VN-Index quay đầu giảm mạnh
Các Website khác - 24/09/2008

Sau 3 phiên tăng điểm, thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam đã quay đầu giảm điểm. Trái ngược với phiên liền trước, lượng mua vào giảm đột ngột khiến khối lượng và giá trị giao dịch giảm hơn 60%.

HOSE: Giao dịch xuống dưới 15 triệu đơn vị

Kết thúc phiên giao dịch 24/9, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) giảm 10,82 điểm (tương đương giảm 2,32%) xuống 455,05 điểm.

Trong tổng số 160 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE, có 33 mã tăng giá (trong đó có 10 mã tăng giá kịch trần), 117 mã giảm giá (trong đó có 50 giảm kịch sàn) và 14 mã đứng giá.

Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh thành công sáng 24/9 giảm mạnh xuống 13,2 triệu đơn vị, trị giá 472,6 tỷ đồng (so với 35 triệu đơn vị và 1.262 tỷ đồng trong phiên liền trước).

Thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam đã quay đầu giảm điểm. (Ảnh minh họa)

Các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: BMC của Khoáng sản Bình Định (tăng 5.000 đồng, lên 113.000 đồng/cp); SGH của Saigon Hotel (tăng 4.500 đồng, lên 96.500 đồng/cp); TCT của Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (tăng 4.000 đồng, lên 113.000 đồng/cp); ALT của Văn Hóa Tân Bình (tăng 1.600 đồng, lên 34.600 đồng/cp); VHC của CTCP Vĩnh Hoàn (tăng 1.600 đồng, lên 34.400 đồng/cp).

Các cổ phiếu giảm giá mạnh nhất về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: VNM của Vinamilk (giảm 5.000 đồng, xuống 97.000 đồng/cp); IMP của Dược phẩm Imexpharm (giảm 4.500 đồng, xuống 89.000 đồng/cp); TSC của Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (giảm 3.000 đồng, xuống 59.000 đồng/cp); SZL của CTCP Sonadezi Long Thành (giảm 3.000 đồng, xuống 57.000 đồng/cp); DPR của Cao su Đồng Phú (giảm 3.000 đồng, xuống 59.000 đồng/cp).

Các cổ phiếu cố khối lượng giao dịch nhiều nhất bao gồm: STB của Ngân hàng Sacombank (1,87 triệu đơn vị); SSI của Chứng khoán Sài Gòn (với 0,76 triệu); HPG của Tập đoàn Hoà Phát (0,58 triệu); SAM của CTCP Cáp và Vật liệu Viễn thông (0,55 triệu); PVT của Vận tải dầu khí (0,50 triệu).

Sàn Hà Nội: HASTC-Index giảm 0,75%

Kết thúc phiên giao dịch sáng 24/9, chỉ số HASTC-Index giảm 1,15 điểm (tương đương giảm 0,75%) xuống 151,47 điểm.

Cũng giống như sàn HOSE, một lượng lớn cổ phiếu đã được tung ra bán trong khi số lượng người mua bất ngờ giảm mạnh do lo ngại ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính khiến khối lượng giao dịch thành công sáng 24/9 giảm mạnh xuống 8,1 triệu đơn vị, trị giá 267 tỷ đồng (so với 19,9 triệu đơn vị và 685,1 tỷ đồng phiên liền trước).

Thống kê cho thấy, trong tổng số 151 mã cổ phiếu được niêm yết trên sàn Hà Nội, có 34 mã tăng giá, 106 mã giảm giá, 4 mã đứng giá và 7 mã không có giao dịch.

Các cổ phiếu có giá bình quân trong cả phiên tăng mạnh nhất cả về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: VNR của Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (tăng 2.400 đồng, lên 39.900 đồng/cp); VMC của Cơ giới Lắp máy và Xây dựng (tăng 2.100 đồng, lên 35.400 đồng/cp); CCM của Xi măng Cần Thơ (tăng 2.000 đồng, lên 32.600 đồng/cp); VBH của Điện tử Bình Hòa (tăng 1.200 đồng, lên 19.000 đồng/cp); HBE của Sách và Thiết bị Trường học Hà Tĩnh (tăng 900 đồng, lên 14.500 đồng/cp).

Các cổ phiếu có giá bình quân trong phiên giảm mạnh nhất cả về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: DTC của Đông Triều Viglacera (giảm 6.900 đồng, xuống 97.100 đồng/cp); HLY của Viglacera Hạ Long (giảm 4.400 đồng, xuống 64.900 đồng/cp); GHA của Giấy Hapaco Hải Âu (giảm 2.500 đồng, xuống 34.000 đồng/cp); BHV của Bá Hiến Viglacera (giảm 2.500 đồng, xuống 38.100 đồng/cp); PVC của Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí (giảm 2.300 đồng, xuống 32.200 đồng/cp).

Về khối lượng giao dịch, cổ phiếu KLS của Chứng khoán Kim Long đứng đầu với 0,67 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Tiếp theo là ACB của Ngân hàng Á Châu (0,62 triệu); VCG của Tổng công ty Vinaconex (0,60 triệu); PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (0,51 triệu); HPC của Chứng khoán Hải Phòng (0,29 triệu).

Theo Hà Linh