Xuất khẩu với nỗi lo “khan hàng”
Các Website khác - 22/05/2008

 

 


Nhập siêu luôn là “trường ca” của VN trong nhiều năm qua, một trong những giải pháp căn cơ của Chính phủ hiện nay là phải đẩy mạnh xuất khẩu (XK) để bù đắp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường của kinh tế thế giới và nguy cơ về một đợt tăng giá mới ở một số mặt hàng thiết yếu trong nước vào tháng 6 đã ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn hàng XK.

 

“Khan hàng” XK

 

Nhìn lại quý I, tổng kim ngạch XK cả nước đạt 13,02 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2007. Nếu nhìn vào số liệu này đáng lý chúng ta phải vui mừng với thành tích xuất khẩu năm nay cao hơn năm trước. Song phân tích nguyên nhân tăng trưởng từ yếu tố giá và lượng,nhiều chuyên gia nhận định: sở dĩ kim ngạch XK gia tăng thời gian qua chủ yếu nhờ yếu tố giá. Trong khi yếu tố lượng XK chỉgóp phần tăng 1,08 tỷ USD (chiếm 43%) trong tổng kim ngạch thì yếu tố giá đóng góp 1,43 tỷ USD (chiếm 57%). Như vậy loại trừ yếu tố giá thì mức tăng trưởng XK quý I-2008 chỉ đạt 11,0%. Trong kế hoạch XK năm 2008, Bộ Công thương lại không đề ra việc tăng lượng XK hoặc tăng không đáng kể với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của năm trước: gạo (tăng 0%), cà phê (giảm 8,3%), chè (tăng 1%)… Tương tự với hai mặt hàng khoáng sản chiếm tỷ trọng XK lớn cũng giảm lượng XK là: dầu thô (giảm 1,3%) và than đá (giảm 37,5%).

 

Điều này được Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Phan Đăng Chinh lý giải là do hầu hết các mặt hàng XK của chúng ta đã đạt ngưỡng, vấn đề của VN hiện nay là thiếu hàng để XK. Như vậy, việc đẩy mạnh XK chủ yếu là trông chờ vào hàng chế biến, hàng có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, trước những diễn biến của thị trường quốc tế và những tác động của lạm phát và giá cả, giá trị sản xuất công nghiệp cả nước trong quý I/2008 đã có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành quý I/2008 tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2007, nhưng lại thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm ngoái (16,6%). Đặc biệt, giá trị gia tăng của công nghiệp và xây dựng chỉ đạt 8,15%, trong khi cùng kỳ năm trước là 9,1% và mục tiêu kế hoạch đặt ra là 10,6 - 11%. Như vậy, DN VN vẫn rất yếu trong công nghiệp chế biến, chế tác, sản phẩm vẫn mang tính chất gia công trên cơ sở nhập ngoại.

 

Gia tăng XK bằng cách nào?

 

Mặc dù có những khó khăn do tình hình lạm phát, giá cả “phi mã”, song giải pháp tối ưu cho vấn đề nguồn hàng XK vẫn phải là gia tăng sản xuất trên cơ sở tiết kiệm chi phí, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng hàng hoá. Trước mắt để tháo gỡ những khó khăn và đẩy mạnh XK, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, các cơ quan hữu quan cần tập trung vào nhóm mặt hàng mũi nhọn có kim ngạch XK lớn, tốc độ tăng trưởng XK nhanh và DN có nhiều tiềm năng sản xuất và XK. Để chọn ra đâu là những mặt hàng có kim ngạch cao và nhiều tiềm năng, theo ông Trương Đình Tuyển, ngành công thương cần phối hợp với ngành Hải quan để đưa ra danh sách mặt hàng cụ thể. Đáng chú ý là một số mặt hàng: nhựa, dây diện và cáp điện, cơ khí… rất tiềm năng nhưng chưa được mở rộng sản xuất. Thời gian tới, để gia tăng kim ngạch XK của các mặt hàng này, các DN phải sắp xếp sản xuất và tích cực hơn tìm khách hàng cho mình, bên cạnh đó cơ quan quản lý cũng cần khơi thông những khó khăn cụ thể để DN đẩy mạnh sản xuất và XK.

 

Trong số các mặt hàng XK mũi nhọn, dệt may đang có cơ hội lớn tại thị trường Hoa Kỳ do các nhà NK Mỹ đang chuyển hướng đặt hàng từ Trung Quốc sang các nước khác. Giá đơn hàng dệt may Trung Quốc đã không còn sức cạnh tranh cao khi đồng Nhân dân tệ đã tăng giá trên 15% so với USD cách đây một năm, cộng với chi phí sản xuất tăng cao do lạm phát, giá dầu mỏ, điện, than tăng, giá nhân công đều tăng... Mặt khác, mới đây Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra kết luận không đủ cơ sở để tiến hành điều tra bán phá giá đối với hàng dệt may NK từ VN sẽ giúp hàng dệt may VN được đối xử công bằng hơn tại thị trường nước này.

 

Về dài hạn, ông Trương Đình Tuyển nhận định, biện pháp tối ưu nhất là tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp sáng tạo. Đây là ngành công nghiệp tích hợp của nhiều ngành như: truyền thông, điện ảnh, thời trang… Với ưu thế phát triển nhanh hơn, đầu tư ít tốn kém, chủ yếu là đầu tư chất xám nhưng lại đem lại hiệu quả cao, phát triển được ngành công nghiệp sáng tạo chắc chắn sẽ có tác động đáng kể trọng việc cân bằng cán cân thương mại, làm giảm nhập siêu. Hiện nay, tổng giá trị giao dịch của ngành công nghiệp này trên thế giới là khoảng 3.000 tỷ USD.

 

 

Th. Trang – V. Bắc