Để tận dụng những cơ hội to lớn mà công nghệ thông tin mang lại, nhiều nước có chủ trương vừa phát triển các hoạt động cung ứng dịch vụ điện tử, vừa xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ, minh bạch để điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ GDĐT, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia quan hệ này, bảo đảm cho các thông điệp được truyền đi bằng các phương tiện điện tử cũng có giá trị pháp lý như các thông điệp đó được ghi chép hoặc mô tả bằng văn bản viết theo phương thức truyền thống. Được biết trên thế giới, hiện đã có hơn 50 quốc gia và tổ chức quốc tế ban hành các văn bản pháp luật trong lĩnh vực GDĐT.
Có thể nói, những năm gần đây, các dịch vụ GDĐT ở nước ta phát triển khá nhanh. Hiện một số chương trình, dự án tin học hóa hoạt động của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội và một số bộ, ngành, địa phương đã được triển khai thực hiện; hơn 50% bộ, ngành và hơn 80% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có trang web cung cấp thông tin về các chính sách, thủ tục hành chính... nhằm phục vụ người dân. Nhiều ngành kinh tế quan trọng, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện GDĐT trong các hoạt động của mình.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng hoạt động GDĐT ở nước ta về cơ bản mới ở giai đoạn xây dựng các dịch vụ ứng dụng, chưa có dịch vụ nào được thực hiện trực tuyến hoàn toàn. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có nguyên nhân quan trọng thuộc về môi trường pháp lý: chúng ta còn thiếu một khung pháp lý cần thiết, một văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao để điều chỉnh các quan hệ trong GDĐT. Mặt khác, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam đang tích cực chuẩn bị để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Với tư cách là thành viên của APEC, nước ta cũng đang tích cực tham gia và ủng hộ "Chương trình hành động chung" của khối này về thực hiện "Thương mại phi giấy tờ" vào năm 2005 đối với các nước phát triển và năm 2010 đối với các nước đang phát triển.
Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ nước ta đã ký kết Hiệp định khung ASEAN điện tử với hai nội dung quan trọng là Thương mại điện tử và Chính phủ điện tử. Để có thể chủ động hội nhập, luật pháp của nước ta cần phải hoàn thiện để phù hợp với các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc gia nhập. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Thương mại điện tử và Chính phủ điện tử, ngoài việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, phát triển hạ tầng viễn thông và Internet, đào tạo nguồn nhân lực..., thì việc đẩy nhanh tiến độ tạo dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý về lĩnh vực này, trong đó có Luật GDĐT phải nói là hết sức quan trọng.
Luật GDĐT sẽ có quan hệ với nhiều đạo luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Kế toán v.v... Do vậy, Luật này phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các đạo luật có liên quan đã ban hành của nước ta đồng thời phải đảm bảo sự tương thích với luật pháp, thông lệ quốc tế về GDĐT..
* Luật GDĐT đề cập đến những nội dung nào? Trong đó vấn đề gì là chính yếu nhất, thưa ông?
- Dự thảo Luật GDĐT gồm có 8 chương, 54 điều. Những nội dung được dự thảo Luật quy định đều rất cần thiết và quan trọng, vì đây là một đạo luật mới đối với nước ta. Tuy nhiên, vấn đề chính yếu, cốt lõi nhất của Luật GDĐT đó là Nhà nước công nhận giá trị pháp lý của GDĐT có giá trị ngang bằng với giao dịch theo phương pháp truyền thống (bằng giấy tờ). Chương thông điệp dữ liệu và chương chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử, là những chương có vị trí quan trọng trong Luật này.
* Để bảo đảm Luật GDĐT khi được Quốc hội ban hành sẽ có tính khả thi cao thì cần thực hiện những lộ trình gì?
- Nhằm bảo đảm Luật GDĐT có tính khả thi cao sau khi được ban hành thì dự thảo các nghị định hướng dẫn thi hành đã đồng thời được chuẩn bị song song với quá trình soạn thảo Luật. Đó cũng là một trong các yếu tố nhằm đưa Luật GDĐT sớm đi vào cuộc sống.
Nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của nước ta đang chờ Luật GDĐT và các văn bản hướng dẫn được ban hành. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi đối với các lĩnh vực có nhu cầu cấp bách, đồng thời cần có lộ trình hợp lý, dự thảo Luật GDĐT đã quy định những nguyên tắc chung như: Tự nguyện lựa chọn sử dụng phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch; tự thỏa thuận về việc lựa chọn loại công nghệ để thực hiện GDĐT; không một loại công nghệ nào được coi là duy nhất trong GDĐT; bảo đảm sự bình đẳng và an toàn trong GDĐT; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;...
Đồng thời, Dự thảo Luật còn quy định các nguyên tắc tiến hành GDĐT mà các cơ quan nhà nước phải tuân theo. Đó là các nguyên tắc quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 5 của Luật. Trên cơ sở của những nguyên tắc đó và những nội dung khác được Dự thảo Luật quy định, chúng tôi tin tưởng rằng Luật GDĐT của nước ta sẽ từng bước đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập kinh tế quốc tế.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!
Những nội dung chính của Luật Giao dịch điện tử Theo Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) có 8 chương và 54 điều với nội dung cơ bản như sau: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng: Đây là nội dung quan trọng nhất của một luật, và cũng là nội dung cơ bản của Luật GDĐT. Như Dự thảo, Luật quy định về GDĐT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Với đối tượng áp dụng là mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giao dịch bằng phương tiện điện tử. Luật cũng đưa ra phạm vi không áp dụng Luật là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử; hối phiếu và các giấy tờ có giá khác. Điều cần lưu ý là quá trình giao dịch, thụ lý hồ sơ trong các lĩnh vực trên vẫn có thể sử dụng phương tiện điện tử. Nguyên tắc về tiến hành GDĐT: Nguyên tắc tiến hành GDĐT được thể hiện trong Điều 5 của Dự thảo. Theo đó, người áp dụng GDĐT được tự nguyện lựa chọn sử dụng phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch; tự thỏa thuận về việc lựa chọn loại công nghệ để thực hiện GDĐT. Không một loại công nghệ nào được coi là duy nhất trong GDĐT, bảo đảm sự bình đẳng và an toàn trong GDĐT, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; GDĐT của cơ quan nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 40 của Luật này. Luật công nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu về các vấn đề liên quan đến việc thông điệp dữ liệu (TĐDL) được dùng làm chứng cứ, vấn đề lưu trữ TĐDL, thời điểm, địa điểm nhận, gửi TĐDL. Một nội dung quan trọng nữa của Luật là công nhận chữ ký điện tử có giá trị pháp lý như chữ ký tay. Luật cũng quy định các điều kiện bảo đảm an toàn cho chữ ký điện tử, trách nhiệm, nghĩa vụ của người ký điện tử, người nhận và chấp nhận chữ ký điện tử. Vì luật cần trung lập với công nghệ, nên Dự thảo luật không quy định một công nghệ cụ thể nào sẽ được dùng để khả thi chữ ký điện tử. Chứng thực chữ ký điện tử (CA) là nội dung quan trọng của nhiều bộ luật trên thế giới. Dự thảo Luật GDĐT của Việt Nam cũng quy định các nội dung về: Hoạt động dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử, nội dung của chứng thư điện tử, quyền và nghĩa vụ của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử, các điều kiện để được cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử. Vấn đề an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong GDĐT được quy định trong Chương VI của Dự thảo luật với các nội dung chính là: Bảo đảm an ninh, an toàn trong GDĐT, bảo vệ thông điệp dữ liệu, bảo mật thông tin trong GDĐT, trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ mạng.
|
|