|
Đó là ý kiến của ông Vũ Viết Ngoạn- Phó chủ nhiệm UB Tài chính- Ngân sách Quốc hội khi đánh giá về tình trạng “lách trần” lãi suất cho vay của một số ngân hàng (NH) hiện nay.
Cũng theo ông Ngoạn, để đánh giá việc quy định trần cho vay 18%/ năm là hợp lý hay không, cần phải có thêm thời gian, thêm số liệu đầy đủ. “Nếu tất cả các NH đều thấy khó khăn trong việc huy động vốn vào để đáp ứng việc cho vay và thanh toán của khách hàng thì cần phải xem xét lại. Tất nhiên, việc cho vay ra phải ở mức độ và tốc độ hợp lý, nếu cho vay ra nhiều quá, vượt quá chỉ đạo chung của NH trong điều kiện hiện nay là không nên”- ông nói.
Hiện nay, để lách trần lãi suất cho vay 18%/ năm, nhiều NH đã thu thêm các khoản phí khác, đẩy lãi suất cho vay vượt quá quy định. Điều này có vi phạm vào những quy định của Ngân hàng Nhà nước(NHNN) không, thưa ông?
Trong quyết định của NHNN không quy định việc thu các khoản phí này. Trong việc cho vay thì một số khoản phí như phí môi giới, phí hồ sơ hay phí luật sư…là chuyện bình thường và được sử dụng như một thông lệ, tập quán quốc tế. Tuy vậy, nếu việc sử dụng các khoản thu phí này theo cách lạm dụng nhiều quá, nâng mức cho vay lên cao, thì lại là câu chuyện đáng xem xét.
Tình trạng “lách luật” của các NH đã đặt ra câu hỏi, tại sao các NH lại phải cố tìm cách “lách trần”, chấp hành không nghiêm túc những quy định của NHNN? Phải chăng, mức lãi suất quy định của NHNN chưaphản ánh đúng quy luật cung- cầu, thưa ông?
Việc xem xét ở đây, theo tôi, nên nhìn nhận trên hai khía cạnh, liệu mức lãi suất theo quy định đã phản ảnh đúng quy luật cung cầu hay chưa? Tại sao các NH lại cố “lách luật”, đi ngoài khuôn khổ của pháp luật, lý do là gì?
Muốn làm cho rõ điều này, NHNN phải là cơ quan giám sát để theo dõi sát, kiểm soát chặt chẽ, đánh giá đầy đủ tình hình. Nếu đây là phản ánh cung cầu thực tế đòi hỏi dẫn đến tất cả các NH đều phải áp dụng các khoản phí thu thêm như vậy thì NHNN phải xem xét lại mức lãi suất có hợp lý hay không để điều chỉnh thích hợp.
Trong trường hợp nếu cá nhân, bộ phận NH vì quyền lợi riêng của mình, lợi dụng việc đó để đẩy giá lên cao thì cũng phải xem xét để xử lý thích đáng.
Sau khi áp dụng cơ chế mới về lãi suất, lượng vốn huy động vào các NH đã tăng tương đối. Tuy nhiên, trái với dự đoán của các DN là khi lãi suất huy động tăng, vốn vào nhiều thì lãi suất cho vay sẽ được cải thiện, mức lãi suất cho vay quá cao như hiện nay đã khiến các DN và cá nhân cần nguồn vốn vay của NH kêu trời. Liệu có phải là cơ chế lãi suất mới vẫn chưa phát huy hết tác dụng, thưa ông?
Để bình luận vấn đề này cần phải có thêm thời gian, thêm đánh giá với số liệu đầy đủ. Nếu tất cả các NH đều thấy khó khăn trong việc huy động vốn vào để đáp ứng việc cho vay và thanh toán của khách hàng thì cần phải xem xét lại. Tất nhiên, việc cho vay ra phải ở mức độ và tốc độ hợp lý, nếu cho vay ra nhiều quá, vượt quá chỉ đạo chung của NH trong điều kiện hiện nay là không nên, phải có thêm số liệu để đánh giá.
Về phía các DN cũng cần xem xét lại. Tôi cho rằng, quy định về lãi suất đầu ra như vậy của NHNN, hoàn toàn không phải là “cào bằng”, cho tất cả các DN dù lớn, dù nhỏ vào “chung một rổ” như một số ý kiến. Theo tôi, với mức lãi suất mới này, các NH sẽ phải chấp nhận “lọc” khách hàng. Những dự án khả thi, hiệu quả thì NH chẳng có lý do gì để làm khó khách hàng cả.
Nguyên lý của nền kinh tế thị trường là nâng lãi suất để điều chỉnh cung cầu, chính là để giảm cầu, tức là để dự án nào không đạt đến mức độ lợi nhuận đó thì bị loại là đương nhiên.
Nguồn vốn hiện nay có hạn mà chúng ta lại không muốn phát triển thị trường tiền tệ một cách quá nóng, thì lãi suất phải đưa lên cao, đương nhiên chỉ có dự án nào đạt được tiêu chí lợi nhuận thì mới là dự án được sử dụng nguồn vốn của xã hội một cách hiệu quả.
Yến Trang
▪ Đầu tuần, vàng leo tiếp 40.000 đồng/lượng (26/05/2008)
▪ Chứng khoán vẫn đỏ lửa phiên đầu tuần (26/05/2008)
▪ Giá gạo có thể sắp giảm mạnh (26/05/2008)
▪ Hàng xuất nhập khẩu "chôn chân" tại cảng (24/05/2008)
▪ Chứng khoán chưa có hi vọng đảo chiều (23/05/2008)
▪ Chứng khoán vẫn "dò "… đáy (23/05/2008)
▪ Xuất khẩu với nỗi lo “khan hàng” (22/05/2008)
▪ Bất động sản đóng băng, chủ đầu tư lo "chạy" vốn (21/05/2008)
▪ Lãi suất “dìm” chứng khoán xuống sâu hơn (21/05/2008)
▪ "Trước mắt chưa nên mở biên độ" (21/05/2008)