Xúc tiến thương mại qua 'Ngày VN ở nước ngoài'
Các Website khác - 29/10/2005

Trong năm nay, tần suất tổ chức những "Ngày Việt Nam" ở nước ngoài gia tăng theo yêu cầu xúc tiến thương mại và giao lưu văn hóa với thế giới. Theo đánh giá của các cơ quan xúc tiến thương mại, hiệu quả của những sự kiện này là đáng kể, song phía doanh nghiệp còn đòi hỏi nhiều hơn nữa.

Doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư với đối tác nước ngoài.

Trao đổi với VnExpress, nhiều doanh nghiệp cho rằng thường bị động khi tham gia chương trình tại các "ngày Việt Nam", nhất là bị "bó hẹp" thời gian tìm hiểu và tiếp xúc với các đối tác nên thường chỉ đủ để "gieo mầm mống" chứ không thể "bàn" sâu chi tiết mối quan hệ giao thương. Trên thực tế, có doanh nghiệp "khó tính" phàn nàn, họ tham gia những ngày VN tại nước ngoài cũng giống như cưỡi ngựa xem hoa do thiếu sự chuẩn bị chu đáo từ Ban tổ chức lẫn cả doanh nghiệp.

Ông Phạm Gia Túc, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) thừa nhận có thực tế này và cho biết, do hoạt động "ngày Việt Nam ở nước ngoài" vẫn còn rất mới mẻ nên cả đơn vị tổ chức lẫn doanh nghiệp tham gia đều không tránh khỏi "non nớt". Có những đoàn do công tác chuẩn bị chưa chu đáo nên hiệu quả chưa được như mong đợi.

Rút kinh nghiệm từ những lần tổ chức trước và để những ngày Việt Nam tại nước ngoài mang lại hiệu quả như mong muốn, ông Túc cho rằng các doanh nghiệp phải chủ động chuẩn bị kỹ càng. Ông lấy ví dụ: "Chẳng hạn như trong "Những ngày Việt Nam tại Cộng hoà liên bang Đức" sẽ được tổ chức vào ngày 29/11-1/12 tới đây , chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải gửi các yêu cầu cụ thể như muốn "chào" sản phẩm gì, số lượng bao nhiêu với giá thế nào. Đối với những doanh nghiệp muốn kêu gọi đầu tư thì phải có dự án sẵn, yêu cầu vốn đầu tư bao nhiêu, nội dung dự án ra sao... Từ đó chúng tôi gửi những thông tin này cho phía doanh nghiệp Đức và doanh nghiệp hai bên có thể trao đổi với nhau trước, đến với diễn đàn chỉ là để "gút" lại để đi đến ký kết hợp đồng".

Tổng giám đốc Công ty chế biến xuất khẩu thủy sản An Giang (Agifish) Ngô Phước Hậu cho rằng, kinh nghiệm để dự các "ngày Việt Nam" hay tham gia đoàn xúc tiến thương mại ra nước ngoài là doanh nghiệp phải biết rõ mình muốn gì và sẽ tiếp xúc với ai, làm như thế nào... trong chuyến đi. "Thời gian chuyến đi thường ngắn trong vài ngày đến 1 tuần nên doanh nghiệp khó thực hiện hết các chương trình làm việc riêng vì còn dành thời gian phối hợp cùng với đoàn chung", ông Hậu nhận xét.

Cũng theo ông Hậu, khi xác định tham dự hoạt động "ngày Việt Nam", doanh nghiệp cần xem xét thị trường sẽ đến là cũ hay mới để "lên" chương trình hợp lý. "Nếu đây là thị trường cũ và Agifish đã có bạn hàng thì tôi sẽ xây dựng trước kế hoạch làm việc với đối tác để củng cố mối quan hệ truyền thống - cách mà tôi đang làm khi tham gia xúc tiến thương mại thị trường Mỹ và Canada. Ngược lại nơi tôi muốn mở thị trường mới, như chuyến đi Bungari, Áo và Schlovakia vừa rồi, thì chỉ làm quen, tiếp xúc với doanh nghiệp và tìm hiểu thị trường mà thôi", ông Hậu "bật mí" bí quyết. Chính vì vậy theo ông Hậu, chuẩn bị kỹ hoạt động nên chi phí ông bỏ ra cho chuyến đi xúc tiến thương mại là không uổng.

Theo ông Phạm Gia Túc, khi tổ chức sự kiện tại nước nào, ngoài vấn đề tìm hiểu văn hoá của người dân nước đó, cơ quan tổ chức còn phải chọn lựa doanh nghiệp cho phù hợp. Chẳng hạn, Đức là nước có thế mạnh về các sản phẩm cơ khí, chế tạo nên phải lựa chọn doanh nghiệp thuộc nhóm muốn thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Còn Singapore là nước mà Việt Nam quan tâm đến lĩnh vực dịch vụ như tài chính, viễn thông nên khi lựa chọn doanh nghiệp, VCCI cũng phải tính tới yếu tố này...

Dù chưa hoàn toàn thoả mãn, cả doanh nghiệp cũng như các cơ quan chuyên về xúc tiến thương mại đều khẳng định "ngày Việt Nam" là một kênh xúc tiến mới và cũng đem lại hiệu quả đáng kể. Thay vì chỉ nhằm mục đích thu hút đầu tư, giới thiệu các mặt hàng có thế mạnh như những cuộc xúc tiến thương mại thông thường, những ngày Việt Nam tại nước ngoài còn bao gồm các hoạt động tổng thể giới thiệu từ kinh tế, văn hoá đến chính trị và con người Việt Nam...

Khó khăn lớn nhất cho việc tổ chức những ngày VN tại nước ngoài vẫn là vấn đề kinh phí. "Nhiều khi chúng tôi muốn làm lớn hơn và tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham dự hơn. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên chưa thể thực hiện được điều này", ông Túc tâm sự.

Ông Túc cho biết, theo quy định của Bộ Tài chính, Nhà nước chỉ hỗ trợ 50% phí máy bay và 50% chi phí ăn ở cho các doanh nghiệp tham gia những ngày VN tại nước ngoài. Phần còn lại doanh nghiệp phải tự túc hết nên các doanh nghiệp tham gia thường lớn, có tiềm lực tài chính như Tổng công ty hàng không VN, Tổng công ty dệt may VN hay Tổng công ty điện lực VN...

Phan Anh - Hà Vy