Viện Kiểm sát Nhân dân trong hoạt động tố tụng dân sự
Các Website khác - 26/11/2005
Ngày 1-9-2005, Viện KSND tối cao, TAND tối cao ra Thông tư liên tịch số 03/2005 (TTLT số 03/2005) hướng dẫn thi hành một số quy định về kiểm sát việc tuân theo pháp luật và sự tham gia của VKSND trong hoạt động tố tụng dân sự giải quyết các vụ việc dân sự. Dưới đây là các vấn đề chính của Thông tư.
* Thông báo thụ lý vụ việc dân sự: Sau khi thụ lý vụ việc dân sự, trong thời hạn 3 ngày làm việc, Tòa án có thông báo bằng văn bản đến Viện Kiểm sát (VKS) cùng cấp để biết.

* Chuyển hồ sơ vụ việc dân sự: Các hồ sơ vụ việc dân sự mà VKS có trách nhiệm tham gia ở phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm hoặc phiên họp sơ thẩm, phúc thẩm, hoặc phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì Tòa án gửi hồ sơ vụ việc dân sự - đến VKS nghiên cứu trước khi Tòa án mở phiên tòa hoặc phiên họp.

* Về việc Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp và thay đổi Kiểm sát viên: Đối với những vụ việc dân sự mà VKS phải tham gia, thì Viện trưởng VKS phân công Kiểm sát viên tham gia. Những vụ việc dân sự có tình tiết phức tạp, phiên tòa có thể phái xét xử trong nhiễu ngày thì Viện trưởng VKS có thể phân công Kiểm sát viên dự khuyết để tham gia phiên tòa hoặc phiên họp. VKS có thông báo đến Tòa án bằng văn bản về việc cử Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp.

Nếu có yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp thì Tòa án, Hội đồng xét xử chuyển yêu cầu đến Viện trưởng VKS giải quyết. Nếu có Kiểm sát viên dự khuyết tham gia phiên tòa, phiên họp thì Kiểm sát viên dự khuyết được thay thế Kiểm sát viên bị thay đổi.

* Hoãn phiên tòa, hoãn phiên họp do Kiểm sát viên vắng mặt:

Đối với các vụ án dân sự, việc dân sự mà theo quy định của BLTTDS Kiểm sát viên phải tham gia phiên tòa, phiên họp nhưng do trở ngại khách quan mà Viện trưởng VKS chưa cử được Kiểm sát viên hoặc Kiểm sát viên không thể tiếp tục phiên tòa, phiên họp mà không có Kiểm sát viên thay thế thì Tòa án hoãn phiên tòa, hoãn phiên họp và thông báo việc hoãn này đến Viện trưởng VKS để biết.

* Thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm:

Đối với các vụ việc dân sự do TAND cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng VKSNDTC ủy quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng được ủy quyền có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định chưa có hiệu lực của Toà án cấp sơ thẩm.

* Trường hợp Tòa án khởi tố vụ án hình sự

Trong trường hợp Tòa án khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 385 hoặc theo Điều 387 BLTTDS thì sau khi ra quy định khởi tố vụ án hình sự, Tòa án phải chuyển quyết định khởi tố vụ án và tài liệu chứng minh hành vi phạm tội đến VKS có thẩm quyển giải quyết vụ án hình sự VKS phải xem xét trong thời hạn do BLTTHS quy định. VKS phải thông báo kết quả bằng văn bản đến Tòa án về việc có, hay không khởi tố, truy tố bị can.

Về việc Kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp:

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 21 BLTTDS thì VKS tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án dân sự mà đương sự có khiếu nại về việc Tòa án thu thập chứng cứ đó là các trường hợp: Tòa án thu thập chứng cứ không đúng trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng dân sự quy định.

Thí dụ: Đương sự tự mình không thu thập được chứng cứ mà có đơn yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ, nhưng Tòa án không thu thập chúng cứ. Hoặc là Tòa án tự mình tiến hành thu thập chứng cứ mà đương sự không có yêu cầu. Trường hợp đương sự có đơn khiếu nại việc thu thập chứng cứ, thì Tòa án, VKS phải vào sổ và giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đương sự có khiếu nại nhưng không biết chữ mà đến Tòa án hoặc VKS khiếu nại thì Tòa án hoặc VKS phải lập biên bản ghi lại nội dung khiếu nại của đương sự.

VKS tham gia phiên tòa phúc thẩm trong các trường hợp sau đây:

VKS đã tham gia phiên tòa sơ thẩm.

VKS không tham gia phiên tòa sơ thẩm nhưng bản án sơ thẩm đó bị VKS kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Tuy nhiên trước khi Tòa án mở phiên tòa phúc thẩm mà VKS có quyết định rút kháng nghị thì VKS không tham gia phiên tòa phúc thẩm. Còn trong trường hợp sau khi khai mạc phiên tòa phúc thẩm, VKS mới rút kháng nghị thì Kiểm sát viên tiếp tục tham gia phiên tòa phúc thẩm.

VKS phải tham gia tất cả các phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm và tham gia các phiên họp sơ thẩm, phúc thẩm giải quyết việc dân sự, phiên họp phúc thẩm giải quyết các quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị và các phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm giải quyết việc dân sự.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng dân sự:

Khi giải quyết việc khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng dân sự theo quy định tại Điều 4, BLTTDS, VKS có quyền yêu cầu tòa án cùng cấp hoặc tòa án cấp dưới giải quyết khiếu nại trong các trường hợp:

VKS nhận được khiếu nại tố cáo. Hoặc là có căn cứ xác định người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo không ra văn bản giải quyết khiếu nại tố cáo trong thời hạn do pháp luật quy định.

VKS có quyền kiến nghị với Tòa án trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo như sau:

- Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Toà án, của người có thẩm quyền là không đúng với quy định của pháp luật, là thiếu căn cứ.

- Tòa án không thực hiện đầy đủ các yêu cầu của VKS đã đề ra.

Theo Pháp luật Việt Nam