Vụ cá da trơn: Ngành thuỷ sản lại lên giây cót
Các Website khác - 18/08/2005

Ngay khi biết tin cá da trơn VN bị cấm bán tại 3 tiểu bang của Mỹ, chiều qua, Bộ Thủy sản đã có công văn gửi sở Thủy sản tỉnh thành, yêu cầu tăng cường kiểm tra sử dụng thuốc và hóa chất từ khâu nuôi, bảo quản đến chế biến thuỷ sản. Ngay lúc này, Bộ cũng đang có cuộc họp khẩn để bàn biện pháp đối phó.

Chế biến cá tra, basa lại gặp khó khăn.

Nội dung công văn nêu rõ, các cơ quan chức năng phải có biện pháp thực hiện Chỉ thị 07 của Chính phủ về việc ngăn chặn hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thủy sản và quyết định của Bộ Thủy sản (có hiệu lực từ tháng 7 vừa qua) ban hành danh mục hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản.

Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu Cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thú y Thuỷ sản tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc cấm cũng như ngăn chặn sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh đã bị cấm trong tất cả các khâu, từ nuôi trồng tới chế biến thuỷ sản.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Tú Cương, Cục trưởng Quản lý Chất lượng an toàn vệ sinh thú y Thuỷ sản, cho rằng, các doanh nghiệp VN không nên quá lo lắng bởi việc Mỹ giữ hàng để kiểm tra là chuyện bình thường. Hiện, các cơ quan chức năng gửi thư lên Cơ quan an toàn thực phẩm và dược phẩm liên bang Mỹ (FDA) để đàm phán về sự việc trên. Theo dự kiến, ngay trong 1-2 ngày tới, Bộ Ngoại giao VN sẽ có thông báo chính thức về việc này.

Theo ông Cương, việc một số bang của Mỹ phát hiện có dư chất kháng sinh flouroquinolones trong cá da trơn nhập khẩu từ VN chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, không thể đại diện cho toàn bộ sản phẩm thuỷ sản VN. Ông khẳng định, các cơ quan chức năng luôn kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hoá chất trong các mặt hàng thuỷ sản của VN, đặc biệt là đối với thuỷ sản xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU và Canada.

Ông Cương cũng cho biết, ngay từ năm 2002, Chính phủ VN đã cấm sử dụng các loại hoá chất kháng sinh có hại cho sức khoẻ trong sản xuất và thực phẩm. Tháng 7 vừa qua, Bộ Thuỷ sản cũng đã ban hành quyết định số 7 quy định danh mục các dư lượng các loại thuốc thú y, hoá chất cấm sử dụng và hạn chế sử dụng trong kinh doanh thuỷ sản. Trong đó có 17 chất cấm sử dụng hoàn toàn và 34 chất hạn chế sử dụng (tức là có thể sử dụng nhưng là trong mức độ cho phép). Việc quy định này cũng tương đương với các danh mục cấm và hạn chế sử dụng của Mỹ và EU.

Trao đổi với VnExpress, một số doanh nghiệp cho biết họ đã bắt đầu cảm nhận được những khó khăn ban đầu. Ông Đỗ Ngọc Quý, Tổng giám đốc Công ty chế biến - xuất nhập khẩu thủy sản Kim Anh tại Sóc Trăng, cho biết, ông mới được biết thông tin về "lệnh" cấm này từ hôm qua, sáng nay đã có một số phản ứng bất lợi từ các nhà nhập khẩu Mỹ, đối tác nhập sản phẩm cá tra, ba sa của Kim Anh. "Chưa thể tính toán được mức độ thiệt hại như thế nào, song chắc chắn là ảnh hưởng nhiều đến sản lượng xuất khẩu của Kim Anh bởi hiện chúng tôi phải dừng việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ lại", ông Quý nói.

Trong khi đó ông Phước Hưng, Thư ký Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) cho rằng, mặc dù Agifish đã chuyển hướng thị trường xuất khẩu chính sang EU từ đầu năm nay, giảm sản lượng xuất khẩu sang Mỹ từ 20-25% xuống chỉ còn 5%, nhưng quyết định ngưng bán cá da trơn Việt Nam tại 3 bang Mỹ cũng ảnh hưởng đến doanh số xuất khẩu của Agifish. Ông Hưng cũng cho rằng flouroquinolones thực chất là một nhóm kháng sinh thường được người nuôi trồng thủy sản sử dụng nhiều trong việc chữa bệnh đốm đỏ cho cá da trơn.

Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (Vasep) Trương Đình Hòe cho biết, hiệp hội đang chờ những thông tin cụ thể hơn về việc ngưng bán sản phẩm cá da trơn tại Mỹ từ các nhà nhập khẩu thủy sản địa phương. "Lượng hàng đang bị giữ tại hải quan Mỹ sẽ được giải tỏa sau khi có kết quả kiểm nghiệm flouroquinolones cụ thể", ông Hòe nói.

Mỹ hiện nay vẫn là nhà nhập khẩu cá tra và basa lớn nhất của VN. Tiếp sau đó là Hong Kong và Đức. 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra và basa của VN đạt kim ngạch 1,06 tỷ USD. Hiện mục tiêu của VN là tiếp tục nâng cao chất lượng và tiến tới xây dựng thương hiệu cá da trơn VN. Mục tiêu của VN là đến năm 2010 sản xuất và chế biến cá da trơn sẽ đạt 1 triệu tấn/năm, với kim ngạch xuất khẩu đạt 800 triệu USD. Tuy nhiên các rào cản thương mại từ thị trường Mỹ đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng xuất khẩu cá tra, ba sa Việt Nam, gần nhất là quy định mức ký quỹ nhập khẩu hồi tháng 2 của Hải quan Mỹ; và bây giờ là dư lượng flouroquinolones.

Một số ý kiến cho rằng, việc ban bố lệnh cấm bán một số mặt hàng thuỷ sản từ VN tại một số bang của Mỹ mang tính chính trị nhiều hơn là kỹ thuật. Điều này xuất phát từ thực tế, cá tra, basa của VN luôn được đánh giá là chất lượng hơn và ngon hơn cá catfish của Mỹ. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp của Mỹ đã lợi dụng một vài lô hàng của VN bị phát hiện có dư chất kháng sinh để "làm to chuyện", và phục vụ lợi ích của họ.

Hà Vy - Phan Anh