Giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp đang "găm" vốn trong các ngành nghề không phải sở trường của mình cần rút khỏi các khoản đầu tư dễ có rủi ro này. Mặt khác, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tại Mỹ.
> Mỹ cần 1.500 tỷ USD để dập bão tài chính
Các chuyên gia này trao đổi với VnExpress.net bên lề hội nghị về quản trị doanh nghiệp do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) phối hợp tổ chức sáng nay tại Hà Nội.
TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp: Cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ hiện nay là trầm trọng nhất trong 100 năm trở lại đây và sẽ có tác động gián tiếp tới doanh nghiệp Việt Nam. Luồng vốn trên thế giới đã bị hạn chế hơn rất nhiều và thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo. Doanh nghiệp cần theo dõi tiếp diễn biến để có phản ứng phù hợp. TS. Lê Đăng Doanh.
Mặt khác, những công ty tham gia đầu tư trực tiếp vào Việt Nam cũng cần được xem xét. Nhiều hãng tuyên bố đầu tư vào Việt Nam với lượng vốn rất lớn, nhưng đó mới là đăng ký. Thực tế vốn điều lệ của họ không lớn, đến khi thực hiện đều phải huy động thêm. Trong điều kiện hiện nay, sẽ có dự án không thực hiện được.
Ngoài ra, thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nhiều. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 23-25%. Các doanh nghiệp xuất khẩu may mặc, giày da, cá ba sa và cà phê vào nước này cần thích nghi với những thay đổi có thể xảy ra. Tình trạng tương tự cũng có với các mặt hàng xuất khẩu cao cấp.
![]() |
Ông Vinnie James Yu. |
Ông Vinnie James Yu, Giám đốc điều hành Công ty quản lý Quỹ VietNam Holding: Tôi biết nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn, nhưng có công ty trong số đó vẫn "găm" vốn trong các ngành nghề không phải là sở trường. Lúc này chỉ nên tập trung vào các ngành mà họ có thế mạnh và nắm bắt lấy các cơ hội nếu có.
Họ cần xem xét các khoản đầu tư đó thực sự có lợi hay không, nếu không thì nên nghĩ đến việc rút vốn. Nếu vẫn tham gia các khoản đầu tư đó, sẽ làm lãng phí các nguồn lực đang khan hiếm trong thời điểm khó khăn. Vào lúc kinh tế có khó khăn, họ phải có quyết định để giải quyết.
Tôi không cho rằng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam sẽ thua lỗ tới mức phá sản, dù việc này có thể xảy ra ở vài nơi. Theo những gì tôi đã quan sát ở các nước khác, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng thích nghi rất nhanh với các thay đổi. Những doanh nghiệp vượt qua và trụ lại sẽ trở nên mạnh hơn sau thử thách.
Điều quan trọng đối với các doanh nghiệp hiện nay là năng lực và chất lượng hoạt động. Tôi cho rằng, còn nhiều điều cần cải thiện. Các chủ doanh nghiệp của Việt Nam phần nhiều còn trẻ nên họ cần có thời gian để thu thập thêm kinh nghiệm và kiến thức về quản trị doanh nghiệp.
GS. Rolf Dubs, Đại học St. Gallen, từng giảng dạy tại ĐH Harvard, Stanford: Để trụ vững trước các thay đổi từ bên ngoài, điều cần làm là luôn luôn ưu tiên cho sự phát triển lâu dài của công ty. Thậm chí khi có khó khăn, các cổ đông cũng phải tạm thời hy sinh quyền lợi để công ty hoạt động tốt. GS. Rolf Dubs.
Trong thời điểm hiện nay, những doanh nghiệp có hệ thống quản lý rủi ro tốt sẽ làm chủ được tình hình. Việc đầu tiên doanh nghiệp cần làm là xem xét lại hoạt động xem có cần điều chỉnh ở khâu nào hay không, và đảm bảo luôn luôn cập nhật thông tin về trường và nền kinh tế để có quyết định kịp thời. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần củng cố hệ thống quản lý rủi ro để đề phòng những thay đổi trên thị trường.
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy có thành viên trong hội đồng quản trị không nắm được hoạt động của doanh nghiệp ra sao. Cũng có trường hợp họ can thiệp vào việc điều hành. Cả 2 thái cực này đều nên tránh.
Chính trong các cuộc khủng hoảng, doanh nghiệp lại học hỏi được nhiều điều từ thực tiễn và từ kinh nghiệm của các công ty khác. Họ cũng nên nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang hoạt động theo lối cũ. Họ có thể thay đổi và thích nghi, nhưng sẽ cần thêm thời gian.
Ngọc Châu
▪ VN-Index quay đầu giảm mạnh (24/09/2008)
▪ Khối lượng giao dịch sụt giảm kỷ lục (24/09/2008)
▪ Thị trường vàng tạm thời dừng bước (24/09/2008)
▪ Ngân hàng đẩy mạnh giải ngân (24/09/2008)
▪ Khởi sắc mạnh mẽ trên cả hai sàn (23/09/2008)
▪ Đổi số điện thoại cố định để chống “cháy số” (22/09/2008)
▪ Ngân hàng phá sản vẫn kiếm hơn 400 triệu USD (22/09/2008)
▪ Ngừng bán xăng pha cồn ra thị trường (22/09/2008)
▪ Thị trường lại có dấu hiệu thừa tiền! (20/09/2008)
▪ Việt Nam tìm hướng tránh khủng hoảng kinh tế Mỹ (20/09/2008)