Tết này đổi tiền lẻ dễ hơn
Các Website khác - 29/12/2005

Cục phó Phát hành kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Toản cho biết, kể từ ngày 27/12 đến Tết Bính Tuất, tất cả chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các tỉnh phải lập quầy đổi tiền để đáp ứng nhu cầu tiền lẻ của dân trong dịp Tết. Đây là tin vui bởi người dân không còn phải lo tìm chỗ đổi tiền như trước.

Mọi năm, do nhu cầu tiền lẻ để mừng tuổi và đi chùa chiền vào dịp Tết quá lớn, không ít người đã phải đổi tại các chợ đen với tỷ lệ rất thiệt thòi. Chẳng hạn như năm ngoái, những người đến đổi tiền lẻ ở phố Đinh Lễ - nơi nổi tiếng với hoạt động này của thủ đô - phải chấp nhận đổi 10 ăn 5.

Dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Bính Tuất, ngay từ bây giờ nhiều người đã bắt đầu tới ngân hàng để đổi tiền lẻ. Theo khảo sát của VnExpress sáng 29/12, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở Hà Nội, TP HCM đã lập quầy đổi tiền lẻ cho dân và số người tới đổi ngày một đông. Các ngân hàng đều sẵn sàng đổi tiền khi có yêu cầu, cho dù là số lượng nhỏ từ 50.000 đồng trở xuống. Tuy nhiên, phần lớn là tiền xu chứ không có tiền giấy.

"Tiền giấy mệnh giá nhỏ bây giờ chưa có đâu em ạ, phải đến gần Tết may ra mới đổi được. Nếu em đồng ý đổi tiền xu thì bao nhiêu cũng có", một cán bộ tại quầy đổi tiền lẻ và tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội cho biết.

Đối với những ngân hàng thương mại, việc đổi tiền lẻ cũng diễn ra suôn sẻ, song chủ yếu là tiền xu. Chị Dung, nhà ở phường Bồ Đề, Long Biên kể: "Suốt cả sáng nay tôi tới 4-5 ngân hàng mà không đổi được 200.000 đồng ra tiền giấy mệnh giá 10.000 đồng. Cuối cùng khi đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đổi được, nhưng tiền cũng không mới mà chỉ có tiền đã qua sử dụng. Nếu tôi đổi sang tiền xu thì dễ hơn nhiều vì ngân hàng nào cũng sẵn lòng đổi".

Ngân hàng sẵn sàng đổi tiền lẻ cho người dân. Ảnh: T.V.

Tại chi nhánh Ngân hàng Phương Nam trên đường Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM, ngay cả những người buôn bán nhỏ cũng tìm đến để đổi tiền lẻ. Mới sáng sớm, chị Phương, chủ quầy hủ tiếu đối diện chi nhánh của Phương Nam đã chạy vào ngân hàng để đổi tờ tiền giấy mệnh giá 100.000 đồng để lấy một mớ đồng xu chuẩn bị cho ngày buôn bán mới. "Mỗi ngày tôi đều vào Phương Nam để đổi tiền lẻ. Tuy nhiên, trước đây mình chỉ đổi tiền giấy mệnh giá lớn lấy lại nhiều tờ mệnh giá nhỏ. Còn giờ tiền giấy không có, tôi đổi lấy tiền xu và tôi cũng thích loại tiền này", chị Phương tâm sự.

Tết con gà vừa qua, nhiều người còn tỏ ra ngần ngại khi phải mừng tuổi bằng tiền kim loại nhưng theo nhận định của ông Toản, tết năm nay hiện tượng trên chắc chắn sẽ không còn. Ông kể, mới đây Cục Phát hành kho quỹ đã cử nhân viên đi "vi hành" trong vai những người tiêu dùng tại một số chợ của Hà Nội. Kết quả là mọi giao dịch mua bán từ những món nhỏ như rau, hoa quả đến quần áo, giày dép...sử dụng tiền kim loại diễn ra rất suôn sẻ.

Khảo sát của VnExpress trên địa bàn Hà Nội cũng cho thấy, hiện tượng từ chối tiền kim loại đã giảm nhiều so với trước đây. Tại các cửa hàng tạp hóa, lưu niệm, hay các bưu điện, hầu như không có cảnh người bán hàng từ chối nhận tiền kim loại. Chị Hương, bán tạp hóa trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên cho biết: "Gần đây khách tới mua hàng bằng tiền xu có phần nhiều hơn trước. Tôi không thấy băn khoăn gì khi khách trả bằng loại tiền này".

Tại các chợ, tình hình sử dụng tiền xu cũng đã trở nên thuận tiện hơn. Nếu như trước đây, người dân dù có tiền xu cũng không dám trả khi mua hàng ở chợ thì nay, họ đã có thể không phải quá ngần ngại, đặc biệt là với các món hàng có giá trên 5.000 đồng. "Hầu như ngày nào cũng có người trả bằng tiền xu. Trước đây mình cứ ngại không muốn nhận vì không biết sẽ tiêu nó như thế nào nhưng bây giờ ai cũng tiêu cả nên tôi không ngại gì", chị Quỳnh, bán thịt lợn tại chợ Gia Lâm kể.

Các tiểu thương khác thì kháo nhau, tiền giấy mệnh giá nhỏ càng ngày càng hiếm, không sử dụng tiền xu thì biết dùng tiền gì mà trả lại cho khách. "Không ít lần tôi khốn khổ vì không kiếm đâu ra 200 đồng, 500 đồng trả lại cho khách hàng. Những lúc như vậy tôi thường nghĩ, tiền kim loại hay tiền giấy rốt cuộc cũng là tiền cả, vậy thì không có lý gì mình không nhận", chị Mai bán hàng khô ở chợ Hàng Da kể.

Khu vực TP HCM sức tiêu thụ tiền xu khả quan hơn, kể cả người mua và người bán đều sử dụng tiền xu để thanh toán tiền hàng. Đặc biệt là ở các chợ sỉ, lẻ tiền xu được xem là phương tiện thuận lợi nhất của tiểu thương. Bà Thu, bán rau quả tại chợ Bàu Sen, quận 5 cho biết, những người buôn bán nhỏ lẻ nếu không chấp nhận tiền xu thì khó có thể làm "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi". "Khách hỏi mua 500 đồng tiền hành nhưng đưa 1.000 đồng. Nếu người bán không có 500 đồng để trả lại tiền thừa không lẽ buộc họ phải lấy hết. Việc giữ tiền xu có phần nặng hơn nhưng nếu phải chạy ngược chạy xuôi để đổi được tiền lẻ bằng giấy mệnh giá nhỏ thì thà sử dụng tiền xu", bà Thu tâm sự.

"Thực tế này cho thấy, tâm lý của người dân trong việc tiêu tiền kim loại đã có nhiều chuyển biến. Người mua hàng không còn ngại trả bằng tiền xu và người bán cũng không khó chịu khi nhận bằng loại tiền này", ông Toản nhận xét.. Theo ông, nếu nhìn vào lượng tiền được đẩy vào lưu thông trong thời gian qua cũng có thể thấy tiền kim loại đang dần dần được chấp nhận. Cụ thể, trong tháng 6-8, chỉ có 15-20 triệu miếng, thì đến tháng 9-10 đã là 30-40 triệu miếng được đưa vào lưu thông. Đặc biệt, sang tháng 11 con số này đã là 50 triệu miếng. Ông Hồ Hữu Hạnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP HCM cũng cho biết, lượng tiền xu đã phát hành ra thị trường trong năm nay là 334 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước.

Hà Vy - Nguyễn Thùy