Quy hoạch không cụ thể, công tác xúc tiến chưa xuyên suốt và thiếu sự hỗ trợ... chính là lực cản đối với nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Lương Văn Lý, nếu không giải quyết được các khâu này, các dự án sẽ tiêu hao nhiều tiền của và thời gian.
![]() |
Quy hoạch yếu kém sẽ làm nản lòng nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: T.V. |
Điển hình là TP HCM, theo ông Lý trước đây chỉ làm một công việc xúc tiến rất đơn giản là giới thiệu tên của dự án. Đơn điệu hơn nữa, những dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài khi tới tay nhà đầu tư chỉ có các gạch đầu dòng, không đi vào chi tiết cụ thể. Chính điều này đã làm nhà đầu tư nản lòng. "Tính đến nay, thành phố đã thu hút được 830 triệu USD vốn FDI. Trong đó, vốn đầu tư mới là 400 triệu USD. Tuy nhiên, nếu so với những địa phương khác, thành phố vẫn chưa khai thác hết tiềm năng", ông Lý nhấn mạnh.
Thiếu sự nghiên cứu kỹ lưỡng trong quy hoạch khi triển khai dự án sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cho nhà đầu tư. Còn chính quyền địa phương phải tiêu hao nhiều chi phí. Đơn cử như dự án đại lộ Đông-Tây (TP HCM). Thành phố có kế hoạch xây dựng thành đường cao tốc. Tuy nhiên, khi khởi công xây dựng mới phát hiện con đường này cắt ngang qua khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong khi đó, giữa lòng đô thị không thể tồn tại một con đường cao tốc, vì sẽ làm mất mỹ quan và sự an toàn của đường phố. Đứng trước tình hình trớ trêu này, thành phố đành phải điều chỉnh lại quy hoạch dự án đại lộ Đông-Tây.
Một khó khăn khác được ông Lý nêu ra là công tác xúc tiến đầu tư thu hút FDI của nhiều địa phương còn hời hợt. Các địa phương cứ tiếp tục mời gọi nhà đầu tư mới nhưng lại thiếu sự hỗ trợ cho dự án đang thi công. Công tác xúc tiến thương mại đầu tư bị gián đoạn, không xuyên suốt trong thời gian xây dựng dự án của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hiện nay các địa phương đưa ra những lĩnh vực ưu tiên hút vốn đầu tư nhưng không có ưu đãi kèm theo.
Theo Giám đốc Trung tâm Đầu tư nước ngoài phía Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Kỳ, tuy vốn đầu tư FDI đăng ký trong những năm gần đây tăng nhưng tỷ trọng thực hiện lại có xu hướng giảm dần. So với vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác, vốn FDI thực hiện tăng chậm, giai đoạn 5 năm qua (2001-2005) giảm 17% so với 5 năm trước đó. Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào những địa phương có điều kiện thuận lợi. Nguyên nhân chính là do công tác quy hoạch của các địa phương này chưa được cải cách cơ bản. Từ đó, địa phương khó xác định lượng vốn đầu tư cần huy động của các ngành và trách nhiệm của các bộ trong công tác thu hút vốn.
Ông Kỳ cho rằng, để thực hiện tốt việc thu hút đầu tư FDI các địa phương cần căn cứ vào mục tiêu của quy hoạch phát triển ngành và sản phẩm. Những dự án có quy mô vốn lớn, ngoài khâu xúc tiến thương mại tốt các địa phương cần trang bị công nghệ, nhằm bù đắp tình trạng thiếu vốn và công nghệ lạc hậu cho nhà đầu tư. "Tạo chuyển biến cơ bản trong thu hút vốn đầu tư FDI, nhất là của các tập đoàn xuyên quốc gia, đồng thời hướng mạnh hơn nữa vào những ngành nghề, lĩnh vực quan trọng là việc mà các địa phương cần làm hiện nay", ông Kỳ cho biết.
Nguyễn Thùy
▪ Khách hàng của Techcombank tiếp tục thua kiện (30/11/2005)
▪ Nhiều thách thức, nhiều cơ hội... (30/11/2005)
▪ Bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu (30/11/2005)
▪ Cổ phần hóa VinaPhone không dễ (30/11/2005)
▪ Doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng... nhỏ (30/11/2005)
▪ Tâm lý đầu cơ ngắn hạn ám ảnh thị trường vàng (30/11/2005)
▪ Công nghiệp phụ trợ chưa rõ hình hài (30/11/2005)
▪ Hàng nội chiếm lĩnh thị trường Noel (30/11/2005)
▪ Nâng thuế nhập khẩu xăng dầu lên 10% (30/11/2005)
▪ 'Đừng quá hốt hoảng mà vội mua vàng đầu cơ' (30/11/2005)