Nhiều thách thức, nhiều cơ hội...
Các Website khác - 30/11/2005
Tái định cư thuỷ điện Sơn La, Chủ tịch UBND Sơn La Hoàng Chí Thức:
Nhiều thách thức, nhiều cơ hội...

Lễ ngăn sông Đà giai đoạn 1, khởi công dự án thuỷ điện Sơn La diễn ra tại thời điểm Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La vừa tiến hành là một dấu ấn rất đặc biệt đối với cán bộ, nhân dân các dân tộc nơi đây. Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về công tác di dân tái định cư, ông Hoàng Chí Thức - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết:

Người dân làm nhà mới tại khu
tái định cư thuỷ điện Sơn La.
- Để có đất dành cho Nhà máy thủy điện Sơn La, cả 3 tỉnh Tây Bắc có tới gần 19 nghìn hộ phải di dời, tái định cư, riêng tỉnh chúng tôi có khoảng 13 nghìn hộ phải di chuyển chỗ ở, và kế hoạch tái định cư xong trước năm 2010.
Mấy năm vừa qua, chúng tôi tập trung làm công tác vận động, tuyên truyền. Chúng tôi giao cho chính quyền huyện giúp các xã làm quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng và bố trí đón tiếp nhân dân đến với phương châm giúp dân cả nơi đón nhận, nơi đến ở hiểu được trách nhiệm, chia sẻ, đùm bọc nhau.
Đến nay đã có 1.251 hộ chuyển đến nơi ở mới; phấn đấu cuối năm 2005 sẽ chuyển xong những hộ dân có nhà bị ngập dưới cốt 140m và những hộ không còn đất sản xuất đến nơi ở mới.

´ Đề nghị ông nói rõ hơn về những thách thức và biện pháp tháo gỡ những khó khăn đó?

- Không chỉ riêng chúng tôi, mà với cả nước, đây là cuộc di chuyển lớn, phạm vi di chuyển rộng, kết cấu hạ tầng của các khu tái định cư còn rất yếu kém, đời sống của đồng bào các dân tộc hết sức khó khăn, vất vả.
Trong khi đó, phần đông đồng bào vùng di chuyển tri thức thấp, bà con có những tập quán văn hoá rất riêng; hạ tầng cơ sở thì quá thấp kém. Bởi vậy, tổ chức di chuyển dân không chu đáo, thiếu sự chuẩn bị về mặt tinh thần thì khó có thể thuyết phục được bà con.
Với đồng bào các dân tộc thiểu số việc vận động, tuyên truyền là rất quan trọng. Tỉnh chọn Quỳnh Nhai làm điểm để nhân thành diện. TCty Điện lực VN và TCty Sông Đà phối hợp với địa phương rất chặt chẽ trong công tác này.

´ Việc di chuyển đến nơi ở mới, người dân được hưởng lợi như thế nào? Làm sao để đời sống bà con ổn định, phát triển? Liệu có đảm bảo tiến độ di dân theo yêu cầu?

- Chủ trương di dân tái định cư nội tỉnh với yêu cầu bà con di chuyển đến nơi ở mới và người dân sở tại phải có cuộc sống tốt hơn, được hưởng lợi từ đầu tư phát triển sản xuất cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội. Chúng tôi đang thực hiện thí điểm chủ trương giao cho các DN làm "bà đỡ" cho dân tái định cư thuỷ điện Sơn La về kỹ thuật chăn nuôi, canh tác. Hiện nay, mô hình này đã thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở huyện Thuận Châu và Mai Sơn, sắp tới sẽ nhân rộng ra cả tỉnh.

Để bà con thể hiện quyền làm chủ, và sử dụng hiệu quả đồng tiền tái định cư, địa phương đã phân cấp quản lý điều hành, quản lý vốn với cơ cấu phân bổ vốn tái định cư để bồi thường và xây dựng nhà ở cho các hộ dân tái định cư không quá 25% để đền bù đất ở và đất sản xuất cho các hộ dân bị thu hồi đất, xây dựng hạ tầng cơ sở tại nơi đón dân tái định cư, được sử dụng không quá 60% để cho các huyện có dân tái định cư được sử dụng không quá 15% đầu tư các công trình liên xã; đảm bảo các điểm tái định cư có đủ điều kiện đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và các điều kiện thiết yếu khác, khuyến khích các hộ tái định cư tự làm nhà ở và tự lập phương án sản xuất phù hợp với quy hoạch được duyệt, các hộ tái định cư được gửi tiền đền bù vào quỹ tiết kiệm để ổn định đời sống và tổ chức sản xuất tại nơi ở mới; coi trọng công khai dân chủ, minh bạch, chính xác, công bằng, kịp thời trong thống kê, áp giá, đền bù cho các hộ dân.
Chúng tôi sẽ triển khai có hiệu quả dự án di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La, bảo đảm an toàn tuyệt đối, đúng tiến độ, cơ bản hoàn thành vào năm 2008 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2010.

- Xin cảm ơn ông.

Thanh Thủy
thực hiện