Thuỷ điện Sơn La: Còn cả "núi" công việc phía trước
Các Website khác - 24/11/2005
Di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La:
Còn cả "núi" công việc phía trước

Ông Đỗ Tiến Dũng - Trưởng ban Quản lý di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La - trả lời PV Báo Lao Động.

Trên công trường thủy điện Sơn La,
tháng 11.2005.
- Thưa ông, với 9/13 xã nằm trong diện phải di dân phục vụ đại công trình thuỷ điện Sơn La (chiếm 66% số dân phải di trong toàn tỉnh), ông có nghĩ rằng, huyện Quỳnh Nhai đang còn cả núi công việc phía trước cần tháo gỡ?

- Thật ra, trong đợt di dân phục vụ khởi công thuỷ điện Sơn La đầu tháng 12.2005 này, số dân Quỳnh Nhai phải di dời chưa nhiều. Nhưng, để đảm bảo tiến độ và mục tiêu đề ra, là người trực tiếp thực hiện công việc này, tôi thấy cơ chế đối với cuộc di dân khổng lồ này còn một số điểm chưa hoàn chỉnh. Công tác quy hoạch, nội dung quy trình thẩm định và cả đơn giá phê duyệt vẫn bị thay đổi thường xuyên. Có nhiều điều đã điều chỉnh rồi, nhưng vẫn cần phải tiếp tục điều chỉnh cho hoàn thiện hơn nữa. Với chúng tôi, lực lượng quản lý quá mỏng, thiếu kinh nghiệm, không đáp ứng được nhu cầu thực tế của công việc như chỉ có 28 biên chế cho công việc đòi hỏi phải có 50 biên chế trở lên này.

- Cụ thể là thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi chỉ có mỗi một chiếc xe Uoát và một cái máy vi tính. Trong khi đó, công việc này với đặc thù là phải triển khai đồng loạt ở rất nhiều địa bàn khác nhau. Có ngày, chúng tôi phải di chuyển thực hiện công việc ở 4-5 xã. Đấy là chưa kể, nhiều bản, nhiều xã phải đi bộ mất 1-2 ngày đường mới vào tới nơi. Vậy mà từ đầu năm đến nay, chúng tôi chưa nhận được một đồng quản lý phí.

Chúng tôi đã và đang di chuyển 265 hộ ở xã Chiềng Bằng và 46 hộ ở Nậm Ét - những hộ ở dưới cốt 140 để phục vụ cho ngày khởi công thuỷ điện Sơn La. Chúng tôi lo tất cả các phần việc như: Quy hoạch khu tái định cư, đền bù, thanh toán... Nhiều nơi như ở bản Lốm, xã Nậm EÁt, chỉ có 9 hộ dân, chúng tôi vẫn phải đi bộ vào, khảo sát, làm đường cho ôtô vào đưa bà con di chuyển ra ngoài, rất công phu.

- Liệu có những bà con quá thiệt thòi trong khi có bà con lợi dụng chính sách của Nhà nước trong quá trình di dân ào ạt này không?

- Thật ra thì ở vùng cao, do điều kiện, nhiều gia đình 3-4 thế hệ người ta phải cụm lại để sống. Nay, nếu không tạo điều kiện cho họ tách hộ ra họ khó có thể phát triển được. Chúng ta đã có chính sách cho việc này và cũng không nên để mỗi hộ 18-19 người như cũ. Chính sách đền bù trong di dân tái định cư của chúng ta rất rõ ràng, không sợ bị lợi dụng: Hộ 2-4 khẩu, được đền bù 50 triệu đồng; hộ 5 khẩu trở lên thì cứ 1 khẩu cộng thêm 1 triệu tiền đền bù.

- Qua tìm hiểu thực tế ở địa phương, chúng tôi nhận thấy có một số hộ còn tỏ ra bức xúc trong việc đền bù hiện nay?

- Có hộ bức xúc. Ví như họ bị mất đất canh tác, vì không phải di dân nên họ không được hưởng chế độ như đã nói ở trên. Chính sách của ta hiện nay là: Nếu họ mất hết đất sản xuất thì được đền bù 70% tiền đất bị thu hồi tính theo diện tích. Tóm lại, tính ra chỉ được khoảng 1-2 triệu đồng/hộ. Họ bức xúc, thậm chí không muốn cho các hộ tái định cư được di vén lên khu vực của họ! Chúng tôi đã trình bày điều này lên UBND tỉnh.

Ông Lò Mai Kiên - Trưởng ban quản lý dự án di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La:
Lo nhất là hơn 1.000 hộ dân ở huyện lỵ Quỳnh Nhai

Đối với khu vực này, phương án là tập trung xây dựng các khu đô thị hành chính để bà con có thể buôn bán làm ăn tiếp tục như hiện nay (thay vì đi cấy cày như người vùng cao khác). Và việc chuyển dân đến cốt nước 218 là phải chuyển ngay từ bây giờ, phải làm gấp rút thì mới đảm bảo tiến độ được. Phải điều tra nguyện vọng đến từng hộ dân, trên cơ sở, trong chừng mực có thể, cố gắng tôn trọng nguyện vọng của bà con.

Ông Lò Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã ẹt Ong, huyện Mường La:
Vẫn còn khó khăn


Đến giờ phút này, chúng tôi đang di những hộ của bản cuối cùng để "giải phóng lòng hồ" cho cốt 140, thế là rất đạt tiến độ. Nhưng vướng mắc cũng còn không phải là ít. Một là bà con chưa hiểu rõ chủ trương chính sách; hai là chính sách đền bù của chúng ta có một số điểm chưa phù hợp (theo bà con).

Ví dụ bà con muốn được đền tiền hoa màu ngay lập tức phục vụ cuộc sống của mình tại nơi ở mới, trong khi chính sách của ta hiện nay là mới "đền" 30% tiền làm nhà, tiền hoa màu "đền" sau. Hay một số hộ có nhà đất rồi, nhưng họ nhận thầu đất ở nơi khác, nay đền bù họ phải được hưởng tiền đền bù những hoa màu họ đã có được trên đất thầu chứ (ví dụ thế)...

Doãn Hoàng thực hiện