Nguy cơ phá sản một dự án
Các Website khác - 13/02/2006
Đàn dê ở Lâm Đồng chết hàng loạt:
Nguy cơ phá sản một dự án

Như Lao Động ngày 10.2 đưa tin, cơ quan chức năng khẳng định đàn dê được nhập về theo dự án chăn nuôi dê trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã bị nhiễm bệnh "đậu dê cừu". Đến nay, khoảng 25% trong tổng đàn gần 8.500 con dê dự án của tỉnh này đã bị chết.

Những con dê thuộc dự án còn
sống sót.
Dê chết hàng loạt
Dự án chăn nuôi dê của tỉnh Lâm Đồng được triển khai từ cuối năm 2004, với tổng vốn 7,5 tỉ đồng, nhằm mục đích cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Nhưng, điều nằm ngoài ý muốn của "nhà đầu tư" lẫn đối tượng được đầu tư đã xảy ra.

Trong tháng 11.2005 vừa qua, 40 hộ dân tộc thiểu số 4 xã Gung Ré, Tam Bố, Đinh Lạc và Bảo Thuận của huyện Di Linh nhận nuôi 240 con dê từ dự án, với trị giá trên 700 triệu đồng (đợt triển khai gần đây nhất của dự án).

Sau gần 3 tháng nhận nuôi, cả 40 hộ dân ở đây đều đã quá mệt mỏi vì đàn dê. Đến lúc này (trung tuần tháng 2.2006), đã có hơn 50% trong tổng số đàn dê 240 con nói trên bị chết. Trước đó, vào tháng 7.2005, 176 con dê của xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) cũng lần lượt "ra đi" (gần 100% tổng đàn).

Một cán bộ của Chi cục Thú y Lâm Đồng... tiết lộ: "Chương trình chăn nuôi dê được triển khai ở hầu khắp các huyện trong tỉnh. Và cho đến lúc này, điều đáng nói là hiện tượng dê chết "bất thường" diễn ra ở tất cả các địa bàn đã triển khai dự án". Theo số liệu báo cáo thì đến nay, đã có khoảng 25% số dê đã chết (trong thực tế thì có lẽ còn cao hơn nhiều).

Vì sao dê chết?

Không phải đợi đến bây giờ, mà ngay từ đầu năm 2005 (lúc mới triển khai dự án), hiện tượng dê chết đã là một sự kiện "nóng". Cụ thể, ngày 29.1.2005, Công ty TNHH Nam Việt ký hợp đồng với Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm cung cấp 176 con dê giống cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Lộc Bắc.

Sau 21 ngày nuôi tân đáo (nuôi một thời gian để dê làm quen với điều kiện khí hậu mới), đàn dê mới được chuyển giao cho bà con. Lúc mới chuyển giao, đàn dê được ghi nhận là đảm bảo các điều kiện theo yêu cầu ghi trong hợp đồng. Nhưng chỉ trong vòng một tháng, đàn dê bỗng "trở chứng": Sổ mũi, xì mủ dưới da, ghẻ lở... và cuối cùng là lăn đùng ra chết.

Mặc dầu vậy, số lượng dê giống vẫn tiếp tục được triển khai, đưa về cho các địa phương khác. Sau Bảo Lâm, đàn dê của các huyện khác như Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh... cũng xảy ra hiện tượng tương tự.

Tại xã Bảo Thuận (Di Linh), hộ ông K'Brêm nhận nuôi từ dự án 6 con dê từ tháng 11.2005, thì đến cuối tháng 1.2006 đã có 3 con "ra đi" và 3 con còn lại thì ngắc ngoải. Dê của các hộ còn lại cũng tương tự: Ghẻ lở, xù lông, khó thở... và cuối cùng là lăn ra chết.

Sau khi lấy mẫu phân tích, mới đây, Trung tâm Thú y vùng TPHCM (thuộc Cục Thú y) đã có kết luận: "Đàn dê của tỉnh (Lâm Đồng) đang bị nhiễm bệnh "đậu dê cừu". Trước thực tế đáng báo động này, cơ quan chức năng đưa ra kiến nghị: Tạm thời ngừng nhập con giống dê theo chương trình dự án chăn nuôi dê trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giết huỷ những con có biểu hiện triệu chứng bệnh; dừng việc ghép đàn (dê dự án với đàn dê địa phương); tiến hành tẩy uế, khử trùng tiêu độc chuồng trại và môi trường trong các hộ chăn nuôi dê trong toàn tỉnh...

Về bệnh "đậu dê cừu", trong một văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng còn cho biết thêm: "Đây là bệnh truyền nhiễm "ngoại lai" do virus gây ra, rất nguy hiểm đối với dê, cừu và mới xuất hiện ở Việt Nam".

Khắc Dũng