Nhà nhập khẩu muốn phân bón trong nước tăng giá
Các Website khác - 04/11/2005

Theo doanh nghiệp nhập khẩu, phân bón sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 50% cho thị trường, còn doanh nghiệp sản xuất cho là chỉ cần nhập thêm độ 100.000 tấn urê. Giá urê của VN bán ra thấp hơn urê nhập khẩu từ 200-400 đồng/kg, nên nhà nhập khẩu e ngại.

Doanh nghiệp e ngại nhập hàng vì giá phân bón trong nước thấp hơn nhập khẩu.

Bà Nguyễn Thị Ngọ, Phó chủ tịch Tổng Chi hội phân bón miền Nam, kiêm giám đốc Công ty TNHH Hoàng Lê cho biết, giá phân urê trong nước luôn thay đổi nhưng không theo giá quốc tế và thường thấp hơn giá nhập từ 400 đồng/kg trở xuống.

Giá bán lẻ urê do Nhà máy Đạm Phú Mỹ đưa ra chỉ 4.200 đồng/kg, trong khi nhập khẩu là 297 USD/tấn. Đến nay giá phân bón thế giới xuống mức 270-280 USD/tấn (tương đương 4.600-4.770 đồng/kg) nhưng doanh nghiệp vẫn không dám mua. Trong khi đó thị trường vẫn rất cần lượng phân bón nhập khẩu vì công suất của đạm Phú Mỹ chỉ đáp ứng được 50% lượng phân bón cho nông dân phía miền Nam.

Lượng urê nhập lậu qua biên giới được hợp thức hóa tự do về tận TP HCM ngày càng tăng. Điều này khiến cho nhiều nhà nhập khẩu urê điêu đứng. Hàng nhập về để tồn kho nhưng lãi suất ngân hàng phải trả đều. Lãi vay USD lên đến 7,5%/năm, VND lên 12%/năm. Tỷ giá USD thì liên tục tăng (hiện là 15.930 đồng/USD). Phân bón bán ra lại trả chậm nên nhà nhập khẩu thiếu vốn.

"Phú Mỹ phải bán theo giá quốc tế, chuẩn với các bản tin ra hàng tuần. Cách thức phân phối chuyên nghiệp, rõ ràng hơn để cùng nhà máy kiểm soát hàng nhập lậu từ biên giới hoặc đánh thuế nhập khẩu vào VN. Làm được như vậy, mới có một sân chơi bình đẳng để nhà nhập khẩu yên tâm" bà Ngọ nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội phân bón VN Nguyễn Hạc Thúy cho rằng, từ nay đến tháng 1 năm 2006, doanh nghiệp phải nhập thêm 400.000 tấn urê thì mới cung ứng đủ cho vụ mùa Đông xuân. Nhưng để làm được điều này quả thật rất khó khăn.

Ông Thúy nhận xét, giá urê trong nước thay đổi liên tục làm cho nhà nhập khẩu đối phó đến chóng mặt, nhưng người dân vẫn không được hưởng lợi. Hàng nhập hay sản xuất trong nước đều bán tại kho của nhà sản xuất và nhập khẩu, qua các công ty trung gian, đại lý... nên giá urê được san bằng như nhau. Nông dân luôn mua phân bón theo giá nhập khẩu chính ngạch khoảng trên dưới 5.000 đồng/kg. Đây cũng là một thực trạng nhức nhối mà các cơ quan quản lý cần xem xét lại.

Giám đốc Nhà máy Đạm Phú Mỹ Đinh Hữu Lộc cho rằng, giá phân urê thế giới tăng cao trong thời gian gần đây là do cước phí vận chuyển nhập khẩu tăng. Giá urê của Phú Mỹ được bán theo công thức tính dựa trên giá nhập khẩu và sản xuất trong nước do các cơ quan bộ ngành liên quan phê duyệt. Phú Mỹ có quyền quyết định giá bán và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa chứ không thể điều tiết theo giá urê nhập khẩu. "Thời điểm doanh nghiệp nhập, giá urê thấp hơn so với lúc bán ra trên thị trường nội địa, thì không thể đỗ lỗi là tại Phú Mỹ bán giá thấp. Trước khi đưa ra giá bán Phú Mỹ luôn căn cứ vào bản tin của giá cả thị trường phân urê trên thế giới. Trong khi đó, doanh nghiệp nhập hàng giá lên xuống thất thường thì làm sao buộc Phú Mỹ theo được", ông Lộc giải thích.

Theo ông Lộc, doanh nghiệp nhập khẩu bao giờ cũng muốn giá bán ra ở thị trường VN cao hơn so với giá thế giới để thu được lợi nhuận. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ tồn tại ở thời gian VN chưa sản xuất được phân bón. Mặt khác, hiện tại giá urê của Nhà máy Phú Mỹ bán ra 4.200 đồng/kg là hàng lấy tại nhà máy. Hàng tới tay nông dân khoảng 4.700-5.000. Đây cũng là chuyện bình thường, vì các nhà phân phối, đại lý phải chịu chi phí xăng dầu ngày càng tăng. Theo dự báo của ông Lộc, nếu mùa vụ Đông xuân chỉ kéo dài từ nay đến tháng 3 năm sau thì lượng phân bón sẽ không thiếu nhiều. Hiện tại, urê Phú Mỹ còn tồn kho 500.000 tấn, cộng với năng suất sản xuất từ nay đến tháng 3 thêm 200.000 tấn. "Như thế, từ nay đến tháng 3 năm sau, lượng phân bón Phú Mỹ đưa ra thị trường là 700.000 tấn. Doanh nghiệp chỉ cần nhập thêm 100.000 tấn thì sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và bình ổn được giá bán", ông Lộc cho biết thêm.

Một quan chức của Cục Nông Nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - Văn phòng phía Nam cũng cho rằng, Nhà máy Phú Mỹ sản xuất ra lượng urê lớn như hiện nay đã giúp một phần rất lớn cho việc sản xuất mùa vụ của nông dân. Từ đó, thị trường phân bón cũng được cân bằng, không để các nhà nhập khẩu làm giá như trước đây. Vị quan chức này nói: "Khi có sự cạnh tranh giữa nhà sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu, thị trường phân bón VN sẽ hạn chế được các loại hàng chất lượng kém và giá thành sẽ được hạ xuống. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bác bỏ được những khó khăn hiện nay của các nhà nhập khẩu, vì giá phân bón trên thế giới luôn thay đổi".

Nguyễn Thùy