![]() |
Mặc dù đã “thả nổi” giá xăng dầu, nhưng khi giá xăng dầu thế giới giảm, giá trong nước vẫn chưa giảm - Ảnh: T.T.D. |
Lãi bao nhiêu?
Theo ông Đặng Vinh Sang - tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), nếu nhập khẩu xăng trong vài ba ngày gần đây thì mỗi lít xăng A92 có thể lãi 2.000 đồng. Nhưng nếu tính theo hàng tồn kho thì doanh nghiệp chỉ lãi 600 đồng/lít. Ông Sang phân tích: với lô hàng sắp tới mà Saigon Petro đang nhập về cộng với hàng tồn trong kho thì công ty sẽ lời khoảng... 1.300 đồng/lít.
Diễn biến giá xăng trong nước và giá nhập khẩu từ Singapore từ đầu năm 2008 đến nay - Ảnh: T.T.D. (Đồ họa: Vĩ Cường) |
“Nhưng không phải hôm nay giá xăng nhập khẩu giảm thì ngày mai sẽ mua được mà thường phải mất 2-3 tuần, lúc đó giá đã khác rồi!” - ông Sang giải thích.
Mức giảm giá ông Sang cho là hợp lý là 600 đồng/lít xăng.Ông Bùi Ngọc Bảo, tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), thừa nhận việc các đầu mối nhập khẩu xăng dầu đang có lãi ở mức “phải giảm giá bán lẻ”.
Tuy nhiên, theo cách tính của một doanh nhân từng kinh doanh xăng dầu, với giá nhập khẩu xăng A92 hiện tại, tính theo tỉ giá USD/VND tại thời điểm này, mỗi lít xăng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể lãi trên 2.400 đồng/lít.
Cho phép tự bù lỗ, giá xăng sẽ giảm
Cho tạm ứng tiền từ ngân sách Ngày 6-10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã ký quyết định về việc tạm ứng từ ngân sách nhà nước cho hoạt động kinh doanh xăng với các doanh nghiệp đầu mối. Theo quyết định này, doanh nghiệp đầu mối được tạm ứng từ ngân sách nhà nước số tiền tương ứng với số lỗ kinh doanh xăng đến ngày 21-7-2008 do thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước (bao gồm cả số lỗ của năm 2007 nếu có). Sau một tháng kể từ ngày nhận được tiền tạm ứng, doanh nghiệp bắt đầu thực hiện hoàn trả ngân sách nhà nước mỗi tháng một lần. Cụ thể, từ tháng 10-2008, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được phép trích từ lợi nhuận trước thuế khoảng 1.000 đồng/lít trên số lượng xăng tiêu thụ để trả nợ cho ngân sách nhà nước. C.V.Kình |
Chiều 6-10, Bộ Tài chính đã ban hành cơ chế bù khoản lỗ 3.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Đây là cơ chế mà các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cho rằng khả thi vì cho các đầu mối nhập khẩu ứng trước số tiền đã lỗ, sau đó với mỗi lít xăng bán ra các doanh nghiệp sẽ trích 1.000 đồng trả lại cho Nhà nước.
Trước đây từng có đề xuất trích 1.500 đồng vì Nhà nước muốn nhanh chóng thu về khoản tiền tạm ứng này. Theo Saigon Petro, mỗi lít xăng trích trả cho Nhà nước 1.000 đồng thì trong khoảng nửa năm công ty này sẽ trả xong khoản tạm ứng 320 tỉ đồng (tương đương khoản lỗ do kiềm chế giá xăng trong nước của công ty từ thời điểm 21-7 trở về trước). Còn Petrolimex sẽ mất khoảng tám tháng.
Ông Sang cũng cho rằng việc phải trích 1.000 đồng/lít để bù lỗ, trước mắt Saigon Petro không thể giảm giá bán lẻ trong nước hoặc nếu giảm thì giảm rất ít vì không còn lãi. Vị tổng giám đốc này cho rằng do cách thức kinh doanh bây giờ đã được trả về đúng tính chất thị trường nên mức chiết khấu cho các tổng đại lý, đại lý đã khác trước, nghĩa là tăng lên gấp đôi.
Bên cạnh đó là lãi suất ngân hàng cao... “Trường hợp giá nhập khẩu tăng, chúng tôi sẽ phải tăng giá vì phải đảm bảo được mức lãi để trả tiền cho Nhà nước. Nhưng nếu Petrolimex giảm giá thì các đầu mối nhập khẩu khác đều giảm vì họ chiếm thị phần áp đảo” - ông Sang nói.
Trong khi đó, không cho biết cụ thể mức lãi bao nhiêu nhưng ông Bảo lại tính: “Mỗi lít xăng bán ra chúng tôi phải trích 1.000 đồng để trả cho ngân sách nhà nước bù vào khoản lỗ trước đây của chúng tôi thì vẫn có thể giảm giá từ 500-600 đồng/lít”. Một lý do khác, theo ông Bảo, khiến các doanh nghiệp khó định giá là thuế nhập khẩu không biết khi nào tăng giảm. “Nếu thuế được tính một cách rõ ràng và ổn định thì dễ cho doanh nghiệp hơn” - ông Bảo nói. Cùng quan điểm này, ông Lê Xuân Trình - phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu VN - cho rằng thuế nhập khẩu nên ổn định trong khoảng thời gian một năm hoặc ít nhất sáu tháng.
Ông Trình cũng cho rằng thời điểm này chưa giảm giá được vì “hàng tồn kho khi mua giá cao vẫn còn nhiều, nếu giảm giá bán lẻ sẽ lỗ”. Theo ông Trình, phải mười ngày nữa mới bán hết số hàng tồn kho trên. Một số đầu mối nhập khẩu khác cũng lấy lý do này để giải thích việc chưa thể giảm giá bán lẻ. Tuy nhiên, một chuyên gia trong ngành nhận định: “Thời gian qua, doanh nghiệp chỉ dám mua hàng theo chuyến nên không thể nói tồn số lượng lớn được. Và nếu tính giá bình quân của tháng tám và chín thì giá xăng A92 nhập khẩu trong khoảng 104-113 USD/thùng, nên không thể nói là mua giá cao được”.
LÊ NGUYÊN MINH
-----------------------
Ông Võ Văn Quyền - Vụ Phó vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương:
“Chưa nhận được đề nghị giảm giá của DN”
Trả lời phóng viên Tuổi Trẻ, ông Võ Văn Quyền - vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương - cho biết:
- Cho đến hết ngày 6-10, chúng tôi chưa nhận được văn bản đề nghị giảm giá nào của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Vì vậy, ít nhất trong hai ngày tới, có thể giá trong nước vẫn giữ nguyên.
* Thưa ông, giá dầu thế giới đã giảm xuống mức dưới 100 USD/thùng. Như vậy, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang lãi tới trên 2.000 đồng/lít - khoảng 20%? Đây là mức lãi không hợp lý trong bối cảnh người dân đang phải chịu lạm phát cao như hiện nay?
- Giá dầu hiện nay ở mức dưới 100 USD/thùng, còn giá bình quân cả tháng chín là 103 USD/thùng. Giá dầu tháng chín có lúc lên lúc xuống, nên nếu tính giá thì phải tính giá bình quân. Vì vậy, không phải doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang lãi 2.500-3.000 đồng/lít. Mức lãi của doanh nghiệp phải tính trên giá thành (giá nhập vào cộng thuế, lệ phí và phí kinh doanh). Nếu doanh nghiệp nhập được dầu vào mấy ngày gần đây thì mức chênh giữa giá mua vào với giá thành trên 2.000 đồng/lít, nhưng chưa phải lãi. Vì doanh nghiệp phải nhập hàng gối đầu liên tục nên phải tính giá bình quân, tức cả giá rẻ vừa nhập vào với giá cao đã nhập chưa bán hết.
* Thưa ông, cũng theo giá thị trường nhưng tại sao nước ngoài khi giá dầu thô giảm họ giảm được ngay, còn VN thì không?
- Phương thức mua bán của VN vẫn là mua trực tiếp trên sàn giao dịch, chủ yếu là sàn Singapore. Các nước họ mua theo nhiều phương thức, cả giao hàng trong tương lai lẫn tuyển chọn, kỳ hạn... Doanh nghiệp đầu nguồn nước ngoài với sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm, họ có kịch bản giá cụ thể với tính toán mua vào thời điểm nào, ngừng mua thời điểm nào. Bên cạnh đó, theo quy định của VN, các doanh nghiệp đầu mối trong nước phải nhập xăng dầu về với lượng dự trữ cho tiêu dùng trong nước 20 ngày. Thời điểm căng thẳng, Chính phủ còn yêu cầu tăng dự trữ lưu thông. Dự trữ đó phải được tiêu dùng sau nên bao giờ giá cũng có độ trễ nhất định. Khi mức lãi hiện tại bù được giá cũ thì giá trong nước mới theo đúng nhịp độ thị trường hiện tại.
* Vậy ai giám sát doanh nghiệp thực nhập, thực tiêu thụ bao nhiêu để biết khi nào họ bù xong lỗ do phải dự trữ, tránh khả năng dây dưa, kéo dài thời điểm giảm giá?
- Đó là hai bộ Tài chính và Công thương. Hiện tại, các doanh nghiệp vẫn định kỳ 10, 20, 30 ngày báo cáo và phải chịu trách nhiệm về báo cáo của mình trước pháp luật. Hằng năm, các bộ ngành giao mức nhập khẩu tối thiểu. Định kỳ, các doanh nghiệp phải báo cáo cụ thể hàng tồn kho, nhập khẩu, tốc độ bán hàng. Qua theo dõi cũng như phản ảnh của doanh nghiệp, mức tiêu thụ diesel chỉ còn khoảng 50% so với trước.
* Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa đã tuyên bố nếu giá dầu thế giới xuống dưới 100 USD/thùng thì người tiêu dùng VN có quyền hi vọng đợt giảm giá xăng dầu trong nước, theo ông thì thế nào?
- Đúng. Khi cơ chế bù lỗ được thực hiện, doanh nghiệp dần giải quyết được hàng tồn kho và giá thế giới vẫn trong xu hướng như hiện nay thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể giảm giá. Mức giảm có thể không đột ngột mà từ từ. Mỗi doanh nghiệp có mức dự trữ khác nhau. Vì vậy, thời điểm tăng giảm giá sẽ khác nhau. Trong thị trường cạnh tranh, các doanh nghiệp đều muốn mình giảm giá sớm để thu hút khách hàng. Một doanh nghiệp giảm giá sẽ tạo sức ép buộc doanh nghiệp khác giảm giá.
* Liên bộ sẽ làm gì nếu các doanh nghiệp thỏa thuận ngầm giữ giá?
- VN đã có Luật cạnh tranh và các công cụ pháp lý có tính răn đe khác. Từ 16-9, chúng ta đã điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng không phải tự do hoàn toàn mà có sự quản lý của Nhà nước. Do xăng dầu là mặt hàng Nhà nước quản lý giá nên các cơ quan nhà nước mà cụ thể là tổ giám sát liên bộ Tài chính - Công thương về giá xăng dầu có quyền có ý kiến khi doanh nghiệp tăng giảm giá.
CẦM VĂN KÌNH thực hiện
▪ Tiếp tục giảm thuế xuất khẩu thép xuống 5% (07/10/2008)
▪ Giá thuê văn phòng đảo chiều đi xuống (07/10/2008)
▪ VN-Index giảm thêm 4% xuống sát 430 điểm (06/10/2008)
▪ Hết thời đua nhau lập ngân hàng (06/10/2008)
▪ Các ngân hàng đã rút tiền gửi ở nước ngoài về (06/10/2008)
▪ Chưa có doanh nghiệp nào đăng ký giảm giá xăng (04/10/2008)
▪ Có thể tăng thuế nhập khẩu thịt (04/10/2008)
▪ Sữa bị tẩy chay, doanh nghiệp khốn đốn (04/10/2008)
▪ Ngân hàng nội còn "thủ" nhiều lợi thế (03/10/2008)
▪ Khu đô thị Thủ Thiêm lộ hàng loạt sai phạm (03/10/2008)