Tất cả cho ngày ngăn sông
Các Website khác - 29/11/2005
Tất cả cho ngày ngăn sông

Để có thể ngăn sông Đà trong một hai ngày tới, hàng nghìn lao động đã phải làm việc 3 ca, 4 kíp từ gần hai năm nay.

Lấn dòng sông Đà chuẩn bị
ngăn sông.
Nhanh và linh hoạt

Người đưa chúng tôi xuống công trường xây dựng Nhà máy thuỷ điện Sơn La là anh Nghiêm Hải Giang - Trưởng ban điều hành thuỷ điện Sơn La của TCty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi). Không hùng hậu như lực lượng của Sông Đà, song do đảm nhiệm nhiều hạng mục quan trọng như bêtông đập tràn và hố móng đập nên hơn 600 cán bộ công nhân của Licogi vẫn phải làm việc liên tục, làm 3 ca, 4 kíp từ gần một năm nay.

Những hạng mục chuẩn bị cho ngày ngăn sông do Licogi đảm nhiệm, với trên 50 nghìn mét khối đất và 30 nghìn mét khối đá đã được các đơn vị thi công hoàn thành từ trước đó rất sớm. Hầu hết các phương tiện thi công đang được chuyển sang thi công móng tràn xả lũ.

Dẫu vậy, Trưởng ban Nghiêm Hải Giang vẫn thừa nhận là tiến độ thi công trên công trường Sơn La đang rất "căng" và vẫn cần được tính toán cẩn thận. Do vừa thiết kế, vừa thi công và cần đẩy nhanh tiến độ, nên Licogi phải bố trí cho anh em công nhân làm việc liên tục 3 ca, 4 kíp trong ngày. Nhưng như thế chưa đủ và chế độ làm việc như vậy chỉ hiệu quả khi việc cung cấp thiết bị đảm bảo đủ, kịp thời bên cạnh một cơ chế thưởng phạt linh hoạt.

Anh Nghiêm Hải Giang cho biết, Licogi "cắn răng" chấp nhận đầu tư nhập ngoại 3 máy khoan đá hiện đại, bên cạnh 2 dây chuyền trạm trộn bêtông 100m3/giờ. Để kích thích lực lượng thi công đẩy nhanh tiến độ, một cơ chế thưởng phạt "linh hoạt" được đưa ra. "Chúng tôi cho anh em được hưởng cơ chế lương nhân hệ số 1,5, khi đơn vị thi công đó hoàn thành tiến độ được giao và đảm bảo chất lượng. Giải pháp này thực sự hiệu quả" - anh Giang nói.

Hy sinh thầm lặng
Đối với không ít lao động trong đội quân rầm rộ hơn 4.300 người của TCty Xây dựng Sông Đà, mốc ngăn sông chưa hẳn đã là ngày vui trọn vẹn. Đội phó Đội xây lắp, Cty Sông Đà 6 - anh Lê Văn Đạo - không giấu giếm rằng, rất nhiều lao động trong đơn vị đang không có việc làm, hay làm việc cầm chừng chờ ngày ngăn sông.

"Nhiều người trong chúng tôi đã phải đợi việc từ đầu tháng 11 này, vì phải tới sau ngày ngăn sông rất lâu, chúng tôi mới có thể thi công đào đắp đê quai và các hạng mục khác" - anh Đạo thẳng thắn.

Xung quanh chuyện này, trao đổi với chúng tôi, Phó trưởng ban điều hành thuỷ điện Sơn La của TCty Xây dựng Sông Đà - kỹ sư Phạm Văn Kiểm - thừa nhận: "Chuyện này là có và chúng tôi ước tính sẽ có tới trên - dưới 2.000 lao động phải làm việc cầm chừng, hay làm những việc khác. Song đây là điều hoàn toàn bình thường ở các công trình lớn, cần huy động lực lượng rầm rộ lúc cao điểm như chuẩn bị ngăn sông".

Ông Phạm Văn Kiểm giải thích thêm, số lao động hiện không có việc làm hay làm việc cầm chừng phải đợi tới sau ngày ngăn sông mới có việc làm, (lúc đó việc đào hố móng, đắp đập mới có thể triển khai).

Hiện nay, số lao động không có việc làm trên công trường Sơn La được "bố trí" mức lương cơ bản 300-330 nghìn đồng/tháng. Một số ít - theo như ông Phạm Văn Kiểm - được sắp xếp làm các công việc phụ trợ khác kiếm thêm thu nhập. Đối với những công nhân đang thiếu việc làm, ngày ngăn sông vì thế chưa hẳn đã là ngày vui trọn vẹn. Song cũng có thể coi đó là sự hy sinh thầm lặng cho một công trình quốc gia!

Cẩm Văn