![]() |
Lễ mít tinh hưởng ứng tháng hành động phòng, chống ma tuý. Ảnh: Internet |
Tình hình ma tuý tổng hợp phức tạp, chưa có thuốc đặc trị
Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, năm 2016, tình hình mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp nhất là ma túy tổng hợp dạng đá tiếp tục tăng (tại Hà Nội, số vụ ma túy tổng hợp bị bắt giữ chiếm 55,8% tổng số vụ). Bên cạnh đó, xuất hiện việc mua bán tinh thể giống ma túy “đá” có thành phần chính là Benzyl Isopropylamine không nằm trong danh mục các chất ma túy theo quy định của Chính phủ gây khó khăn cho công tác xử lý; tình trạng mua bán một số chất hướng thần XLR-11, Ketamin có mức độ nguy hại và độc tính cao với các tên gọi khác nhau như: “Cỏ Mỹ”, “nước Vui”, “Tem giấy”, “Bùa lưỡi”… trong các quán bar .
Đáng lo ngại là hoạt động sản xuất các chất ma túy trong nội địa vẫn xảy ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Mới đây nhất, ngày 22/12 vừa qua, cơ quan chức năng đã bắt giữ đối tượng sản xuất ma túy đá tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, thu giữ hơn 10 kg ma túy đá (trị giá trên 10 tỷ đồng), cùng hơn 31 triệu đồng tiền mặt và nhiều can nhựa, chai thủy tinh chứa dung dịch là tiền chất, các loại dụng cụ, phương tiện để sản xuất ma túy đá.
Hơn nữa, tình trạng lợi dụng các quán bar, vũ trường, nhà nghỉ để mua bán, sử dụng trái phép ma túy tổng hợp ở các thành phố lớn tiếp tục diễn ra phức tạp. Điển hình như vụ bắt giữ 3,3 kg MTTH tại nhà nghỉ Thanh Thanh ở TP. Bắc Ninh; vụ bắt giữ 2,5 kg MTTH tại quán karaoke Gold ở TP HCM và vụ triệt phá ổ nhóm sử dụng trái phép chất ma túy tại quán karaoke Thiên Sơn Lầu ở Hà Nội.
Theo báo cáo của các địa phương, toàn quốc thống kê được 210.751 người nghiện ma túy, tăng 10.617 người so với năm 2015 (200.134 người). Trong khi khoảng 70% người nghiện vẫn sử dụng heroin thì ở nhiều địa phương, 85-90% số người mới nghiện chỉ sử dụng các loại ma túy tổng hợp nhóm ATS.
Đáng chú ý là tình trạng sử dụng ma túy (qua giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an chủ yếu là các dẫn xuất của cần sa) được tẩm trong các loại thảo mộc (thường gọi là “cỏ Mỹ”) đang có chiều hướng gia tăng trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Việc xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển chất XLR-11 có trong “cỏ Mỹ” thời gian qua gặp nhiều khó khăn trong giám định hàm lượng, xác định mẫu chuẩn do đây là loại chất ma túy mới xuất hiện tại Việt Nam.
Trong khi đó, theo Bộ Y tế, hiện nay, thế giới chưa có thuốc đặc trị cai nghiện ma túy tổng hợp. Trong lĩnh vực y tế, hỗ trợ tích cực nhất cho nhóm bệnh nhân này chính là điều trị tâm thần.
Thấy gì sau các vụ học viên cai nghiện liên tiếp trốn trại?
Cũng trong năm qua, các địa phương đã quan tâm, tăng cường công tác quản lý học viên tại các cơ sở cai nghiện ma túy theo hướng đổi mới công tác cai nghiện, tôn trọng quyền lợi của học viên, không còn lao động bắt buộc nữa, mà đang chuyển đổi sang công tác tư vấn, trị liệu tâm lý là chủ yếu. Tuy nhiên, tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh đã để xảy ra sự việc học viên gây rối tại cơ sở cai nghiện, bỏ trốn tập thể.
Một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến học viên gây rối được Bộ LĐTB&XH chỉ rõ, trước hết, đó là việc học viên hiểu biết pháp luật còn hạn chế, phần lớn do sử dụng và nghiện ma túy tổng hợp dạng ATS (35% tiền án, tiền sự), có biểu hiện rối loạn sức khỏe tâm thần, kích động gây rối trật tự, đòi ra khỏi cơ sở, từ đó gây phản ứng dây chuyền. Ngoài ra, công tác xác minh nơi cư trú, trình tự thủ tục, lập hồ sơ tại một số địa phương thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật. Điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở cai nghiện hiện đã xuống cấp, cơ sở quá tải. Cán bộ làm công tác tư vấn trị liệu, quản lý, tư vấn tâm lý và kỹ năng còn yếu, chưa được tập huấn bài bản.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm, tình hình cơ sở cai nghiện tập trung trên cả nước hiện nay rơi vào 2 trường hợp: Trường hợp thứ nhất là cơ sở cai nghiện tập trung không sử dụng hết, để hoang hoá, có nơi cán bộ nhiều hơn học viên; trường hợp thứ 2 là nhóm các tỉnh trọng điểm về số lượng người nghiện thì thường quá tải, chật chội dẫn đến học viên phá trung tâm, bỏ trốn.
Nhiều địa phương chưa thật sự coi trọng công tác cai nghiện cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng người nghiện tăng nhanh. Nhiều tỉnh có số lượng người nghiện rất cao như Điện Biên, Lai Châu, Nam Định… nhưng kinh phí dành cho công tác cai nghiện rất hạn hẹp, chỉ đáp ứng 2-4% so với nhu cầu.
Bên cạnh đó, trình độ nhân lực ở các trung tâm cai nghiện còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu nên chủ yếu vẫn là quản lý hành chính, chưa có kỹ năng tư vấn tâm lý hoặc đào tạo nghề cho học viên… khiến kết quả không cao.
Chương trình Methadone: Lùi thời hạn 1 năm vẫn chậm tiến độ
Tại Quyết định số 1008/QĐ-TTG ngày 20/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho 61 tỉnh, thành phố đến cuối năm 2015 là 81.047 người.
Theo báo cáo từ các tỉnh, thành phố đến cuối năm 2015 cả nước chỉ có 43.720 bệnh nhân được điều trị tại 240 cơ sở điều trị Methadone.
Vào đầu năm 2016, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho phép lùi thời hạn hoàn thành chỉ tiêu vào cuối năm 2016, do nhiều tỉnh chưa hoàn thành chỉ tiêu điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.
Tuy nhiên, tính đến hết ngày 15/12/2016, chương trình Methadone đã được triển khai tại 62/63 tỉnh, thành phố, với 274 cơ sở và điều trị cho 50.663 bệnh nhân, mới đạt 63% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg.
Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, tính từ đầu năm 2016 đến nay, đã có thêm 5 tỉnh với 34 cơ sở mới đi vào hoạt động, tiếp nhận điều trị thêm 6.943 bệnh nhân mới so với cuối năm 2015. Năm 2016 cũng triển khai mạnh mẽ việc cấp phát thuốc tại tuyến xã, với tổng số 19 địa phương triển khai và số bệnh nhân uống thuốc tại xã phường chiếm 25% tổng số bệnh nhân đang được điều trị. Các tỉnh miền núi như Lai Châu, Điện Biên có đến 40%-50% bệnh nhân uống thuốc tại xã.
Về việc chậm tiến độ, có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan như tại một số tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn, người nghiện gặp khó khăn trong việc tiếp cận và duy trì điều trị Methadone; việc điều trị Methadone là biện pháp điều trị lâu dài, cần duy trì điều trị, một số bệnh nhân thiếu kiên trì nên bỏ điều trị; một số địa phương, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến việc chỉ đạo và ưu tiên đầu tư cho triển khai điều trị Methadone…
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, khó khăn lớn nhất trong công tác cai nghiện bằng Methadone là nguồn nhân lực ở cơ sở. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống ma tuý và cai nghiện (ngày 23/12), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định sẵn sàng cung cấp thuốc và tổ chức tập huấn cho cho cán bộ y tế, nhưng chính quyền địa phương phải bố trí được nhân lực và theo dõi để duy trì.
▪ Phá đường dây bán dâm 1 triệu đồng/lượt "tàu nhanh" (02/01/2017)
▪ Phát hiện hơn 280 nghìn m2 đất chuẩn bị trồng cây thuốc phiện (30/12/2016)
▪ Hải quan phát hiện 81 vụ ma tuý trong năm 2016 (29/12/2016)
▪ Hành trình đột kích xưởng chế ma túy 'đá' (26/12/2016)
▪ Cảnh sát đột kích 'thiên đường sex' ở Sài Gòn (26/12/2016)
▪ Triệt phá 'xưởng' sản xuất ma tuý đá giữa Thủ đô (23/12/2016)
▪ Đường dây mại dâm giá 4 triệu đồng của "tú bà" 9X (20/12/2016)
▪ Phá đường dây 'gái gọi' sinh viên giá 4 triệu đồng (16/12/2016)
▪ Giải pháp nào ngăn chặn ma tuý tổng hợp? (14/12/2016)
▪ Nhiều khó khăn, vướng mắc trong xét xử các vụ án XHTD (13/12/2016)