Sau Vinamilk, Gemandept giờ lại đến lượt Kinh Đô tuyên bố sẽ lên sàn Singapore và sau đó có thể là Hong Kong. Tuy nhiên, để những doanh nghiệp này vươn xa trên thị trường quốc tế, hàng núi công việc pháp lý đang chờ cơ quan quản lý xúc tiến thực hiện.
![]() |
TTCK Singapore không hề dễ tính. |
Theo Chuyên gia tư vấn luật chứng khoán Cliff Kennedy, để các công ty VN có thể niêm yết ở nước ngoài, VN phải ký một văn bản pháp lý về giám sát các giao dịch niêm yết với những quốc gia mà doanh nghiệp muốn niêm yết nhằm quản lý những giao dịch liên thông giữa hai quốc gia. Ở mức độ cao hơn, VN cần xem xét những yêu cầu về quy định chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, quyền sử dụng đất, cho thuê tài sản, thuế, kiểm toán và ngay cả các quy định về bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, gần như chưa có văn bản pháp lý và tiêu chuẩn niêm yết ở nước ngoài nào cho các công ty VN. Ngay dự thảo 3 Luật chứng khoán mới được hoàn thành có tới 12 chương và 90 điều nhưng không có phần nào đề cập đến niêm yết ở nước ngoài, duy nhất có điều 86 quy định giải quyết tranh chấp liên quan đến bên nước ngoài. Một số quy định quan trọng trong dự luật có thể tương thích với các điều kiện quốc tế như tính liêm chính của ban giám đốc, kiểm soát nội bộ, giải quyết nợ vẫn sơ sài.
Hiện VN chưa có công ty nào niêm yết ở nước ngoài. Duy nhất một công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở VN của Đài Loan là Vedan International Limited đã niêm yết ở TTCK Hong Kong vào tháng 6/2003. Tính đến 31/12/2004 có 625 công ty niêm yết trên TTCK Singapore với tổng giá trị vốn cổ phần là 452,4 tỷ USD Singapore. Công ty nước ngoài chiếm 28%, trong đó Đông Nam Á có 24 công ty, Trung Quốc tới 68 công ty. |
Chủ trương đưa một số doanh nghiệp VN niêm yết tại Singapore đã được ghi nhận trong Hiệp định hợp tác kinh tế do Thủ tướng 2 nước ký kết cách đây hơn 1 năm song từ đó đến nay chưa có một văn bản nào liên quan đến vấn đề này được ban hành. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI bức xúc phát biểu: "Thực tế đòi hỏi nhưng UBCKNN chưa triển khai việc soạn thảo chính sách, các nhà đầu tư cảm thấy có sự thờ ơ vô tư từ cơ quan quản lý thị trường, dường như cảm thấy rằng đó không phải là việc của mình".
VAFI cho rằng UBCK nên khẩn trương có kế hoạch soạn thảo khuôn khổ pháp lý để doanh nghiệp VN được niêm yết ở nước ngoài. Nếu vì vấn đề nhân sự hoặc vấn đề khác mà chưa làm được thì cần báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính biết để Bộ phân công đơn vị khác thực hiện.
Trong nước thì chậm trễ như vậy, quy định niêm yết ở nước ngoài nhìn qua có vẻ đơn giản nhưng đi vào thực tế không hề đơn giản. Chẳng hạn, để lên sàn Singapore doanh nghiệp phải đạt lợi nhuận trước thuế ít nhất 7,5 triệu USD trong 3 năm tài chính gần nhất, trong đó lợi nhuận trước thuế của từng năm ít nhất là 1 triệu USD. Tuy nhiên đi kèm với nó là một lô các điều kiện khác, trong đó doanh nghiệp phải có báo cáo kiểm toán chứng minh tình hình tài chính lành mạnh, nguồn tiền dồi dào từ hoạt động kinh doanh. Tất cả các khoản nợ của giám đốc, cổ đông chính và công ty kiểm soát phải được thanh toán. Hội đồng quản trị của công ty phát hành phải có ít nhất 2 người không điều hành, 2 người này độc lập và không dính líu gì đến hoạt động hoặc không liên quan gì đến tài chính của công ty, đặc biệt phải giải quyết hoặc loại bỏ những xung đột về quyền lợi trước khi niêm yết. TTCK Hong Kong còn đòi hỏi doanh nghiệp phải chỉ định một nhà bảo trợ trong thời gian 1 năm sau khi niêm yết.
Theo các doanh nghiệp, chi phí niêm yết ban đầu tại Singapore vào khoảng 250 triệu đến 1 tỷ đồng, tại Hong Kong từ 330 triệu đến 1,45 tỷ; chi phí niêm yết thường niên vào khoảng 100 triệu đến 250 triệu nếu ở Singapore; 320 triệu đến 2,65 tỷ đồng nếu ở Hong Kong. Tuy nhiên, trong chiến lược huy động vốn và khuếch trương thương hiệu, số tiền này vẫn được coi là rẻ so với chi phí đi vay ngân hàng.
Thực tế không phải chỉ có các doanh nghiệp VN quan tâm tới chuyện xuất khẩu cổ phiếu, ngay các tập đoàn, công ty tư vấn nước ngoài cũng nhìn thấy nhu cầu tất yếu này từ khá lâu. Hồi tháng 3, UOB Asia Limited - một công ty chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp niêm yết tại sàn Singapore và Hong Kong đã cử một đoàn chuyên gia sang VN tổ chức hội thảo, tiếp thị dịch vụ với các doanh nghiệp VN. Tuy nhiên, theo đại diện của công ty này từ ý tưởng đến thực hiện là khoảng cách khá xa, sớm hay muộn còn tuỳ thuộc vào động thái của các cơ quan quản lý VN.
Việt Phong
▪ Xuất khẩu chè giảm mạnh (11/08/2005)
▪ Hàng chục triệu sản phẩm dệt may Trung Quốc ứ đọng tại các cảng của EU (11/08/2005)
▪ Cá basa vẫn ngon hơn catfish Mỹ (11/08/2005)
▪ Biển hiệu mập mờ, phạt văn phòng đại diện (11/08/2005)
▪ Chỉ số giá vẫn trong tầm kiểm soát (11/08/2005)
▪ Ngân hàng muốn tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi (11/08/2005)
▪ 'Chưa cần tăng giá xăng dầu trong nước' (11/08/2005)
▪ Dồn lực cho xuất khẩu (12/08/2005)
▪ Xử phạt trang web Vietstock vì tổ chức mua/bán chứng khoán trái phép (11/08/2005)
▪ Viettel Mobile giảm hơn 60% giá sim di động (11/08/2005)