Bao giờ có tòa án chuyên xét xử người chưa thành niên?
Các Website khác - 26/11/2005
Trong đề án thành lập tòa án chuyên trách về người chưa thành niên có rất nhiều vấn đề đặt ra mà ngay từ bây giờ phải xem xét để công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được thực hiện tốt nhất. Ông Hà Đình Bốn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân số, Gia đình & Trẻ em trao đổi ý kiến chung quanh vấn đề này.
* Hiện nay, có việc nghiên cứu đề án thành lập một tòa riêng để xét xử người chưa thành niên phạm tội và những tội phạm xâm hại trẻ em; quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đây là một vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm, đồng thời cũng nằm trong tổng thể của tiến trình cải cách tư pháp ở Việt Nam. Hiện nay chúng ta chưa có tòa riêng để xét xử người chưa thành niên phạm tội, trong khi đó trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau, chúng ta không thể áp dụng một cách máy móc theo như họ được mà phải phù hợp với điều kiện và thể chế của từng nước. Vấn đề này đã được nhiều nhà nghiên cứu hoạt động xã hội và cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm đề xuất từ nhiều năm trước. Việt Nam đạt được những thành tích đáng khích lệ trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Năm 2002, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình & Trẻ em Lê Thị Thu đã thay mặt Chính phủ Việt Nam báo cáo và bảo vệ vấn đề này trước Ủy ban quyền trẻ em của Liên hiệp quốc và đã được quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế vẫn khuyến nghị chúng ta về cải thiện hệ thống tư pháp người chưa thành niên, nên xúc tiến việc thành lập tòa chuyên trách về người chưa thành niên, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em một cách tốt nhất.

Nghị quyết số 08/NQ-T.Ư của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp cũng đã đề cập đến vấn đề này, cần nghiên cứu, xúc tiến vấn đề này. Đó là những căn cứ định hướng quan trọng, là tiền đề căn bản để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm có những bước đi và xây dựng một lộ trình cụ thể, không nóng vội nhưng cũng không thể quá chậm trễ được. Đã đến lúc chúng ta cần khẩn trương nghiên cứu và đề xuất vấn đề này.

* Thưa ông, một vấn đề đặt ra là nếu tòa này được thành lập chúng ta sẽ phải có một đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư chuyên trách về lĩnh vực này?

- Đúng vậy. Đây chính là vấn đề nan giải đặt ra cho chúng ta khi bàn tới vấn đề này. Cá nhân tôi thấy rằng việc thành lập ngay trong thời điểm hiện nay là chưa khả thi, vì chúng ta chưa có đủ những điều kiện cần thiết để tòa chuyên trách này hoạt động có hiệu quả như bộ máy, con người. Đặc biệt là những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng như điều tra viên; kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư... và hệ thống pháp luật cũng phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; chúng ta chưa có những chuẩn bị thật đầy đủ về đào tạo chuyên môn và kỹ năng tiếp xúc và làm việc với người chưa thành niên, tâm sinh lý trẻ em...

* Một trong những vấn đề đặt ra là đội ngũ này phải được đào tạo bài bản, hiểu biết tâm, sinh lý trẻ em thì quá trình điều tra, xem xét, đánh giá, bào chữa... quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ mới được bảo đảm?

- Hiện tại những hành vi phạm tội của người chưa thành niên được đưa ra xét xử về cơ bản vẫn là do tòa án các cấp xét xử theo thủ tục chung, chủ yếu do cấp quận, huyện xử lý. Trong khi đó tòa cấp huyện chỉ có một tòa xét xử chung với một số thẩm phán chuyên trách như dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình. Việc thành lập ngay tòa chuyên trách về người chưa thành niên ở cấp này vào thời điểm này là không khả thi.

Để đào tạo các cán bộ tiến hành tố tụng hiểu biết về tâm lý trẻ em thì, ngoài việc chúng ta phải triển khai đào tạo ngay trong các trường của các ngành thuộc khối nội chính như Học viện Cảnh sát Nhân dân, Cao đẳng Kiểm sát, Đại học Luật...

Bên cạnh đó thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ công an, kiểm sát, tòa án và các cán bộ xã hội làm việc trực tiếp với trẻ em về vấn đề tư pháp người chưa thành niên, để họ hiểu biết sâu về vấn đề này, trên cơ sở đó họ mới đánh giá, nhìn nhận đầy đủ chính xác về mục đích, động cơ phạm tội cũng như biện pháp xử lý hợp lý nhất, tạo điều kiện cho người chưa thành niên có cơ hội sửa chữa sai lầm, hòa nhập gia đình và cộng đồng.

Quá trình xem xét cần phải thấy rằng trẻ em vừa là tội phạm vừa là nạn nhân của một hành vi phạm tội đó. Muốn vậy, cần tiến hành đào tạo ngay từ T.Ư đến địa phương cho các cán bộ thật bài bản, nắm chắc tâm lý trẻ em để sau này chúng ta thành lập tòa chuyên trách về người chưa thành niên không còn thiếu hụt đội ngũ cán bộ như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư chuyên trách về trẻ em. Không ít người bây giờ vẫn làm theo kinh nghiệm vốn có hoặc họ chỉ hiểu sơ qua, do vậy khi họ tham gia tố tụng các vụ án này thường lúng túng, quyền lợi của người chưa thành niên không bảo vệ đầy đủ.

* Có ý kiến cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng phải đặt mình vào hoàn cảnh, tâm lý của trẻ em. Vì không ít trẻ phạm tội thường rơi vào những gia đình có hoàn cảnh éo le, đổ vỡ, ít được quan tâm, từ đó hay có tâm lý khép kín khi phạm tội. Tìm hiểu và tháo gỡ tâm lý này trong quá trình thụ lý, xem xét vụ án không phải dễ dàng, thưa ông?

- Đúng thế, các cơ quan tiến hành tố tụng không những phải nắm vững pháp luật mà còn phải có hiểu biết sâu rộng, nắm rõ hoàn cảnh, tâm lý trẻ em phạm tội từ đó đưa ra những nhận định, định giá vụ án được khách quan, chính xác, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Gia đình và Xã hội