, vai trò chức năng nhiệm vụ của CĐCS đã dần mất đi, thậm chí một vài nơi còn bị vô hiệu hoá. Nếu như CĐ ở đó không được họp bàn, thì tất nhiên cũng không thể tham gia, góp ý kiến các vấn đề có liên quan đến NLĐ, việc đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao tay nghề cho NLĐ sẽ càng trở nên khó khăn. Vì vậy, hoạt động CĐCS trong các Cty CP, phải được thay đổi nhận thức từ BCH CĐCS, chủ động xây dựng chương trình làm việc với GĐ, chủ DN về các nội dung của TƯLĐTT, đặc biệt nhấn mạnh vào các điều kiện như: Bố trí, sắp xếp việc làm cho NLĐ.