Sự thật về hàng không giá rẻ
Các Website khác - 04/12/2005

Những lời quảng cáo, chỉ với 7 USD, 9 USD hay 25 USD là có thể “bay” sang Singapore, Thái Lan... của các hãng hàng không giá rẻ như Tiger Airways, AirAsia, khách hàng tưởng rằng có thể sử dụng dịch vụ với giá rẻ. Nhưng sự thực khác xa với quảng cáo.

Hãng hàng không giá rẻ Ryanair của Ireland.

Chưa bao giờ thị trường hàng không Việt Nam "nóng" như thời điểm hiện nay, bởi sự xuất hiện của các hãng hàng không giá rẻ: Tiger Airways (Singapore), AirAsia (Thái Lan). Sau khi thâm nhập thị trường Việt Nam, hai hãng trên đang tiếp tục quảng cáo bán vé máy bay trên các đường bay Việt Nam - Singapore, Việt Nam - Thái Lan với giá 25 USD/lượt. Nhưng qua tìm hiểu, chẳng ai mua được giá này.

Anh Hùng, một hành khách đã mua vé máy bay của Thái Lan (từ đầu tháng 11 của hãng AirAsia) cho biết, dù đến cuối tháng 12 tới mới đi, nhưng nghe giới thiệu càng mua sớm càng rẻ, nên anh tìm đến Văn phòng của hãng tại 303 Kim Mã (Hà Nội) mua vé.

Đến nơi anh mới "ngã ngửa", chẳng có giá vé 25 USD như quảng cáo. Khi hỏi tại sao, nhân viên giải thích rất lằng nhằng, khó hiểu, nào là giá trên chỉ tính giá vé "cơ sở" nào là phải đặt mua sớm hơn, báo đặt chỗ đúng đợt bán vé giá rẻ... Toàn những điều kiện khó có khách hàng nào đáp ứng được.

Rất nhiều người háo hức khi nghe tin có hàng không giá rẻ, nhưng khi tìm mua, họ không khỏi thất vọng, có người rất bực bội và hủy chuyến đi vì “sập bẫy" quảng cáo. Thậm chí có người cho rằng, họ có cảm giác bị... lừa.

Những thông tin quảng cáo của các hãng đang đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ là... quảng cáo. Vấn đề ở đây là "nghệ thuật" quảng cáo được thiết kế theo kiểu “người khôn ăn nói nửa lời...". Kiểu quảng cáo "một nửa sự thật", gây sốc cho khách hàng khi tiếp cận với "sự thật toàn phần" - cũng là điều dễ hiểu.

Trên thực tế, trong số 10 điểm chuyên xuất vé cho khách hàng của hãng Tiger Airways trên địa bàn Hà Nội chỉ có 5 điểm trả lời sẵn sàng bán vé. Tuy nhiên, chính họ cũng khẳng định, không bao giờ có vé 25 USD/lượt trên tuyến Việt Nam - Singapore.

Cũng như nhiều điểm bán vé khác khi khách hàng hỏi mua vé tại 65 Lê Trọng Tấn, thì được nhân viên ở đây khẳng định, “chẳng ai mua được vé 25 USD", mà chỉ có giá 200-400 USD/lượt trên đường bay Việt Nam - Singapore.

Một nhân viên bán vé ở số 65, nhà A4 khu tập thể Văn Chương không giấu được sự ngạc nhiên với cái lý, tại sao khách hàng lại tin vào những lời quảng cáo. Anh tiết lộ, đó chỉ là "chiêu" quảng cáo của các hãng, làm gì có chuyện chỉ cần bỏ ra đúng số tiền như thông tin quảng cáo là có được một tấm vé. Trên thực tế ít nhất khách hàng phải bỏ ra gấp đôi số tiền như quảng cáo mới có tấm vé "hạng xoàng". Nếu mua vé xịn hơn phải tốn gấp hàng chục lần.

Hàng không giá rẻ không còn lạ đối với nhiều nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam quả là mới mẻ. Nó xuất phát từ triết lý kinh doanh, đem dịch vụ cao cấp phục vụ đối tượng bình dân. Thực ra loại hình dịch vụ này nhận được sự khuyến khích của nhiều quốc gia, có điều cách quảng cáo "nhập nhèm" của các hãng ở Việt Nam đã gây sự hiểu lầm cho nhiều người.

Theo một chuyên gia hoạch định chính sách thị trường hàng không thì, chuyện các hãng bán vé đi Thái Lan, Singapore với giá 25 USD/lượt chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Cơ sở để họ đưa ra mức giá này hiểu nôm na giống như xe khách đã ra khỏi bến, nhưng tiếp tục "vớt" khách dọc đường, để kiếm thêm đồng nào hay đồng ấy.

Trên một chuyến bay hơn 100 chỗ ngồi, các hãng chỉ định lượng một số ghế rất ít (thường chỉ vài vé) bán giá rẻ. Số lượng vé giá rẻ nhiều hay ít phụ thuộc vào số khách đăng ký đi trên chuyến bay mà hãng đã dự báo. Trước chuyến bay vài ngày, các hãng đã dự báo khá chính xác số lượng khách đi trên chuyến bay, cũng như còn trống bao nhiêu ghế... Số lượng ghế trống này sẽ thuộc diện áp dụng chính sách vé giá rẻ.

Trong trường hợp khách đăng ký bay sớm, hãng sẽ chủ động “phân phối" giá vé rẻ cho các chuyến bay để lấp chỗ trống... và cũng là tạo tiếng “chuyến nào cũng có người mua được vé giá rẻ", để "hút" khách. Chiêu "dụ” khách là vậy, nhưng khi quảng cáo, các hãng cố tình "nhấn" vào giá rẻ, khiến nhiều người tưởng cả chuyến bay áp dụng giá vé ấy. Khi áp dụng giá vé rẻ, các hãng còn cắt giảm tối đa dịch vụ, nên tiết kiệm một khoản tài chính đáng kể. Hầu hết các hãng "cấm" hành khách mang theo thức ăn, nước uống lên máy bay.

Theo các chuyên gia, cách làm này chẳng khác nào chiêu “ép” khách sử dụng các dịch vụ trên máy bay của họ với một mức giá cao hơn gấp nhiều lần so với mua tại mặt đất... Một lần nữa câu nói đơn giản, nhưng rất hay lại đúng: "tiền nào của ấy”...

(Theo Nhân Dân, Tin Tức)

Theo dòng sự kiện:
Tiger Airways mở đường bay tới Đà Nẵng (25/11)
Không hạn chế bay giá rẻ vào Việt Nam (14/10)
Hàng không giá rẻ mà không rẻ (10/10)
Chuyến bay giá rẻ đầu tiên Tiger Airways cất cánh (01/04)
Tiger Airway tiếp tục đốt nóng sân chơi giá rẻ (30/03)
Xem tiếp»