Nhà máy cả gan kiện nông dân
Các Website khác - 13/12/2005
Hậu mía đường ở Quảng Nam:
Nhà máy cả gan kiện nông dân

Trương Tâm Thư

Cty mía đường Quảng Nam vừa đâm đơn kiện nhóm hộ trồng mía tại huyện Tiên Phước, đòi họ trả nợ vốn đầu tư từ năm 2001. Vụ kiện làm bùng lên ngọn lửa phẫn nộ trong nông dân...

Nhà máy đường QN nằm lù lù như
một đống... nợ.
Vụ kiện bất ngờ

Tháng 10.2005, Cty mía đường Quảng Nam (tại xã Quế Cường, huyện Quế Sơn, tỉnh QN) đâm đơn ra Toà án huyện Tiên Phước (QN) khởi kiện nhóm 7 hộ nông dân ở thôn 2, xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước do bà Hồ Thị Cẩm đại diện.

Nguyên nhân, theo phía Cty, là vào ngày 20.4.2001, giữa Cty và nhóm hộ bà Cẩm có giao kết một hợp đồng đầu tư vốn trồng mía nguyên liệu và mua bán mía cây, và Cty đã đầu tư cho nhóm hộ bà Cẩm số tiền 21.700.000 đồng để trồng mía nguyên liệu.

Nhưng đến thời điểm ngày 4.8.2004, nhóm hộ bà Cẩm mới chỉ thanh toán cho Cty số tiền 11.877.960 đồng. Số tiền còn nợ lại, bà Cẩm đã xác nhận và cam kết với Cty sẽ thanh toán dứt điểm trong năm 2004. Tuy nhiên, đến nay bà Cẩm vẫn chưa trả được món nợ này cho Cty.

Nhận được "trát" toà án triệu tập đến hầu kiện với Cty mía đường, bà Cẩm vừa lo, vừa uất, đổ bệnh tức thì, ông Hồ Văn Tiên - 1 trong 7 nông hộ - khổ chủ trên được cả nhóm uỷ quyền đứng ra hầu kiện thay cho bà Cẩm.

Ông Tiên nói: "Tui bỏ việc bỏ vàng, thuê cả luật sư tận Hội An, đi lên đi xuống toà án, kể cả 2 lần đến theo giấy triệu tập của toà để tham gia phiên hoà giải, nhưng đều về không vì phía Cty mía đường... vắng biệt".

Chánh án Toà án huyện Tiên Phước - ông Trần Thế Cẩm - xác nhận điều này: "Chúng tôi 2 lần gửi giấy triệu tập cho Cty, nhờ Toà án huyện Quế Sơn chuyển giúp, nhưng cả 2 lần đều không tìm được người của Cty, vì nhà máy đường (NM) đã đóng cửa. Trong khi đó, nhóm hộ bị Cty mía đường khởi kiện cũng đã gửi đơn phản tố, kiện ngược lại Cty...".

"Chúng tôi chưa kiện là may cho họ..."
Trong đơn phản tố đã được toà án thụ lý, nhóm hộ trồng mía trình bày: Theo hợp đồng họ ký với Cty mía đường, thì Cty đầu tư vốn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm kể cả trong những năm tiếp theo, cứ có mía là phải báo cho Cty đến thu mua để khấu trừ nợ đầu tư. Họ đã nhận tiền đầu tư của Cty qua 4 lần, tổng cộng số tiền 17.700.000 đồng, chứ không nhiều đến số tiền 21.700.000 đồng như đơn kiện của Cty.

Trong 2 năm 2002-2003, họ đã trồng mía trên diện tích đất 10ha, sản lượng khoảng 500 tấn mía nguyên liệu. Tuy nhiên, Cty chỉ thu mua được 120 tấn và khấu trừ tiền đầu tư là 11.877.960 đồng (đúng như đơn khởi kiện của Cty).

Số mía đứng còn lại, khoảng 380 tấn. Cty vẫn không đến thu mua nữa, cũng không có bất kỳ thông báo nào. Theo nhóm hộ trồng mía, đây là hành vi ngang nhiên chấm dứt hợp đồng của Cty, vì vậy, Cty phải bồi thường thiệt hại cho họ.

Cũng theo đơn của nhóm hộ này, thì biên bản xác nhận nợ mà bà Cẩm ký, Cty lấy làm cơ sở để kiện, là "có yếu tố lừa dối": "Cán bộ nông vụ của Cty đến từng đại diện nhóm hộ đưa biên bản xác nhận đối chiếu nợ và nói lừa rằng "ký vào biên bản này đi, để nhà máy xem xét xoá nợ cho", do thời điểm đó (năm 2004), nhà máy đường đã ngừng hoạt động, nên các đại diện nhóm hộ đều ký, không chỉ riêng bà Cẩm ở xã Tiên Hà, mà còn nhiều xã khác như Tiên Sơn, Tiên Hiệp...".

Khổ chủ Hồ Văn Tiên bức xúc nói: "Bọn tui hết sức bất ngờ và phẫn nộ vì Cty mía đường đã lừa dối đủ kiểu như vậy".

Ai nợ ai?

Tưởng cũng cần lật lại "lịch sử nợ nần" của Nhà máy đường QN, bắt đầu sản xuất từ vụ ép mía 1998, chỉ sau 2 năm với khá nhiều bê bối cả trong đầu tư xây dựng lẫn hoạt động, đã nợ Ngân hàng NNPTNT QN hơn 19 tỉ đồng, và đến khi có quyết định ngừng hoạt động để xử lý (tháng 3.2004), đã kịp lỗ luỹ kế gần 200 tỉ đồng.

Ngân hàng NNPTNT QN đã đâm đơn ra toà kiện Cty để đòi món nợ luỹ kế lên 29,5 tỉ đồng, nhưng đến nay cũng chưa đòi được cắc nào.

UBND tỉnh QN nhiều lần yêu cầu Cty phải có chính sách giải quyết hậu quả cho nông dân trồng mía nguyên liệu có cam kết thu mua của nhà máy, cũng như phải trả món ngân sách hơn 7 tỉ của tỉnh hỗ trợ cho nhà máy phát triển vùng nguyên liệu, và khoản tiền 116 triệu đồng của tỉnh hỗ trợ nông dân trồng mía thông qua Cty, nhưng Cty không thực hiện hỗ trợ cho dân, mà đem sử dụng vào việc khác.

Tuy nhiên, tất tật các món nợ tính được bằng tiền này đều chưa được Cty mía đường "có vay có trả". Điều đáng nói nữa là niềm tin của nông dân đã bị cây mía làm sụp đổ.

Chính vì vậy, vụ kiện lần này đã xới lên những "ân chưa đền, oán chưa trả" giữa nhà máy đường và nông dân...