Thị trường gạo cao cấp: Gạo nội thua trên sân nhà Không phải tới thời điểm đầu năm 2006, gạo ngoại mới xâm nhập thị trường gạo cao cấp tại các thành phố lớn, thậm chí ở ngay vựa lúa cả nước (ĐBSCL), mà nó đã len lỏi vào bữa ăn của nhiều gia đình từ vài năm nay. Nhưng ở thời điểm này, hiện tượng gạo ngoại chen vai cùng gạo nội đã trở thành vấn đề lớn hơn chuyện một nồi cơm!
Tại các chợ đầu mối, siêu thị gạo TPHCM, hiện một số mặt hàng như gạo Nàng hương Thái jasmine, dẻo Thái AAA, thơm Đài Loan, Hàn Quốc, thơm Hà Lan mới, thơm Nhật... trở nên khá phổ biến và quen thuộc với người tiêu dùng. Đặc biệt là mặc dù các loại gạo này có giá khá cao nhưng vẫn được không ít người tiêu dùng chọn mua. Trong khi gạo Nàng thơm chợ Đào có giá bán 7.500 đồng/kg thì Thái Lan AAA có giá 8.000 đồng/kg, thơm Nhật 8.200, thơm Hà Lan mới 9.700 và Hàn Quốc lên đến 18.000 đồng/kg. Không chỉ ở thị trường gạo cao cấp, thị trường gạo giá trung bình cũng có sự cạnh tranh của các loại gạo ngoại nhập như thơm Thái giá 5.200 đồng/kg, thơm Đài Loan 5.500 đồng/kg. Theo chủ cửa hàng gạo Huỳnh Khì có tiếng tại chợ An Hoà (quận Ninh Kiều, Cần Thơ), thật ra đây là gạo sản xuất trong nước, nhưng nơi sản xuất ghi nhãn hiệu như vậy có lẽ để... dễ bán! Bà Trần Ngọc Sương (Giám đốc Nông trường Sông Hậu) cũng nhận định: Không phải không có gạo Thái Lan xâm nhập thị trường gạo ĐBSCL, nhưng cũng có không ít gạo Thái Lan bày bán thật ra là gạo ngoại trồng trong nước. Tình trạng xảy ra phổ biến nhất hiện nay là gạo sản xuất trong nước có chất lượng cao, loại xuất khẩu, được một số cửa hàng đẩy lên thành gạo nhập khẩu với mức giá cao hơn! Nhiều người kinh doanh gạo lâu năm tại chợ đều nhận định, gạo cao cấp Thái Lan có nhiều triển vọng và đã dần chiếm lĩnh thị trường; điều này khó xảy ra đối với các loại gạo ngoại nhập khác. Cty xuất nhập khẩu vật tư - lương thực Đồng Tháp bình quân mỗi năm xuất 200.000 tấn gạo, trong khi số lượng tiêu thụ nội địa chỉ bằng khoảng 1/4. Lý giải vấn đề này, bà Trần Ngọc Sương nói rằng: Thị trường gạo nội địa hiện hầu như do các đại lý, DN tư nhân quy mô nhỏ chi phối; kể cả gạo thường và gạo cao cấp. Họ có thể "lách" khoản thuế để bán giá người tiêu dùng chấp nhận. Tuy nhiên, gạo từ nguồn này không có thương hiệu để cạnh tranh với gạo ngoại. Còn các DN nhà nước lại "vướng" yếu tố giá - trong đó có khoản thuế VAT 5% - nên rất khó cạnh tranh. Bản thân Nông trường Sông Hậu đã xây dựng thương hiệu gạo, song tới nay vẫn chưa thâm nhập được thị trường nội địa.
|
▪ Gạo Thái Lan tràn ngập thị trường ĐBSCL (10/02/2006)
▪ Có thể tăng giá điện trong đầu năm 2006 (10/02/2006)
▪ Cấp thêm 2 đầu số mới cho VinaPhone và MobiFone (11/02/2006)
▪ Cần Thơ: Rầy nâu đe doạ lúa chất lượng cao (11/02/2006)
▪ Sôi động thị trường quà tặng ngày Tình yêu (11/02/2006)
▪ Tin kinh tế ngày 11.2 (11/02/2006)
▪ Thêm một loại cổ phiếu lên sàn chứng khoán (12/02/2006)
▪ Giá nhà đất sẽ tiếp tục giảm (10/02/2006)
▪ Thực tế: Nghẽn, báo cáo: Không! (10/02/2006)
▪ Giá định hướng xăng dầu theo tháng: Không khả thi? (11/02/2006)