Không thay đổi quan điểm luận tội đối với Nguyễn Gia Thiều
Các Website khác - 26/11/2005
Nguyễn Gia Thiều và Phạm Anh Vũ.
Trong ngày xét xử thứ tám, hai bị cáo Huỳnh Tiến Dũng và Phạm Anh Vũ bức xúc trước sự chối tội của Nguyễn Gia Thiều đã tố cáo toàn bộ hành vi làm ăn phi pháp của Công ty Đông Nam, những ngõ ngách trong việc buôn lậu ĐTDĐ của Thiều.
Cũng trong phần tranh luận, VKS đã đề nghị HĐXX xem xét xử lý số tiền 8,4 tỷ đồng mà Thiều đã chuyển vào tài khoản cho Hà Kiều Anh - một nội dung trước đó trong phần luận tội, VKS chưa đề cập đến.

Hà Kiều Anh nói gì về khoản tiền gần 12 tỷ đồng?

Trong phần bảo vệ khoản tiền 200 nghìn USD bị CQĐT thu giữ trong lúc khám xét nhà riêng, Hà Kiều Anh đã đề nghị HĐXX xem xét việc VKS đề nghị tịch thu số tiền này. Hà Kiều Anh cho rằng số tiền này là của cá nhân và gia đình, không liên quan đến Nguyễn Gia Thiều. Hà Kiều Anh: "Rất băn khoăn và lo lắng về khoản tiền nói trên vì Tòa hỏi mang nặng tính truy xét và định kiến nghi vấn như một tội phạm".

Trong lúc phát biểu, Hà Kiều Anh vặn vẹo Tòa rằng trong hồ sơ vụ án không có tình tiết: "Hà Kiều Anh không biết mã số két sắt trong lúc bị khám xét, phải đến lúc công an gọi điện thoại hỏi Thiều mã số thì mới mở được" và hỏi: "Ai đã cung cấp cho Tòa? " để gây bất lợi đối với khoản tiền này.

Về khoản tiền 8,4 tỷ đồng mà Thiều chuyển vào 2 tài khoản cá nhân của Hà Kiều Anh ở Techcombank và ACB, mặc dù VKS không đề cập đến, nhưng Hà Kiều Anh vẫn cho rằng tiền này không liên quan đến Công ty Đông Nam. Riêng về chiếc xe Mercedes (trị giá 53 nghìn USD), Hà Kiều Anh cho rằng đó là khoản tiền Thiều cho (30 nghìn USD) và bản thân bỏ thêm 23 nghìn USD để mua. Hà Kiều Anh đề nghị HĐXX xem xét trả cho cô.

Trước sự "nhắc nhở" của Hà Kiều Anh, ông Đoàn Thanh Khiết, đại diện VKS giữ quyền công tố đã đề nghị HĐXX xem xét xử lý khoản tiền này. Về khoản tiền 890 nghìn USD ông Nguyễn Trọng Thăng nhận từ Công ty Đông Nam, VKS cũng đề nghị xem xét xử lý. Lập luận của VKS đối với hai khoản tiền này là trong thời gian Thiều kinh doanh thu lợi bất chính số tiền rất lớn, vậy khoản tiền đó đã chuyển đi đâu có phải liên quan đến hai khoản tiền này hay không?

Nguyễn Gia Thiều bị đồng phạm tố cáo

Trong phần bào chữa bổ sung, bị cáo Phạm Anh Vũ đã không kìm được bức xúc khi nghe Thiều đổ hết trách nhiệm trong việc tổ chức buôn lậu 4.800 chiếc ĐTDĐ cho Vũ. Vũ trình bày rất chi tiết về cách thức Thiều tổ chức cho bị cáo nhập lậu, chuyển hàng về các công ty con của Đông Nam, lợi nhuận mỗi chiếc ĐTDĐ buôn lậu thu được bao nhiêu. Theo Vũ, việc nhập 4.800 chiếc ĐTDĐ này, bị cáo chỉ ăn tiền công. Khi hàng về đến Việt Nam, Thiều đã bắt buộc Vũ phải chuyển hết sang nhập vào kho của Công ty TB, TDC (hai công ty con của Đông Nam tại Hà Nội). Vũ còn "cay đắng" khai rằng, mặc dù giúp sức cho Thiều, nhưng khi bị cáo muốn lấy hàng để bán ra thị trường, Thiều buộc phải trả tiền trước rồi mới cho lấy hàng.

Bị cáo Huỳnh Tiến Dũng cho rằng, những lời Thiều khai trước Tòa về việc không cùng bị cáo nhập lậu 506 chiếc ĐTDĐ là một sự giả dối, không thể chấp nhận được. Theo Dũng, tất cả số ĐTDĐ này bị cáo đều nhập về đã chuyển hết cho Thiều, bị cáo chỉ ăn tiền công. Ngoài ra, Dũng còn khai các thủ thuật kinh doanh ĐTDĐ thu nhiều lợi nhuận của Thiều như thế nào.

VKS bác bỏ quan điểm của các luật sư

VKS đánh giá rất cao thông tin mà hai bị cáo Vũ, Dũng cung cấp tại phiên tòa và đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt so với mức đề nghị mức án của VKS vào chiều 23-11. Đi vào phần tranh luận chi tiết, VKS cho rằng việc khám xét, thu giữ vật chứng không có điều gì sai, đáp ứng đầy đủ quy định của BLTTHS. Riêng về kết quả giám định, ông Khiết đại diện VKS - cho rằng vụ án với nhiều chứng cứ, số liệu phức tạp nên việc phải giám định nhiều lần cũng là chuyện bình thường. Việc đánh giá bản kết luận giám định nào có cơ sở và làm căn cứ giải quyết vụ án là thuộc thẩm quyền các cơ quan tố tụng.

Về nội dung vụ án, ông Khiết cho rằng việc xác định ý thức phạm tội của bị cáo Nguyễn Gia Thiều và các bị cáo khác là rất rõ ràng. Số liệu áp giá tính thuế đã được chính xác hóa từ giai đoạn điều tra. Về việc Luật sư Hoài cho rằng phải áp dụng giá trong hợp đồng ngoại thương chứ không áp giá theo đơn đặt hàng, ông Khiết cho rằng giá trong hợp đồng ngoại thương là giả tạo, không có giá trị thanh toán, trong khi đó giá trong đơn đặt hàng phù hợp với giá thị trường vì vậy không thể chấp nhận lời bào chữa của Luật sư.

Đối với hành vi buôn lậu, ông Khiết cho rằng hiện nay mặt hàng ĐTDĐ Việt Nam chưa sản xuất được hoặc hợp tác sản xuất với nhà sản xuất nước ngoài. Vì vậy, ngoài hàng nhập mậu dịch và quà biếu hợp pháp, số còn lại là hàng nhập lậu thoát khỏi sự tài định về thuế của cơ quan hải quan Việt Nam. Việc đưa hàng qua các cửa khẩu vào nội địa Việt Nam bất hợp pháp kinh doanh thu lợi nhuận đều là hành vi buôn lậu. Mục đích chính để Thiều buôn lậu là nguồn thu lợi bất chính cao và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Về lời kêu oan của một số bị cáo nguyên là cán bộ hải quan, ông Khiết nhấn mạnh rằng theo quy định của Tổng Cục Hải quan, hàng phi mậu dịch là quà biếu chỉ được thông quan với trị giá dưới 20 triệu đồng, nếu hàng có giá trị hơn số này phải báo cáo Cục Hải quan, Tổng Cục Hải quan. Đối chiếu với quy định này, các bị cáo kiểm hóa hàng ĐTDĐ mức thấp nhất là 163 triệu, cao là 1,8 tỷ, nếu các bị cáo có trách nhiệm thì liệu có cho thông quan? Với một số vấn đề khác, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.

Theo Pháp luật Việt Nam