Gần đây tại các cửa khẩu vùng biên giới phía Bắc, mỗi ngày có hàng chục tấn rau xanh, củ quả các loại từ Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu vào VN để chuyển về Hà Nội, các tỉnh và kể cả TP.HCM. Điều đáng nói là phần lớn trong số rau củ quả này đều không qua các khâu kiểm dịch thực vật…
![]() |
Rau củ quả được xé lẻ tại chợ Pò Chài (TQ) để chở về VN bằng xe cải tiến - Ảnh: TRỌNG PHÚ |
Kể từ sau trận ngập “lịch sử” tại Hà Nội, rất nhiều loại rau xanh, củ quả... từ Trung Quốc tràn qua các cửa khẩu vào Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Chỉ riêng tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, mỗi ngày có hàng chục tấn rau củ được chuyển sang VN.
Ngoài giá rẻ, các loại rau củ có xuất xứ từ Trung Quốc nhìn khá bắt mắt, nhưng nhiều người cho biết ăn không ngon bằng rau trồng tại VN.
Tấp nập chợ rau vùng biên
Đồng hồ điểm 2g chiều, những chiếc xe cải tiến chất đầy rau xanh bắt đầu chuyển bánh từ phía chợ Pò Chài (Trung Quốc) vượt qua vòm cửa khẩu tiến về chợ Tân Thanh. “Đến giờ hàng rau về rồi” - Bế Văn Hiếu, một cửu vạn người bản địa, kéo tay tôi về phía trạm biên phòng ngay bên cánh gà cửa khẩu để làm thủ tục sang đất Trung Quốc. Mất vài phút chúng tôi đã đặt chân sang chợ Pò Chài.
Do là mặt hàng mới phát sinh chừng hai tuần nay nên chợ rau không tập kết tại các bãi thông thường Gốc Nhãn và Sư Tử như mặt hàng hoa quả, long nhãn, quần áo, vải vóc...
Nguồn rau củ quả chủ yếu được nhập từ TQ theo đường biên giới (ảnh chụp tại chợ Hạ Long, TP Hạ Long) - Ảnh: CÙ ZAP |
Chợ rau họp ngay phía sau tòa nhà hành chính cao ngất của chợ Pò Chài. Lúc chúng tôi đến nơi, đã có ba chiếc xe “cóc” (xe khách Hyundai loại sáu chỗ ngồi) chất đầy rau đang chuyển xuống các chiếc xe cải tiến bằng gỗ của cánh cửu vạn người Việt. Các loại rau Trung Quốc chuyển sang VN chủ yếu là cải bắp, cải thảo (cải bao), đậu, cải xanh, súp lơ... thậm chí cả ớt, tỏi và hành tây. Từng cái bắp cải, cây cải thảo được bọc trong túi nilông, sau đó còn bọc thêm túi xốp lưới và đóng vào từng bao tải nilông loại lớn.
Làm sao để phân biệt rau Trung Quốc? Để phân biệt, chị Nông Thị Hoa - một tiểu thương chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn) - cho biết bắp cải, cải thảo Trung Quốc rất tròn và mượt, không bị nhàu, xước, đầu búp uốn vào không bị xoăn. Các rau cải làn, cải thìa, hành, thìa là, rau thơm... chủ yếu đều bó bằng nhiều sợi rơm chập vào nhau và xoắn. Rau cải mớ thường tròn, lá ngắn hơn rau của ta. Cà chua cuống xanh hoặc hơi phớt hồng trong khi bên ngoài đã tròn đỏ căng do họ dấm cả cót lớn. Các loại củ như cà rốt, củ cải và quả su su thường to hơn của ta, các rãnh củ rất nông và da trơn, sờ vào rất mát. |
Theo Bế Văn Hiếu, những chiếc xe “cóc” này chở rau từ Bằng Tường và một số địa phương khác của Trung Quốc về đây theo đơn đặt hàng của các chủ hàng người Việt. Sau đó rau được chuyển về chợ Tân Thanh dưới hình thức hàng hóa trao đổi giữa cư dân vùng biên mà không phải chịu thuế và bất cứ sự kiểm tra nào. Bên phía chợ Tân Thanh chủ hàng sẽ gom rau lại để chở bằng xe tải về dưới xuôi.
Chỉ tính trong gần hai giờ mà chúng tôi nán tại chợ Pò Chài, ước có hơn chục tấn rau xanh được bốc chuyển về phía VN.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng - một người buôn bán rau tại Bắc Giang, từ khi Hà Nội và một số tỉnh ngập nặng khiến rau xanh thiếu trầm trọng, bà đã nhanh chóng gom rau từ Bắc Ninh, Bắc Giang về Hà Nội bán. Được vài ngày thị trường rau ở Bắc Ninh, Bắc Giang cạn hàng, bà và nhiều lái rau khác rủ nhau lên Lạng Sơn sang Trung Quốc cất hàng về. Cứ 2g chiều, theo thông lệ bà Hằng lại bắt đầu bận rộn với chiếc điện thoại để điều rau từ bên Trung Quốc chuyển về với số lượng khoảng 4 tấn/ngày.
Vẫn theo bà Hằng, giá rau ở đầu nguồn phía Trung Quốc những ngày này tăng đáng kể: “Cà chua tuần trước có 3.000 đồng/kg. Sau bốn hôm thấy gom nhiều tăng vọt lên 5.000 đồng. Hôm nay ở bên ấy đã 6.500 đồng/kg rồi. Rau xanh càng tăng hơn. Các loại cải trước chỉ 5.000-6.000 đồng/kg, giờ đều xấp xỉ mức 8.000 đồng” - bà
Hằng nói.
“Bó tay, nếu có dư lượng thuốc...”
Chủ hàng người Việt đánh hẳn ôtô tải sang cất rau tại chợ Pò Chài (Trung Quốc) - Ảnh: Trọng Phú |
Mặc dù rau Trung Quốc ồ ạt đổ về VN từ hai tuần nay qua các cửa khẩu của Lạng Sơn, tuy nhiên theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, việc kiểm dịch rau tại các cửa khẩu này hầu như bị buông lỏng. Phần lớn rau củ quả nhập về mới chỉ được kiểm tra ngay tại cửa khẩu ở góc độ có dịch sâu bệnh hay không, về mặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau Trung Quốc hầu như chưa được xem xét.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Bế Thị Thu Hiền - trạm trưởng trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu Tân Thanh - cho hay: theo sổ sách của trạm, từ hai tuần nay trung bình mỗi ngày rau Trung Quốc nhập về VN qua cửa khẩu Tân Thanh khoảng 5 tấn. “Số rau này đều có giấy tờ đầy đủ của phía kiểm dịch Trung Quốc, chỉ có lô hàng nào thấy nghi ngờ chúng tôi mới tiến hành lấy mẫu kiểm dịch” - bà Hiền cho hay. Tuy nhiên, bà Hiền cũng thừa nhận hiện việc kiểm dịch mới chỉ dừng lại ở việc có sinh vật gây hại trên rau củ quả hay không chứ chưa kiểm tra những mặt khác như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng rau xanh...
Trong khi đó ông Phan Trần Kiên, tổ phó tổ kiểm dịch y tế cửa khẩu Tân Thanh, cho biết mặc dù trách nhiệm của tổ kiểm dịch đối với mặt hàng rau có mục kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng hiện tổ mới chỉ thực hiện kiểm tra bằng việc test nhanh. Theo ông Kiên, dụng cụ làm test nhanh của tổ kiểm dịch y tế Tân Thanh cũng chỉ test được hai chất phôtphat và cacbamat (thuộc nhóm hóa chất bảo vệ thực vật), chứ trên rau xanh Trung Quốc nhập khẩu nếu có các chất thuộc dư lượng thuốc kích thích tăng trưởng hay nhóm thuốc bảo vệ thực vật khác thì tổ cũng “bó tay”, không kiểm tra, phát hiện được.
Theo ghi nhận của chúng tôi, khối lượng rau nhập khẩu về được khai báo, kiểm dịch chỉ chiếm một phần nhỏ trong số rau Trung Quốc nhập khẩu về VN. Chỉ riêng ngày 17-11, chúng tôi đã chứng kiến hàng loạt xe cải tiến chở rau do cửu vạn người bản địa kéo từ bên kia chợ Pò Chài qua cửa khẩu Tân Thanh đều không được kiểm tra.
Theo cán bộ của trạm kiểm dịch thực vật và tổ kiểm dịch y tế cửa khẩu Tân Thanh, việc chở rau bằng xe cải tiến là theo hình thức buôn bán trao đổi giữa cư dân hai bên biên giới - nếu số hàng dưới 2 triệu đồng chỉ khai báo hải quan chứ không phải chịu thuế hay kiểm dịch. “Nhiều chủ hàng đã lợi dụng quy định này để thuê người dân sống quanh chợ Tân Thanh chở rau về qua cửa khẩu, sau đó chuyển về Hà Nội và các tỉnh lân cận” - bà Bế Thị Thu Hiền cho biết.
TRỌNG PHÚ - HOÀNG MAI
TP.HCM: khoảng 200 tấn rau Trung Quốc/ngày Ngày 18-11, giá rau tại các chợ đầu mối diễn biến trái chiều phụ thuộc lượng hàng chuyển về nhưng vẫn còn ở mức cao. Tại chợ đầu mối Tam Bình (Thủ Đức), lượng rau về tăng 30 tấn so với hôm trước đã kéo giá nhiều loại rau giảm nhẹ. Giảm nhiều nhất là cải bó xôi và cải bẹ xanh với mức giảm 2.000 đồng/kg. Các loại khác như khổ qua, đậu đũa, su hào, rau thơm giảm khoảng 1.000 đồng/kg. Theo đó, khổ qua được bán với giá 8.000-9.000 đồng/kg, đậu đũa 7.000 đồng/kg, su hào 8.000 đồng/kg và rau thơm 12.000 đồng/kg. Riêng rau Trung Quốc về chợ đạt 200 tấn, không tăng nhiều so với các ngày trước đó, chủ yếu là bông cải (súp lơ), gừng, tỏi... * Cũng tại chợ đầu mối Tam Bình, lượng trái cây nhập về ngày 18-11 tăng so với ngày trước đó với khối lượng ước đạt 700 tấn, chủ yếu là các loại trái cây Trung Quốc như táo, lê, quýt, hồng giòn, lựu, nho... Ngoài ra còn một số loại trái cây của Thái Lan như táo, bòn bon. Hàng nhập từ Trung Quốc có đặc điểm màu sắc tươi và da nhẵn nhìn rất đẹp. TRẦN MẠNH - NHƯ BÌNH |
▪ Hà Nội : Chỉ 65% doanh nghiệp taxi giảm giá cước (19/11/2008)
▪ Chất lượng dịch vụ ATM chưa cao, chưa thể thu phí (19/11/2008)
▪ 20/11: giá hoa tươi đắt chưa từng có (19/11/2008)
▪ Bến Tre: bưởi da xanh “lên voi”, bưởi Năm Roi “xuống chó” (19/11/2008)
▪ Đắt như... rau xanh! (18/11/2008)
▪ Cổ phiếu vẫn ào ào giảm giá (18/11/2008)
▪ “Vụ thách 100 tỷ đồng” đã sẵn sàng để ký kết (18/11/2008)
▪ Dầu lại xuống dưới 55 USD/thùng (18/11/2008)
▪ Tiêu dùng thực phẩm dịp Tết Kỷ Sửu sẽ tăng 40% (17/11/2008)
▪ Thiếu hụt nguồn cung rau xanh - Người trồng trở tay không kịp (17/11/2008)