Sự trỗi dậy của "con rồng" công nghệ Trung Quốc
Các Website khác - 18/12/2005
Sự trỗi dậy của "con rồng" công nghệ Trung Quốc

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, có trụ sở chính tại Paris (Pháp), sau gần một thập kỷ phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực điện tử, lần đầu tiên Trung Quốc (TQ) đã vượt mặt Mỹ để trở thành nhà cung cấp các sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) lớn nhất thế giới.

Trong một nhà máy lắp ráp máy vi
tính tại Phúc Châu - Trung Quốc.
Arthur Kobler - một chuyên viên tư vấn kinh doanh tại Hồng Kông - nói: "Báo cáo đã cho thấy kinh tế TQ đang có những bước chuyển biến vô cùng mạnh mẽ, từ những ngành sản xuất thô sơ như dệt may, da giày và nhựa cho đến ngành sản xuất điện tử tinh xảo và phức tạp". Một trong những bằng chứng hùng hồn nhất về tham vọng của TQ trở thành quốc gia công nghiệp điện tử hàng đầu là sự kiện Công ty sản xuất máy tính Lenovo của nước này chi 1,75 tỉ USD để mua lại bộ phận PC của "gã khổng lồ" IBM (Mỹ) hồi tháng 5.2005.

Báo cáo cho biết, năm 2004, giá trị kim ngạch xuất khẩu CNTT và viễn thông của TQ (bao gồm các mặt hàng như máy tính xách tay, điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số...) đạt 180 tỉ USD, tăng hơn 46% so với năm 2003, và bỏ xa mức 149 tỉ USD mà Mỹ đạt được. Không những vậy, tổng giá trị giao thương của TQ trong lĩnh vực này hiện cũng ngang ngửa Mỹ. Năm 2004, tổng kim ngạch xuất và nhập khẩu các sản phẩm CNTT và viễn thông TQ đạt 329 tỉ USD, so với chỉ 35 tỉ USD vào năm 1996. Các con số tương ứng của Mỹ là 230 tỉ USD năm 1996 và 375 tỉ USD năm 2004.

Trong một thời gian ngắn, TQ đã hết sức nỗ lực đưa tiêu chuẩn công nghệ của riêng mình vào hàng loạt các sản phẩm tiêu dùng bao gồm điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số và các mạng không dây. Đây được coi là một chiến lược nhằm gây ảnh hưởng và thống trị thị trường CNTT toàn cầu. Sự trỗi dậy của ngành CNTT TQ thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc hiện đại hoá trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Ngành quốc phòng của TQ đã phối hợp chặt chẽ với các công ty CNTT và các cơ quan nghiên cứu - phát triển của chính phủ như một "tam giác kỹ thuật số", từ đó phát triển rất nhanh các công nghệ và kỹ thuật quân sự.

Sở dĩ ngành CNTT và viễn thông TQ có được sự tăng trưởng vượt bậc phải kể đến sự đóng góp đáng kể của các tập đoàn toàn cầu như Intel, Nokia, Motorola, Microsoft và Cisco Systems với các khoản đầu tư kếch sù. Theo số liệu của Bộ Thương mại TQ, các doanh nghiệp hoạt động tại nội địa có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất ra giá trị hàng hoá xuất khẩu chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực công nghệ cao. Điều này chứng tỏ các tập đoàn đa quốc gia đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng các cơ sở nghiên cứu và phát triển tại một nước vốn nổi tiếng là đi theo và sao chép các thành tựu của thế giới. Hướng đầu tư này đang giúp TQ chuyển mình sang một vị thế mới - như một cái nôi của những phát kiến mới và những bước đi tiên phong về công nghệ.

Các chuyên gia nhận định, nội lực cũng như tiềm năng phát triển công nghệ cao của TQ hiện đứng hàng đầu thế giới. Mới đây, nước này đã tự chế tạo thành công một siêu máy tính thuộc hàng mạnh nhất hành tinh, có khả năng thực hiện 11 nghìn tỉ phép tính trong một giây. Trường Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) cũng vừa sản xuất thành công bộ vi xử lý máy tính tương đương với bộ xử lý Pentium II của Intel. Thu Trang (Theo New York Times)