![]() |
(targetwoman) |
Với mốt xỏ lỗ trong giới thanh thiếu niên hiện đại, không còn vùng thân thể nào được 'yên thân', hay bị hành nhất là tai, mũi, lưỡi... Các bác sĩ khuyên những người thích xỏ lỗ phải biết lựa chọn giữa tình yêu nghệ thuật thân thể và sức khỏe bản thân.
Một số người xem việc xỏ lỗ mang tính tôn giáo, trong khi số khác coi đó là hành vi sỉ nhục, như là sự chiếm hữu văn hóa hay thói dở hơi. Một số người nhận định xỏ lỗ là một hình thức nghệ thuật hay sự tự biểu hiện, trong khi số khác chọn nó làm hình thức biểu hiện nhục dục hay kích thích dục tính.
Ngoài ra, một số người chọn xỏ lỗ vì các lý do tượng trưng. Ví dụ, những người từng bị lạm dụng tình dục cho rằng xỏ lỗ giúp họ lấy lại sự kiểm soát bản thân. Có những người chọn hành vi này để tượng trưng hóa một số quan hệ nào đó, như các gay (đồng tính nam) chọn nó để ''bộc lộ thân phận''. Tuy nhiên, sự phổ biến của hành vi xỏ lỗ hiện nay đã làm giảm nhiều đặc tính văn hóa đặc biệt cũng như tính tượng trưng của nó.
Xỏ lỗ mũi: Tại Ấn Độ, cánh mũi trái là vị trí ưu tiên để xỏ lỗ, người ta cho rằng vị trí này liên quan tới cơ quan sinh sản của phái nữ.
Xỏ lỗ mũi tồn tại ở vùng Trung Đông cách đây khoảng 4.000 năm, sau đó bành trướng sang Ấn Độ vào thế kỷ 16. Tiếp đến, nó được ưa chuộng trong văn hóa ''hippie" vào thập niên 1960 và 1970. Ngày nay, xỏ mũi rất thịnh hành ở Mỹ và Canada.
Xỏ lưỡi: Nghi thức xỏ lưỡi từng hiện diện trong các nền văn hóa Maya và Aztec, với hình ảnh minh họa các thày tế đục một lỗ xuyên qua lưỡi rồi sau đó trích máu hoặc luồn qua lỗ những sợi dây, cố tránh để không gây đau đớn.
Xỏ lỗ lưỡi trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại, bắt đầu từ thập niên 1980.
Xỏ lỗ tai: Phương thức này có từ rất lâu đời và tồn tại suốt thế kỷ 20 ở thế giới phương Tây. Tuy nhiên, đối với một số nền văn hóa bên trong nước Mỹ, tục xỏ lỗ này bắt đầu trở nên tương đối hiếm từ thập niên 1920 cho đến thập niên 1960. Nhưng sau đó, tục xỏ lỗ tai thịnh hành trở lại, nhất là trong cộng đồng gay và hippie, tiếp theo là văn hóa punk rock. Từ thập niên 1980 trở đi, xỏ lỗ tai phổ biến trên toàn nước Mỹ và lan rộng trên khắp thế giới.
Xỏ lỗ từng tồn tại trong nhiều nền văn hóa. Tục xỏ lỗ mũi và xỏ tai đã được ghi nhận trong Thánh kinh. Trong nền văn hóa Mexico và Trung Mỹ cổ xưa, người ta đeo tư trang vào tai, mũi, môi dưới, và tục trang điểm này cũng tiếp tục phổ biến ở thổ dân trong các khu vực này. Một xác ướp 4.000 năm tuổi được phát hiện năm 1992 trên sông băng nước Áo cũng có một lỗ xỏ trên tai có đường kính 7 đến 11 mm.
Tục xỏ lỗ thân thể ngày xưa được coi là sự thể hiện tính quý tộc và nam tính. Các pharaoh Ai Cập ngày xưa xỏ lỗ ngay rốn, coi là một nghi thức tượng trưng cho quyền lực. Trong khi đó người Maya coi việc xỏ lỗ ở lưỡi là tập tục thiêng liêng. Trong cuốn Dreamtime, tác giả Hans Peter Duerr cho biết tục xỏ lỗ trên đầu núm vú bắt đầu phổ biến ở châu Âu vào thế kỷ 14, và binh lính La Mã xỏ lỗ ngay đầu núm vú nhằm khẳng định dũng khí của mình.
Xỏ lỗ và các vấn đề sức khỏe
Các biến chứng phát sinh từ tục xỏ lỗ không sao lường hết được. Vết thương do xỏ lỗ phần sụn tai không lành nhanh như xỏ lỗ dái tai vì kiểu mô và sức ép trên vùng xỏ trong khi ngủ khác nhau. Vùng xỏ lỗ lưỡi lúc đầu sưng phồng lên, nhưng sau đó vết xỏ mau lành do sự tiếp máu cho lưỡi là rất lớn. Xỏ lỗ đầu núm vú có thể gây nhiễm trùng cho ống dẫn sữa và gây phiền khi phải nuôi con.
Xỏ lỗ rốn rất dễ gây nhiễm trùng do quần áo mặc bên ngoài không cho không khí lưu thông tự do, từ đó sinh ẩm quanh vùng rốn. Ngoài ra, xỏ lỗ thân thể cũng gặp vấn đề khi chọn đồ trang sức không đúng cho vùng được xỏ. Nếu đồ trang sức quá dày hay quá mỏng, thân thể sẽ loại bỏ nó ra như tống khứ một mảnh đạn.
Đối với việc xỏ lỗ lưỡi, ngoài sự đau đớn và sưng tấy do nữ trang gây ra, người ta còn quan sát thấy hiện tượng dị ứng kim loại. Đôi khi kim loại xỏ trên lưỡi làm biến đổi giọng nói, ảnh hưởng xấu đến khả năng nhai và nuốt, thậm chí làm hình thành mô sẹo, gây thương tổn cho các dây thần kinh lưỡi. Cuối cùng, các chấn thương có thể xuất hiện tại vùng răng.
Hiệp hội Nha sĩ Mỹ (ADA) đã có cảnh báo việc xỏ lỗ trong đường miệng có thể làm tắc các đường hô hấp do sưng họng, hóc nữ trang; hoặc gây xuất huyết thứ phát nặng ở vùng các động mạch tưới cho lưỡi vì cơ này rất giàu mạch máu.
(Theo Kiến Thức Ngày Nay)
▪ Nghịch lý atisô (09/07/2005)
▪ Xỏ lỗ và những hiểm họa khó lường... (12/02/2006)
▪ Tóc ngắn quyến rũ (10/02/2006)
▪ Thiên thần dịu dàng (09/02/2006)
▪ Không được tắm sau khi xông hơi (07/02/2006)
▪ Bệnh... nhiều đồ! (06/02/2006)
▪ Chăm sóc tóc và da tay trong mùa lạnh (02/02/2006)
▪ 10 bí quyết khỏe đẹp cho nữ giới (25/01/2006)
▪ 4 bước chăm sóc mặt ở quý ông (25/01/2006)
▪ Visit for Women: Cảm xúc cho những cuộc gặp gỡ (25/01/2006)