Xung quanh một quyết định phi lý
Các Website khác - 19/01/2009
 
Bộ Tài chính đã có văn bản hỏa tốc gửi cơ quan hải quan về việc không áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% đối với USD tiền mặt nhập khẩu và giải thích đó là một “sự nhầm lẫn”. Việc “nhầm lẫn” này nằm ở đâu?

Thu thuế GTGT 10% đối với USD tiền mặt nhập khẩu là quyết định phi lý - Ảnh: D.Đ.Minh

Ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng bài phản ánh những bất cập của quy định đánh thuế GTGT 10% đối với ngoại tệ tiền mặt nhập khẩu, Bộ Tài chính lập tức thừa nhận có “nhầm lẫn”, thể hiện thái độ cầu thị của cơ quan này đối với một quy định phi lý mà chính họ... lỡ ban hành. Sự cầu thị này được thể hiện bằng một văn bản mà Bộ này gửi hỏa tốc cho cơ quan hải quan về việc không áp dụng quy định áp thuế GTGT 10% nêu ở trên.

Thế nhưng, nếu chiếu theo đúng những từ ngữ được quy định tại Thông tư số 131 của Bộ Tài chính ban hành ngày 26.12.2008 thì khó có thể nói là cơ quan hải quan đã “nhầm lẫn”. Theo đúng thông tư này, mã hàng 4907 phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% theo danh mục hàng hóa của biểu thuế nhập khẩu ưu đãi là: “các loại tem thư, tem thuế hoặc tem tương tự hiện hành hoặc mới phát hành, chưa sử dụng tại nước mà chúng có, hoặc sẽ có giá trị bề mặt được công nhận; giấy có dấu tem sẵn; các loại giấy bạc (tiền giấy); mẫu séc, chứng khoán, cổ phiếu, chứng chỉ trái phiếu, và các loại tương tự”.

Với danh mục như trên, cơ quan hải quan áp mức thuế GTGT 10% đối với USD tiền mặt nhập khẩu vào Việt Nam là “hợp lý” theo đúng quy định trên giấy tờ, dù phi lý đến mức không thể tin nổi trên thực tế. Các năm trước, ngoại tệ tiền mặt nhập khẩu không hề bị đánh thuế GTGT 10% mà luôn được miễn thuế vì đó là tiền tệ, không phải hàng hóa. Trên thế giới, chưa bao giờ và chưa có bất kỳ quốc gia nào đánh thuế GTGT 10% trên mệnh giá ngoại tệ tiền mặt nhập khẩu. Ý tưởng đánh thuế GTGT 10% trên mệnh giá ngoại tệ tiền mặt nhập khẩu thực sự là một ý tưởng kỳ quặc nhất mà những ngân hàng thương mại Việt Nam được thấy kể từ khi họ chính thức được phép kinh doanh ngoại tệ cho đến nay.

Chưa hết. Với quy định rõ ràng về mã hàng chịu thuế GTGT 10% như vậy - các loại giấy bạc (tiền giấy), thì ở đây chắc chắn không có chuyện nhầm lẫn từ ngữ giữa “các loại giấy bạc” và “giấy để in tiền” vì đã có phần giải thích trong ngoặc: các loại giấy bạc (tiền giấy). Chưa hết, “giấy để in tiền” thì thuế GTGT sẽ tính trên giá trị giấy nhập khẩu ghi trên hợp đồng chứ không tính trên mệnh giá của tiền giấy.

Câu hỏi “Vì sao một quy định phi lý như vậy vẫn có thể được ban hành mà những người có liên quan (như các ngân hàng, các công ty chuyển tiền kiều hối...) lại không hề được biết hoặc được quyền góp ý mà chỉ “té ngửa” khi quy định được áp dụng?” thì chỉ có Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo thông tư này, mới có thể trả lời.

Đối với cơ quan hải quan, khi phải thực thi một quy định cực kỳ phi lý và trái ngược hẳn với các quy định trước đó như vậy thì lẽ ra họ phải báo cáo khẩn cấp với cấp trên và tạm dừng việc thực hiện quy định này, nhằm mục đích tránh tạo ra bất ổn hay thiệt hại không đáng có cho cá nhân, doanh nghiệp, thì họ lại... cứ thế mà làm.

Có lẽ, họ không hiểu rằng, việc họ làm là một nhân tố cực kỳ quan trọng dẫn tới sự đình đốn của việc chuyển tiền kiều hối về Việt Nam trong 2 ngày qua, và góp một phần vào sự bất ổn của thị trường ngoại tệ tự do trong cùng thời điểm. Thực thi một quy định phi lý có thể dẫn tới hậu quả gì cũng có lẽ không thuộc phạm vi trách nhiệm của họ.

Trong những ngày tới, việc chuyển tiền kiều hối về Việt Nam, hoạt động nhập khẩu USD tiền mặt của các ngân hàng thương mại, dự kiến sẽ trở lại bình thường khi Bộ Tài chính đã có văn bản hỏa tốc gửi cơ quan hải quan về việc không thu thuế GTGT 10% với USD tiền mặt nhập khẩu. Thế nhưng, tất cả những cá nhân, tổ chức đã bị thót tim, bị thiệt hại thực sự hoặc có thể bị ảnh hưởng khi áp dụng quy định này, vẫn đang chờ một lời giải thích từ phía Bộ Tài chính và một văn bản chính thức sửa đổi Thông tư 131 của chính Bộ này đã được ban hành trước đó.

Theo Thanh Nien Online