Tám năm qua, bà Xanh ở Hà Nội, nhặt ve chai, đồng nát làm kế sinh nhai, lấy ghế đá trong công viên làm nơi sớm tối đi về. Chung quanh vụ việc của bà, không dưới 10 cuộc họp của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương được tổ chức. Mỗi lần họp là một lần công văn, giấy tờ được soạn thảo và gửi đi... Song đến nay, vụ việc vẫn chưa có hồi kết.
Việc kiện tụng của bà Xanh bắt đầu từ ngày 20-12-1995, ngày mà TAND huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) ra bản án dân sự sơ thẩm số 06/DSST quyết định buộc vợ chồng bà Xanh phải trả nợ cho bà Lan hàng xóm số tiền cả gốc lẫn lãi là 51.444.980 đồng. Việc vay nợ giữa bà Xanh với bà Lan là có thật, nhưng liệu có phải là hơn 51 triệu đồng như đã nêu trên hay không, tại tòa, các bên đương sự đều không bên nào đưa ra được chứng cứ thuyết phục nhất. Theo trình bày của bà Xanh, số nợ gốc vay tháng 1-1994 là chín triệu đồng, với lãi suất 10%/ tháng thì đến ngày 3-11-1995, ngày xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, bà chỉ nợ của bà Lan cả gốc lẫn lãi là 27 triệu đồng.
Theo kết quả giám sát của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và điều tra riêng của chúng tôi, việc TAND huyện Sơn Tịnh ra quyết định buộc bà Xanh phải trả số tiền nêu trên cho bà Lan là quá vội vàng và thiếu căn cứ pháp luật. Quan hệ vay nợ giữa hai bên có viết giấy vay tiền, nhưng nội dung lại không cụ thể, rõ ràng, số tiền nợ ghi trong giấy vay tiền là 48.124.400 đồng, nhưng qua nhiều lần tính toán của các bên, kể cả của tòa án, đều không thể kết luận được vay mượn thế nào mà có số tiền lẻ chính xác đến 400 đồng? Trong quá trình xét xử của tòa án, ngay từ đầu hai bên đương sự đã khai báo trái ngược nhau và đều có mâu thuẫn.
Các chứng cứ chưa được làm rõ song điều đáng nói ở đây là, TAND huyện Sơn Tịnh đã cho thi hành bản án ngay cả khi bản án đó chưa có hiệu lực pháp luật. Ngày 20-12-1995 tòa tuyên án, nhưng chỉ 18 hôm sau, nghĩa là ngày 8-1-1996, TAND huyện Sơn Tịnh gửi bản án cho Đội thi hành án, trong đó xác nhận "án có hiệu lực pháp luật". Theo quy định của pháp luật, thời hạn để Viện KSND cấp trên xem xét, kháng nghị là 30 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Làm việc với chúng tôi, Chánh án TAND huyện Sơn Tịnh Nguyễn Thị Thanh Bình, người đã trực tiếp xét xử vụ tranh chấp dân sự này cách đây 10 năm, cho rằng: Việc gửi bản sao bản án cho Viện KSND cấp trên để xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thuộc thẩm quyền của viện KSND cấp huyện. Còn theo cách trình bày của đại diện lãnh đạo Viện KSND huyện Sơn Tịnh trước Đoàn giám sát của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì, việc không gửi bản sao bản án cho cấp trên để xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là do hiểu biết pháp luật lúc đó không đầy đủ. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, phân tích khách quan, toàn diện các vấn đề, Đoàn giám sát đã kết luận: Bản án sơ thẩm số 06/DSST ngày 20-12-1995 của TAND huyện Sơn Tịnh có những biểu hiện thiếu căn cứ vững chắc và toàn diện; việc thu thập và đánh giá chứng cứ chưa thật đầy đủ; thi hành án có nhiều vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Một bản án thiếu khách quan, công bằng, thậm chí đã vi phạm pháp luật về tố tụng của TAND huyện Sơn Tịnh từ năm 1995 (nay đã hết thời hiệu kháng nghị giám đốc thẩm); tiếp đến là sự tắc trách, yếu về nghiệp vụ của cơ quan kiểm sát; sự vội vàng, nhanh chóng đến khó hiểu của cơ quan thi hành án, tất cả đã đẩy bà Xanh, một thương binh, vào con đường kiện tụng, vợ một nơi, chồng một nẻo đến nay đã 11 năm. Cơ quan thi hành án huyện Sơn Tịnh đã kê biên không chỉ nhà đất mà cả những đồ dùng thiết yếu, vật nuôi của gia đình bà Xanh, chỉ vì một khoản nợ dân sự chưa được làm rõ; hơn nữa, giá trị của khoản nợ đó (nếu đúng) cũng nhỏ hơn nhiều so với những gì mà người ta đã thu của bà Xanh để bán đấu giá.
Ba năm đi kiện trong tỉnh, tám năm theo kiện ở Hà Nội, năm nay bà Xanh đã bước sang tuổi 64, song việc khiếu kiện vẫn chẳng có gì sáng sủa. Trung ương tiếp tục ra văn bản chỉ đạo, còn địa phương vẫn nghiêm túc tiếp thu, nhưng chủ yếu vẫn dừng lại trên giấy tờ, thủ tục qua lại giữa các cơ quan.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi chung quanh giải quyết vụ của bà Xanh, Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chỉ đề cập việc giải quyết oan sai trong vụ án hình sự, vì vậy không thể áp dụng để giải quyết các trường hợp oan sai về dân sự. Trong lĩnh vực dân sự, cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định về bồi thường oan sai. Tuy nhiên, về nghiệp vụ, nếu bản án cấp dưới xét xử sai mà bị kháng cáo, kháng nghị, hoặc được giám đốc thẩm thì tòa án cấp trên có quyền xem xét lại vụ việc một cách toàn diện, bảo đảm sự khách quan, công bằng trong hoạt động xét xử của tòa án cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Theo cách nói của Chánh án Nguyễn Hồng Sơn cũng như căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, vụ việc của bà Xanh hiện nay không thể giải quyết lại bằng con đường tòa án, cho dù đã tìm ra những chứng cứ, cơ sở pháp lý để khẳng định có sự oan sai trong quá trình xét xử cũng như thi hành án. Bởi lẽ, bản án đã có hiệu lực pháp luật, đã được thi hành và đến nay đã hết thời hiệu để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Khắc phục vấn đề này, ngày 10-3-2005, Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu đã ký công văn số 583 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Nội chính T.Ư về việc giải quyết dứt điểm vụ kiện, chậm nhất là trong quý I năm 2005. Nhưng từ đó đến nay, vẫn chưa có kết quả, bà Xanh vẫn tiếp tục ở Hà Nội để khiếu kiện.
Việc trả nhà cho bà Xanh, theo cách trình bày của UBND tỉnh Quảng Ngãi, là chưa thể thực hiện được do chưa thu xếp được chỗ ở mới cho gia đình bà Đỗ Thị Xiêm - người đã mua đấu giá hợp pháp ngôi nhà của bà Xanh cách đây 10 năm. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Kim Hiệu, việc thu hồi nhà để trả lại cho bà Xanh là rất khó và không có cơ sở pháp lý để thực hiện, trừ phi người chủ hiện tại tự nguyện dọn đi. Khi pháp luật chưa có sự điều chỉnh cần thiết, cách tốt nhất hiện nay là bà Xanh phải chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án. UBND tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan chức năng huyện Sơn Tịnh sẽ cấp cho gia đình bà Xanh một lô đất và ngôi nhà có giá trị tương đương, đồng thời tạm hoãn việc chấp hành bản án dân sự sơ thẩm số 06/ DSST năm 1995 cho bà.
Chủ trương giải quyết nhằm chấm dứt vụ kiện phức tạp, dai dẳng này là khá rõ và rất khả quan. Vấn đề còn lại là cách thức tổ chức thực hiện và quyết tâm của các cấp chính quyền ở Quảng Ngãi.
Hồng Thanh và Minh Trí
|