Hà Nội (TTXVN) - Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng ngoạn mục trong suốt mấy năm qua, và có thể đạt kim ngạch tới 1,5 tỷ USD trong năm nay, gấp gần 3 lần so với năm 2003, nhưng ngành đồ gỗ Việt Nam đang đứng trước thực trạng là tăng trưởng ồ ạt, nhưng lợi nhuận thu được thì không tăng tương ứng. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 1.500 doanh nghiệp lớn nhỏ tham gia chế biến đồ gỗ xuất khẩu, với năng lực chế biến bình quân từ 2,5-3 triệu m3 gỗ/năm, trong khi theo quy hoạch của ngành lâm nghiệp đến năm 2010, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được từ 50-60% nhu cầu của các doanh nghiệp. Do đó, để ổn định sản xuất và tăng trưởng xuất khẩu, nguồn nguyên liệu đang là một trong những khó khăn hàng đầu của ngành chế biến gỗ. Ngành chế biến gỗ hiện nay và trong những năm tới theo dự báo vẫn phải nhập khẩu tới trên 80% nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, tương đương khoảng 2 triệu m3/năm, nhưng giá gỗ nhập khẩu hiện đã tăng lên từ 15-30%. Nguyên nhân là do những nước xuất khẩu gỗ nguyên liệu chính cho Việt Nam như Inđônêxia, Malaixia, Lào đang thực hiện chủ trương đóng cửa rừng, bảo vệ môi trường, hoặc hạn chế khai thác gỗ rừng trồng theo hướng không bán lẻ, mà bán cả lô lớn hàng ngàn m3, trong đó bao gồm các chủng loại gỗ khác nhau, không đồng nhất. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước về nguồn nguyên liệu bởi vì các doanh nghiệp muốn chủ động nhập khẩu gỗ tại các thị trường xa hơn phải chấp nhận mất thêm nhiều chi phí vận chuyển, xăng dầu, lưu trú kho bãi, trong khi giá đầu ra của sản phẩm xuất khẩu không được tăng theo ý muốn và yêu cầu của các nhà nhập khẩu. Khi nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu, các doanh nghiệp cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cải tiến mẫu mã, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng. Bộ Thương mại cho biết sản phảm đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung vào 3 thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản và liên minh châu Âu (EU). Trong 9 tháng qua, lượng khách hàng quốc tế đặt hàng đồ gỗ đã tăng hơn hẳn so với năm 2004. Nhiều doanh nghiệp lớn ở phía Nam đã ký được các hợp đồng giá trị lớn với các bạn hàng Mỹ, Nhật Bản trị giá từ 4 đến 50 triệu USD. Tuy nhiên, các sản phẩm đồ gỗ vẫn chưa có thị trường vững chắc, ổn định và người tiêu dùng nước ngoài chưa biết nhiều đến các sản phẩm gỗ mang mang thương hiệu Việt Nam. Trong tổng số 1.500 doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của cả nước chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp được coi là lớn, còn lại là các doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực mỏng, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ gỗ trang trí, song mẫu mã, chủng loại vẫn thua hàng Trung Quốc, Thái Lan, do đó các doanh nghiệp vẫn chỉ làm gia công cho các nước thứ 3. Bên cạnh đó do sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của 80% doanh nghiệp trong nước chưa có chứng chỉ ISO và chứng chỉ rừng quốc tế FSC chứng minh nguồn gốc của sản phẩm mà các nhà nhập khẩu đưa ra nên hiện có tới 90% sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam phải xuất qua trung gian như qua các tập đoàn nhập khẩu của Thuỵ Điển, Đài Loan, Trung Quốc. Những nghịch lý trên cho thấy, dù xuất khẩu đồ gỗ tăng nhanh nhưng lợi nhuận thu về rất thấp. Đề tháo gỡ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp gỗ xuất khẩu, Bộ Thương mại đã có chủ trương nhập khẩu một số lượng lớn gỗ nguyên liệu. Một số doanh nghiệp trong nước cũng đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư trồng rừng ở Nga, Nam Phi. Theo ý kiến của một số chuyên gia ngành Lâm nghiệp, đến năm 2010, các vùng Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ có thể phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ xuất khẩu, do đó các doanh nghiệp trong vùng cần tập trung đầu tư vốn trồng rừng, xây dựng các dây chuyền sản xuất tiên tiến với công nghệ hiện đại, đủ sức sáng tạo, thay đổi dòng sản phẩm từ thứ cấp sang cao cấp, đưa đồ gỗ xuất khẩu trở thành thời trang xuất khẩu, mới có thể thu về lợi nhuận lớn. Hiện nay tại vùng Đông Nam Bộ, các trung tâm sản xuất đồ gỗ xuất khẩu như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu có khoảng 300 doanh nghiệp đã thuê chuyên gia nước ngoài về thiết kế mẫu mã theo các tiêu chuẩn quốc tế, tư vấn các chính sách, dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng, nhằm đáp ứng các yêu cầu khó tính của bạn hàng ngoài nước. Theo các chuyên gia, đây là cách làm các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước hiện nay cần nhân rộng trước xu thế hội nhập, để tránh các sản phẩm xuất khẩu bị tụt hậu so với các nước trong khu vực./.
▪ Thủ tướng kết luận các biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu về điện (30/09/2005)
▪ Paraguay và Việt Nam kết thúc đàm phán song phương gia nhập WTO (30/09/2005)
▪ Tin kinh tế ngày 30.9 (30/09/2005)
▪ Ngân sách nhà nước dự kiến sẽ bội thu 15% (30/09/2005)
▪ Đòn bẩy cho doanh nghiệp FDI (30/09/2005)
▪ ASEAN xây dựng cơ chế hải quan một cửa (30/09/2005)
▪ Lại "cuộc chiến" giá ADSL (30/09/2005)
▪ Việt Nam tham gia Hội chợ Aseantex 2005 (30/09/2005)
▪ 475 USD cho một ounce vàng (30/09/2005)
▪ Mỹ phát hành đồng 10 USD mới (30/09/2005)