Rượu giả như mê hồn trận
Các Website khác - 11/01/2006

Thị trường áp Tết:

Rượu giả như mê hồn trận

Những ngày áp Tết chính là lúc rượu giả tác oai, tác quái trên thị trường. Thôi thì đủ loại, rượu nội giả, rượu ngoại cũng giả, làm giả trong nước và làm giả cả ở nước ngoài. Một mê hồn trận thật, giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lường.

Bắt quả tang một điểm sản xuất
rượu giả tại Bến Chương Dương,
Q.1, TPHCM.

Rượu lậu vào quán bar
Theo đánh giá của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, vào những dịp tết, mặt hàng rượu ngoại bị làm giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ được đặt làm chủ yếu từ Trung Quốc sẽ gia tăng mạnh. Đáng chú ý, qua kiểm tra tại các vũ trường và các bar rượu, hầu hết rượu ngoại bày bán tại đây là rượu nhập lậu sử dụng tem giả.

Một số vụ điển hình về kinh doanh rượu ngoại giả đã được phát hiện trong thời gian gần đây như: Kiểm tra nhà hàng kinh doanh dịch vụ giải trí Hale Club tại 64 phố Nguyễn Du, đã thu giữ 13 chai rượu ngoại không tem, 740 chai rượu có dấu hiệu dùng tem giả, tem quay vòng, tem rách nát..., đã bị xử phạt hành chính 10 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hoá.

Tại quán bar Embasy - địa chỉ 25 phố Ngô Văn Sở, Đội quản lý thị trường số 2 phát hiện 567 chai rượu ngoại không dán tem nhập khẩu và sử dụng tem nhập khẩu giả, đã bị xử phạt hành chính hơn 10 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hoá...

Giả cả ở trong và ngoài nước
Ngày 9.1, Đội quản lý thị trường số 1 - Chi cục QLTT Hà Nội đã bắt giữ một cơ sở tại phố Hàng Buồm đang lưu giữ hơn 500 chai rượu ngoại có nhãn mác không rõ nguồn gốc. Qua kiểm tra, đã phát hiện 200 chai rượu ngoại dán tem nhập khẩu giả, số còn lại là các loại tem nhập khẩu đã được quay vòng.

Kiểm tra rượu dán tem nhập khẩu
trùng số seri tại siêu thị.
Ông San - Đội trưởng Đội QLTT số 1 - cho biết, số rượu này hiện đang được cơ quan kiểm định xem xét làm rõ nguồn gốc và sẽ có kết luận chính thức trong một vài ngày tới. Tháng 12 vừa qua, trong 112 vụ vi phạm về rượu bị xử lý có 34 vụ buôn bán hàng nhập lậu, 19 vụ hàng giả, trong đó có cả rượu ngoại.

Tại TPHCM, trong vòng 1 năm nay, chỉ riêng 3 lò sản xuất rượu giả vừa bị Công an TPHCM phát hiện, đã tung ra thị trường gần 10.000 chai rượu giả các loại. Kỹ thuật làm rượu giả hiện nay khá tinh vi.

Bà Trần Bích Dương - Đội phó Đội QLTT 3A, chuyên chống hàng giả - cho biết: "Không chỉ rượu được làm giả trong nước mà còn có cả rượu được làm giả từ nước ngoài, rồi nhập lậu vào nước ta. Những mặt hàng này thường được người tiêu dùng tưởng nhầm là hàng nhập lậu, nhưng đấy vừa là rượu giả vừa nhập lậu. Rượu giả là mặt hàng khó phát hiện vì rượu giả cũng được các đối tượng dán tem nhập khẩu giả".

Ngày 20.12.2005, khi Cơ quan cảnh sát điều tra bắt quả tang sản xuất rượu giả tại nhà trọ số 119/25 khu phố 1, phường Hiệp Thành, quận 12, ngoài 25 can rượu và nhiều dụng cụ để pha chế, tang vật còn có 2 bao tải tem chống hàng giả, tem nhập khẩu. Đặc biệt, cách thức pha chế, sản xuất rượu giả của 3 lò làm giả bị phát hiện vừa qua có điểm giống nhau là sử dụng 50% rượu thật trong mỗi chai để người tiêu dùng khó nhận biết.

Không chỉ làm giả rượu ngoại, tại cơ sở số 58/47H, tổ 58A, khu phố 1, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, lực lượng kiểm tra còn phát hiện rượu Nếp Mới, Lúa Mới của Cty rượu Hà Nội cũng được làm giả tại đây. Theo lời khai của các đối tượng làm rượu giả, trung bình mỗi lò có thể sản xuất 20-40 chai/ngày và tiêu thụ tại TPHCM, các tỉnh miền Trung, miền Tây.

Rượu giả có thể gây ung thư

Rượu giả có thể "giả" về nhãn mác - lập lờ thương hiệu, hoặc không đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm có thể là các loại rượu chưng cất thủ công bằng các phương pháp thô sơ, nên vẫn có hàm lượng các tạp chất furfuron, metanol, aldehyd rất cao, vượt ngưỡng cho phép. Các chất này khi vào cơ thể, có thể gây ra cảm giác nôn nao, nhức đầu, các phản xạ thần kinh đều ảnh hưởng.

Rượu giả còn có thể chứa các phẩm màu không nằm trong danh mục cho phép sử dụng, với mục đích tạo màu. Nếu phẩm màu có chứa các gốc kiềm, khi vào cơ thể sẽ tích luỹ tại gan, các cơ quan nội tạng khác, và có khả năng gây bệnh ung thư.

(Nguồn: Trung tâm Chống độc Bạch Mai & Viện Dinh dưỡng quốc gia)

Chỉ là phần nổi của tảng băng
Rượu giả tác oai, tác quái như vậy, nhưng theo số liệu của Chi cục QLTT TPHCM, trong những tháng gần đây, số lượng rượu giả bị phát hiện lại không nhiều, chỉ 2 trường hợp kinh doanh rượu giả tại quận Thủ Đức bị phát hiện vào tháng 11.2005, với số lượng 47 chai rượu ngoại các loại.

Ông Huỳnh Tấn Phong - Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM - cho biết: "Để hàng giả được ngăn chặn triệt để, rất cần sự hợp tác của các ngành quản lý và nhất là ý thức, đạo đức của người kinh doanh, không vì cái lợi riêng, tiêu thụ hàng giả".

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Long - Đội trưởng Đội QLTT số 8, đơn vị đặc trách nhiệm vụ chống buôn lậu, hàng giả của Chi cục QLTT Đà Nẵng - cho biết: Từ tháng 11.2005, Chi cục QLTT, Sở Thương mại đã tổ chức đợt kiểm tra cao điểm chống hàng giả, hàng lậu trên toàn TP. Tuy nhiên, kết quả không có gì đột biến hơn so mọi năm ngoài mấy chục chai rượu ngoại nhập lậu, làm giả vừa bị tịch thu.

Theo ông Long, có lẽ do "chiến dịch" kiểm tra mang tính định kỳ, rầm rộ nên gian thương đã lẩn tránh và kết quả không phản ánh hết được thực trạng hàng lậu trên thị trường.

Ngoài hàng trăm chai rượu ngoại bị làm giả, nhập lậu bị bắt trong năm 2005, từ đầu tháng 1.2006 đến nay, Chi cục QLTT phối hợp với Sở Công nghiệp, Sở Y tế thành lập đội kiểm tra liên ngành, tổ chức đợt tổng kiểm tra hàng hoá trước Tết, cũng chỉ phát hiện bắt giữ gần 100 chai rượu ngoại khác.

Khi uống rượu nhiều, những hoá chất tích tụ lại sẽ có khả năng làm tăng nồng độ cồn trong máu, gây thiếu ôxy não dẫn đến chết tế bào não. Ngoài ra, hoá chất trong rượu còn gây nên những tác hại rất xấu như huỷ hoại tế bào gan (mà theo cách nói dân gian của ta là rượu có thể "đốt" tế bào gan) khiến xơ gan - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ung thư gan. Và tử vong là điều khó tránh khỏi.

Đặc biệt, với những loại rượu giả, hàm lượng hoá chất lại không được kiểm soát, được sử dụng "chế biến" rượu một cách vô tội vạ nên dễ dàng dẫn đến chảy máu dạ dày (bao tử), hoặc ngộ độc rượu cấp, rất nhanh chóng dẫn đến tử vong.

Linh Lan ghi (Theo bác sĩ tư vấn của Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ - trực thuộc Sở Y tế TPHCM)

Nhóm PV KTXH