“Vụ thách 100 tỷ đồng” đã sẵn sàng để ký kết
Các Website khác - 18/11/2008

 

Phối cảnh tổ hợp công trình Keangnam Hanoi Landmark Tower

Không có chuyện thành phố đứng ra “chứng kiến”!

Trong chiều qua, ông Trần Nhung, Tổng biên tập báo Cựu chiến binh cho biết: “Chiều 17/11, chúng tôi đã gửi giấy mời đến phía Keangnam để chiều ngày 18/11, phía Keangnam và các bên liên quan sẽ gặp nhau tại trụ sở của báo Cựu chiến binh để cùng bàn thảo đến chuyện kí cam kết”.

Trong khi đó, trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh nêu ý kiến cá nhân: báo Cựu chiến binh là diễn đàn để đăng thư, đăng ý kiến của bạn đọc theo luật báo chí chứ không phải là một bên tham gia vào việc ký cam kết “100 tỷ”.

Tôi rất mong muốn phía tác giả bức thư và phía Keangnam cùng gặp gỡ, trao đổi, giúp đỡ, động viên nhau để cùng hoàn thành công trình đúng tiến độ, chào mừng Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.

Trong chiều cùng ngày, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết: “Không thể có chuyện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đứng ra chứng kiến hay làm chứng việc các bên “thách cược” với nhau. Chính quyền chỉ giải quyết các vấn đề liên quan đến luật pháp, đến những quy định hợp lệ”.

Được biết, việc cam kết tiến độ công trình tháp Keangnam - công trình trọng điểm cho dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ sớm được UBND TP Hà Nội báo cáo lên thường trực Thành ủy.

Chỉ 4 - 6 ngày hoàn thành một tầng!

Chiều qua, 17/11, tại trụ sở Keangnam, Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Ha Jong Suk, Chủ tịch công ty TNHH thành viên Keangnam - Vina.

Ông Ha Jong Suk khẳng định: Đây là một cam kết dân sự chứ hoàn toàn không phải trò thách thức, cá cược. Nếu chúng tôi hoàn thành công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng đề ra phía bên kia sẽ thưởng 100 tỷ đồng.

Để đảm bảo lời hứa sẽ hoàn thành đúng tiến độ, chúng tôi phải có vật làm tin và đó là số tài sản (căn hộ của tòa nhà) trị giá tương đương 100 tỷ đồng. Mặt khác, cả hai bên cam kết dùng số tiền 100 tỉ đồng vào mục đích từ thiện… Hiện phía Keangnam chưa dùng đến luật sư mà đang chờ phía báo Cựu chiến binh trả lời.

Là hợp đồng cam kết dân sự, vậy tại sao Keangnam lại có lời đề nghị về sự có mặt của UBND TP Hà Nội, các bộ ngành trung ương trong buổi ký cam kết?

Bởi trên thực tế, từ khi có những bài báo phê phán với những lời lẽ rất nặng nề dành cho Keangnam, không có bất kỳ một cái tên tác giả cụ thể nào được nêu ra…

Trong ngày 17/11, Keangnam đã có văn bản gửi tới báo Cựu chiến binh đề nghị cung cấp thông tin tên tuổi người tham gia ký kết, tài sản đem ra cam kết, tên cơ quan tổ chức nào đứng ra làm chứng và mẫu hợp đồng cam kết phải gửi trước 10h ngày 18/11.

Có nhiều ý kiến nêu ra rằng: phải chăng Keangnam qua sự việc này để đánh bóng hình ảnh của mình?

Trong tình hình khủng hoảng tài chính như lúc này, trong tình hình bất động sản đang nguội lạnh như hiện nay, có đánh bóng mấy cũng không bán được thêm nhà.

Hình ảnh của Keangnam đã gắn với tòa nhà 70 tầng tại Hà Nội, chúng tôi cũng không dại gì mang thương hiệu của tập đoàn ra để là PR quá lộ liễu như thế…

Quả thật, qua những bài báo liên quan đến lời thách cược kể trên, là phía nhà đầu tư, chúng tôi cảm thấy bị tổn thương và việc đồng ý việc ký cam kết là để bảo vệ danh dự, uy tín 50 năm của chúng tôi.

Tôi rất buồn vì đã nhiều lần báo Cựu chiến binh đăng bài viết, thư ngỏ nhưng chúng tôi chưa bao giờ được tiếp phóng viên hay cán bộ nào của báo này cả.

Với quan điểm cá nhân, sau những gì đã xảy ra, đến giờ ông có mong muốn việc ký cam kết sẽ diễn ra?

Tôi đã trao đổi với nhân viên, chuyên gia và kỹ sư xây dựng bên tôi, họ đều khẳng định sẽ hoàn thành đúng tiến độ. Với quan điểm cá nhân, để bảo vệ danh dự, uy tín của Keangnam, tôi mong muốn việc ký cam kết sẽ diễn ra. Chúng tôi sẽ chứng minh là chúng tôi làm đúng những gì đã hứa.

Nếu vì lý do nào đó, việc ký cam kết không diễn ra?

Chúng tôi chỉ mong báo Cựu chiến binh làm việc với Keangnam, tìm hiểu rõ mọi việc và đăng tải đúng những gì là sự thật. Chúng tôi chỉ mong muốn như vậy.

Trên thực tế, công trình tháp Keangnam đang chậm so với tiến độ đề ra là 2 tháng?

Đó là chậm so với tiến độ mà phía công ty đề ra còn với toàn bộ công trình thì vẫn đúng kế hoạch. Ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã thực hiện làm việc 24/24 giờ tại công trường.

Theo tính toàn, từ tầng thứ 6 trở lên, trong khoảng thời gian tính toán “dư giả”, 6 ngày chúng tôi hoàn thành một tầng, chất lượng đảm bảo với yêu cầu thiết kế.

Đã khi nào các ông xây với tiến độ như vậy?

Với kỹ thuật xây dựng hiện đại như lúc này, ở Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia khác, chúng tôi chỉ mất 4 ngày để xây xong 1 tầng.

Ở Việt Nam, chúng tôi tính trung bình 6 ngày/tầng là đã trừ đi những khó khăn, những khác biệt…

Phúc Hưng