Vì sao loài người không rậm lông?
Các Website khác - 07/01/2005

Con người rụng lông trong quá trình tiến hóa để chống ký sinh trùng và làm mát cơ thể. Lý do lông còn sót lại ở những nơi 'ẩm thấp' là để hấp dẫn người khác phái với mùi đặc trưng cơ thể. Song, không ít người đang giải quyết nốt phần sót lại này của tạo hóa một cách tích cực.

Bạ đâu tỉa đó

Phụ nữ đang tìm cách loại bỏ phần còn sót lại của tạo hoá.
Phụ nữ đang tìm cách loại bỏ phần còn sót lại của tạo hoá.

Phía sau một cửa hiệu hớt tóc ở ngoại ô London, Anh, Genevieve, một thợ làm đẹp giải thích về "đường biên Brazil" khi bà đang tỉa lông cho một khách hàng. Đường biên này không liên quan đến bóng đá mà là một dải băng để lại ở giữa phần đã cạo theo chiều thẳng đứng. Từ một kiểu làm đẹp bị xem là quái dị cách nay vài năm, "đường biên Brazil" hoặc "phi đạo" đã trở thành thông dụng. Không chỉ có những phụ nữ thích mặc bikini mới cần tỉa tót các phần "dôi dư" mà cả những phụ nữ bình thường cũng làm thế và mỗi người mỗi kiểu tùy thích. Ngoài kiểu phi đạo còn có kiểu trái tim, ngôi sao và mũi tên. Phong trào tỉa tót lan rộng đến nỗi nhiều người tự hỏi tại sao phụ nữ lại cần loại bỏ những thứ mà trước đây người ta xem là sự hấp dẫn giới tính do tạo hóa ban tặng? Giải thích dễ chấp nhận nữa là các bà muốn "cưa sừng làm nghé", trở lại thời kỳ trước đây để thu hút nam giới. Thế thì tại sao một số đàn ông, kể cả người bình thường lẫn đồng tính nam, cũng tham gia vào trò này?

Đứng về mặt sinh học, xu hướng tỉa, cạo có vẻ trái với tự nhiên. Đa số các loài có vú đều có lông trên cơ thể, nhiều hoặc ít. Vì vậy có thể xem việc tỉa tót như là một trong những cách làm đẹp của con người giống như sở thích xăm mình và xỏ lỗ khởi phát đầu tiên ở các thủy thủ, dân hippi và gái mại dâm. Ngoài ra, nó có thể nằm trong quá trình tiến hóa của con người từ lông lá rậm rịt đến trần trụi.

Từ lâu, con người đã bị ám ảnh bởi việc có quá nhiều râu tóc. Mỗi năm đàn ông đàn bà bỏ ra khoảng 8 tỷ dollar để cạo râu, lông bằng dao cạo (thống kê của hãng Gillette). Hơn 90% đàn ông Mỹ cạo râu 5 lần một tuần. Tại sao họ lại cạo râu, một biểu hiện đầy nam tính như thế?

Đàn ông cạo râu từ thời thượng cổ dù thói quen này chỉ thực sự hình thành từ khi có dao lam mỏng Gillette an toàn thay thế cho dao cạo thép "cắt họng" của thợ hớt tóc vào năm 1903. Theo Gus Van Beek, phụ trách khảo cổ tại Viện bảo tàng Smithsonian ở Washington D.C thì những bức họa trong các lăng mộ Ai Cập cổ không râu hoặc mang râu giả (tàn tích râu giả vẫn còn tại một số điểm khai quật). Râu, tóc được xem là trở ngại cho những cuộc chiến giáp lá cà, vì đối phương có thể... nắm lấy nó. Để hóa giải trở ngại này, người Ai Cập cổ cạo râu bằng dao đồng rồi dao nhôm. Con nhân sư Sphinx nổi tiếng là đặc trưng của xu hướng không lông.

Không ai biết phụ nữ cạo lông chân từ khi nào, song chắc chắn cột mốc thập niên 1920 khi váy ngắn trở thành phổ biến ở phương Tây là không đúng. Ngày nay nếu tính theo tuổi, phụ nữ cạo lông lúc còn trẻ hơn đàn ông và cạo trên một diện tích lớn hơn 9 lần. Tính trung bình, số lông ở chân và dưới nách cần cạo ở phụ nữ có từ 7.000 đến 15.000 cọng, bằng số râu ở đàn ông nhưng râu đàn ông rậm hơn và mọc nhanh hơn. Tính bình quân, một đàn ông Mỹ bỏ ra trong đời khoảng 33 ngày để cạo lông mặt. Lông càng khô càng cứng, có khi cứng như rễ tre hoặc dây đồng cùng độ dày.

Râu mặt và lông chân thì cạo đi, nhưng không ai thích bị rụng tóc. Nhiều đấng mày râu đã phải tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để bảo lưu được mấy cái sợi phất phơ trên đầu này. Hói đầu là kẻ thù của đàn ông. Đây cũng là dạng mất tóc phổ biến. Đến độ tuổi 50 có khoảng 50% đàn ông bị mất tóc phía trước trán.

Nếu béo phì là vấn đề hấp dẫn của phụ nữ thì hói đầu là vấn đề hấp dẫn của đàn ông. Viện phẫu thuật thẩm mỹ Mỹ cho biết lý do chính đưa đàn ông đến mỹ viện, ngoài việc xóa nếp nhăn, là để cấy hay phục hồi tóc. Số đàn ông chịu đau để có mái tóc "ra tấm ra món" đông bằng số phụ nữ chịu đau để có bộ ngực "bằng chị bằng em".

Biên niên sử tóc, lông

Sự bận tâm với lông tóc của con người là điều ngạc nhiên vì so với những loài linh trưởng có quan hệ gần nhất, "bộ cánh" của chúng ta chẳng đáng là bao. Lông tóc là đặc tính duy nhất của loài có vú và là đặc tính dễ nhận diện từ xa nhất. Chúng có thể tiến hóa từ những sợi ria khứu giác như ria mèo và lan ra khắp cơ thể, trở thành bộ phận hữu dụng. Nhiều nhà khoa học tin rằng sự tiến hóa của lông tóc liên quan đến sự tiến hóa của máu nóng vì lông tóc sẽ giúp giữ thân nhiệt ổn định, cho loài có vú có lợi thế khi sống trong môi trường lạnh lẽo, hoang vu.

Có thể loài có vú đã có tóc từ cách nay 200 triệu năm nhưng vì không tìm ra tóc hóa thạch vào thời kỳ đó nên chẳng ai dám khẳng định như thế. Trong số hơn 5.000 loài có vú chỉ có số ít không có lông, mà nổi tiếng nhất là voi, tê giác, hà mã, cá voi, moóc và chuột chũi. Lý do voi và tê giác là những con thú thuộc loại lớn nhất, sống tại môi trường nóng và gặp khó khăn trong việc làm mát cơ thể. Cá voi sống trong nước, hà mã vừa nước vừa cạn nên lông tóc không có ích lắm. Còn chuột chũi thì sống trong hang, nơi nhiệt độ không dao động nhiều như trên mặt đất. Heo thì khác, lông của nó ngắn theo cách các loài chó không lông ở Mexico tiến hóa.

Thực tế, con người cũng có lông nhưng ngắn và mịn đến độ khó nhìn thấy dù số nang lông ở người không thua gì số nang lông ở loài khỉ cùng kích cỡ. Lông ngắn và mịn nên con người trông tương đối trần trụi so với các loài thú có họ hàng gần nhất. Mỗi nền văn hóa lại có những đánh giá khác nhau về lông tóc, vì vậy một phụ nữ Thái Lan đã đề nghị bạn trai châu Âu của chị cạo hết lông trên cơ thể trừ những chỗ không bao giờ mọc như bàn chân, bàn tay, quanh núm vú, rốn...

Cuốn sách "con khỉ trần trụi" xuất bản năm 1967 của Desmond Morris vẫn không giải thích được câu hỏi của các nhà khoa học về sự biến mất dần của lông tóc trên cơ thể người. Một lý thuyết khá thú vị cho rằng con người tiến hóa từ loài khỉ nước vì đầu loài khỉ này có tóc do thường xuyên ngoi lên mặt nước, con người cũng vậy để bảo vệ đầu trước ánh nắng mặt trời, còn phần cơ thể nằm dưới nước, lông thoái hóa dần rồi mất đi. Con người cũng nhanh nhẹn tương đối trong nước so với loài vượn. Ngoài ra, tóc con người xuôi về phía sau gáy để giảm sức kháng lúc bơi. Tuy nhiên, giả thuyết này thiếu chứng cứ thuyết phục.

Vẫn chỉ là giả thuyết

Trong nhiều thập niên, giải thích phổ biến nhất cho lý do lông tóc con người mịn, ngắn dần là để giữ mát. Lông tóc quá rậm rạp sẽ làm cho tăng mạnh thân nhiệt, có hại cho cơ thể. Khi con người thời kỳ homicid bước từ rừng ra thảo nguyên và đi thẳng, nhiều lông sẽ có hại dưới ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên giải thích này cũng không đứng vững vì chẳng có loài thú nào giống người sống ở thảo nguyên lại trần trụi như vậy, sư tử chẳng hạn. Ngoài ra, da trần làm tăng cơ hội giảm nhiệt nhưng đồng thời cũng dễ bị ánh nắng mặt trời hâm nóng hơn. Trần trụi còn khiến con người dễ nhiễm lạnh vào ban đêm.

Mark Pagel (Đại học Reading) và Walter Bodmer (bệnh viện Radcliffe ở Oxford, Anh) có ý tưởng khác. Hai ông tin rằng ký sinh trùng là chìa khóa giải bài toán không lông của con người. Giảm lông là để giảm môi trường sinh sôi của các ký sinh trùng như bọ chét, một tác nhân truyền bệnh. Khi con người thời săn bắn - hái lượm sống gần nhau, tốc độ lây lan ký sinh rất cao. Da không lông dễ giữ sạch hơn. Con người không cần giữ ấm bằng lông mà đã có quần áo, nơi cư trú, lửa sưởi ấm. Những loài có vú nhiều lông còn lại đều mang nhiều ký sinh trùng. Có không ít con đã chết vì mầm bệnh chúng mang lại.

Năm 1874, nhà sinh vật Charles Darwin đã viết: "Tại các vùng nhiệt đới, không lông sẽ giúp con người thoát khỏi các ký sinh". Một số bức vẽ trong hang động cũng diễn tả cách con người cạo lông, râu để chống những sinh vật ăn bám khó chịu này. Họ dùng vỏ sò hay nhíp để tự nhổ râu, lông. Sau đó con người thời đại đồ đá phát minh ra loại dao cạo dùng một lần.

Quảng cáo và thời trang nhập cuộc

Lý thuyết ký sinh có thể giúp giải thích tại sao đàn bà ít lông hơn đàn ông. Cả hai giới tính đều có xu hướng chọn người ít lông vì sẽ ít bị lây bệnh, nhưng xu hướng này mạnh ở đàn ông hơn ở phụ nữ vì vậy phụ nữ ghét lông trên cơ thể mình hơn phái mạnh. Các công ty quảng cáo các sản phẩm triệt lông ở phái nữ thường nhấn mạnh đến yếu tố bẩn thỉu, mất vệ sinh trong một thế giới mà sự sạch sẽ ngày càng được đề cao. Kỹ nghệ thời trang với các trang phục và đồ lót vừa mỏng, vừa thiếu vải đã loại bỏ không thương tiếc sự hiện diện của lông trên cơ thể. Tuy nhiên, lý thuyết ký sinh vẫn không ổn vì nếu nói lông là môi trường cho ký sinh ẩn nấp thì tại sao nách và vùng kín, hai nơi ẩm thấp rất thuận lợi cho ký sinh phát triển lại có nhiều lông thay vì biến mất trong quá trình tiến hóa? Theo một số người, ký sinh chỉ trở thành vấn đề cho con người khi chúng ta sống trong nơi cư trú, còn không lông thì đã tiến hóa trước đó khi con người cổ đại bắt đầu đi thẳng cách nay hơn 2 triệu năm.

Robin Dunbar ủng hộ lý thuyết "không lông để mát mẻ" và không lông con người sẽ đi lại nhanh nhẹn hơn. Nói chung, việc có nhiều hay ít là tùy từng loài và môi trường sống. Chẳng hạn voi sống trong môi trường lạnh sẽ trở thành voi mamút có lông. Còn nếu nói loài người đã tiêu biến những sợi lông "đáng ghét" này từ khi biết mặc quần áo thì cũng không đúng, vì quần áo chỉ xuất hiện từ 30.000 đến 40.000 năm là tối đa, trong khi chúng ta đã trần trụi như thế này từ trước đó rất lâu.

Lý giải tại sao lông vẫn còn tồn tại ở những chỗ kín, một số nhà khoa học cho rằng câu trả lời nằm ở sự hấp dẫn giới tính, vì chính tại những vị trí bí hiểm này mùi đặc trưng nam nữ phát sinh rõ nhất. Khi cạo lông để làm đẹp, người ta đã tự đánh mất sự hấp dẫn đó hoặc giảm bớt nó. Cũng giống như khi cạo râu, các ông đã tự hủy bỏ một yếu tố hấp dẫn giới tính, nhưng vấn đề lại nằm ở dị biệt văn hóa của mỗi nước, mỗi dân tộc chứ không phải từ phái nữ.

Kiến thức ngày nay (theo Economist)