Tàu biển Việt Nam tránh cảng Đông Phi
Các Website khác - 29/11/2005

Sau sự cố bị bắt oan trái của tàu Cần Giờ thuộc Công ty vận tải biển Sài Gòn (Sea Saigon), hầu hết các hãng cho thuê tàu biển Việt Nam đều từ chối các hợp đồng đến thị trường Đông Phi, đặc biệt là Tanzania. Những tuyến biển đi qua khu vực này cũng được điều chỉnh để tránh cập cảng Tanzania.

Phó tổng giám đốc Sea Saigon Phạm Hồng Sơn cho VnExpress biết, ngay khi xảy ra vụ tàu Cần Giờ, công ty đã hủy những hợp đồng giao hàng khác tại thị trường Đông Phi. Theo ông Sơn, quyết định này đã gây nhiều thiệt hại cho Sea Saigon bởi đội tàu của công ty là tàu cho thuê định hạn, chủ thuê tàu có thể yêu cầu tàu chạy đến bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Việc hủy tuyến đi Đông Phi khiến cho Sea Saigon mất đi nhiều khách hàng quen biết. Ngoài ra, vùng đại lục đen này cũng là thị trường có cước phí chuyên chở hàng hóa cao nhất trong các tuyến biển trên thế giới nên doanh thu mang về rất cao. Do đó, việc dừng tuyến tàu biển đến Đông Phi cũng có nghĩa doanh số kinh doanh của Sea Saigon bị sụt giảm mạnh.

Các hãng tàu biển Việt Nam đang tránh cập cảng các nước Đông Phi sau sự cố tàu Cần Giờ bị bắt giữ tại Tanzania.

Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Sơn cho rằng vẫn còn có cơ hội cho các hãng tàu biển Việt Nam khai thác thị trường Đông Phi. Một đối tác của Sea Saigon tại Tanzania nhận xét, vụ kiện tàu Cần Giờ do Công ty Mohamed Enterprise đứng nguyên đơn chỉ ảnh hưởng đối với những tàu nhỏ có tải trọng dưới 2.000 tấn với trị giá chưa tới 2 triệu USD. Lý do là nguyên đơn vụ kiện đòi mức bồi thường 1,7 triệu USD, tương đương giá trị 1 tàu nhỏ. Trong khi đó, đội tàu của Sea Saigon hiện có 5 chiếc ngoài tàu Cần Giờ thì 3 cái có tải trọng tương đương tàu Cần Giờ, 2 chiếc còn lại tải trọng nhỏ hơn nên buộc công ty này phải bỏ thị trường Đông Phi.

Các công ty cho thuê tàu biển khác như Công ty vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vitranchat), Công ty vận tải biển Việt Nam (Vosco)... cũng đều tạm biệt thị trường Đông Phi. Đại diện một công ty tàu biển tại TP HCM cho biết, thị trường chủ yếu của công ty này là Tây Phi và một số ít khách hàng tại Đông Phi với mặt hàng chính là gạo. Khi xảy ra sự việc tàu Cần Giờ tại Tanzania, công ty này đã ngưng khai thác tuyến Đông Phi, trong đó có Tanzania, hơn 1 năm nay. "Hầu hết các hợp đồng giao hàng tại Tanzania đều nhập qua Công ty Mohamed Enterprise - công ty đứng nguyên đơn vụ kiện của nước này - nên tốt hơn hết là tránh", người đại diện công ty tàu biển này nói.

Đại diện một công ty tàu biển khác tại Hải Phòng cũng khẳng định, thị trường chính của tàu biển Việt Nam tại châu Phi vẫn là Tây Phi, nhưng cũng có không ít hợp đồng giao hàng cho Đông Phi. Tuy nhiên, để tránh pháp luật không giống với luật quốc tế của Tanzania cũng như một số nước trong khu vực, công ty tàu biển này hiện từ chối các hợp đồng giao hàng đến Đông Phi. Một vài hãng tàu biển nước ngoài tại Việt Nam vẫn duy trì tuyến vận chuyển đến Đông Phi, cập cảng cả Tanzania nhưng sử dụng tàu có trọng tải hơn 2.500 tấn với giá trị lớn hơn 2 triệu USD.

Quyết định ngưng vận chuyển hàng đến các nước Đông Phi của các hãng tàu biển đã làm ảnh hưởng không ít đến kế hoạch giao hàng theo hợp đồng của một số doanh nghiệp Việt Nam. Giám đốc một công ty xuất khẩu gạo tại TP HCM cho biết, công ty đang bị động trong việc thực hiện hợp đồng giao hàng cho đối tác ở Kenya thuộc Đông Phi, thậm chí có thể bị chậm về thời gian so với thỏa thuận giao hàng vì không thuê được hãng tàu vận chuyển.

Phan Anh

Theo dòng sự kiện:
Sea Saigon sẽ kiện Tanzania vì giữ tàu Cần Giờ (25/08)
Tàu Cần Giờ đã nhổ neo về nước (22/08)
Tàu Cần Giờ sắp về nước (15/08)
Vụ Cần Giờ, VN chịu thiệt hại gấp 3 lần trị giá con tàu (03/08)
Có thể phát mãi tàu Cần Giờ (20/05)
Xem tiếp»