* Thưa ông, trong các doanh nghiệp hiện nay có tình trạng trốn đóng và nợ đọng BHXH. Vậy cần có biện pháp xử lý ra sao và tổ chức công đoàn có trách nhiệm gì để bảo vệ quyền lợi của người lao động?
- Hiện nay trong các doanh nghiệp có tình trạng trốn đóng và nợ đọng tiền BHXH, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đây là vấn đề lâu nay đề cập nhiều. Tình trạng trên do hai nguyên nhân chủ yếu: Về chủ quan, do người sử dụng lao động chưa ý thức đầy đủ về nghĩa vụ của mình đối với pháp luật lao động chưa quan tâm và chăm lo đến quyền lợi của người lao động. Mặt khác, chế tài xử phạt chưa mạnh, chưa nghiêm nên họ cố tình trốn đóng BHXH.
Về khách quan, nhiều doanh nghiệp do chuyển đổi sản xuất kinh doanh, do trong quá trình tổ chức lại lao động hoặc do làm ăn thua lỗ nên chưa có tiền nộp BHXH (ngay cả việc trả lương cho công nhân cũng không đảm bảo). Cũng có tình trạng (nhất là ở ngành giao thông vận tải và ngành xây dựng) do vốn xây dựng cơ bản của Nhà nước chưa trả đủ hoặc một số đơn vị sự nghiệp chưa được cấp kinh phí...
Trường hợp người sử dụng lao động cố tình trốn đóng BHXH thì xử phạt theo quy định của pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, còn phải nợ tiền BHXH, đề nghị cơ quan BHXH xem xét cụ thể với từng doanh nghiệp để bàn bạc, có biện pháp giúp đỡ, giải quyết theo hướng cho doanh nghiệp tạm thời nợ khoản tiền đóng BHXH, có phương án và cam kết trả nợ.
Đề nghị bổ sung vào dự thảo luật phương thức đóng BHXH là Trường hợp doanh nghiệp thiếu việc làm, thua lỗ kéo dài, không có khả năng đóng BHXH, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận thì người sử dụng lao động được nợ tiền BHXH với thời gian tối đa không quá 12 tháng. Trong thời gian này các quyền lợi của người lao động vẫn được giải quyết. Người sử dụng lao động thỏa thuận với cơ quan BHXH về phương án trả nợ tiền đóng BHXH.
* Theo ông, trong dự án Luật BHXH, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đã phù hợp chưa? Cần hình thành chính sách cụ thể gì để bảo đảm quyền lợi của người lao động?
- Người lao động bị giảm thu nhập với mức bù đắp do mức suy giảm khả năng lao động chưa phù hợp.
Trong dự thảo Luật BHXH, người lao động khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp để được hưởng trợ cấp một lần hay trợ cấp hàng tháng dựa trên hai căn cứ: một là theo mức độ suy giảm (không phân biệt lương cao hay lương thấp) nếu suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì trợ cấp một lần; từ 31% trở lên thì trợ cấp hàng tháng tính trên lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định.
Hai là theo mức tiền lương nhằm bù đắp việc người lao động bị giảm thu nhập (người lương cao thì hưởng cao vì mức thu nhập lớn). Với cách tính là đóng BHXH từ đủ một năm trở xuống bằng 5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3% mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, theo chúng tôi, cần bổ sung hai ý: một là người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên thì được trợ cấp hàng tháng (tính như thương binh hiện nay). Vấn đề này, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các nhà khoa học đã nhiều lần kiến nghị. Hai là có cơ chế chính sách ưu tiên những doanh nghiệp sẵn sàng nhận người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp còn khả năng lao động vào làm việc.
* Xin cảm ơn ông!
|