BĐBP chủ động ngăn chặn hành vi mua bán người qua biên giới
Báo Tiếng chuông - 04/02/2017
Nhằm chủ động đấu tranh ngăn chặn hành vi mua bán người qua biên giới, các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã tích cực điều tra, nắm tình hình, xác định các tuyến, địa bàn trọng điểm. Đặc biệt, tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, lối mở, rà soát lên danh sách các đối tượng nghi vấn, thiết lập đường dây nóng, tổ chức giao ban với lực lượng chức năng các nước láng giềng để trao đổi thông tin, phối hợp xác minh, truy bắt đối tượng, giải cứu nạn nhân, xác lập chuyên án, vụ án đấu tranh.

 

BĐBP tuyên truyền pháp luật đến đồng bào các dân tộc vùng biên giới. Ảnh minh hoạ

 

Theo Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm, BĐBP, hoạt động gia tăng và diễn biến phức tạp hơn về quy mô, tính chất và phương thức, thủ đoạn, tập trung tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc và Việt Nam-Campuchia.

Trên tuyến Việt-Trung, nổi lên địa bàn đối diện với Lào Cai, các đối tượng (cả người Việt Nam và Trung Quốc) dùng thủ đoạn giả danh Công an Trung Quốc hoặc BĐBP Việt Nam (cắt, ghép ảnh mặc quân phục làm ảnh đại diện trên các mạng xã hội Facebook, Zalo…) tìm kiếm những phụ nữ dân tộc Mông ở Việt Nam (chủ yếu ở khu vực biên giới các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Thanh Hóa) có nhu cầu lấy chồng, sau đó dụ dỗ, lừa gạt bán sang Trung Quốc; đáng chú ý, thời gian gần đây phát hiện các đối tượng người Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam móc nối, hình thành các tổ chức, đường dây lừa gạt phụ nữ Campuchia vào Việt Nam, qua Quảng Ninh, Lào Cai để bán sang Trung Quốc.

Trong năm 2016, lực lượng chức năng BĐBP phối hợp với các lực lượng chức năng khác đấu tranh phát hiện, xử lý 80 vụ với 48 đối tượng, giải cứu 115 nạn nhân. Trong đó, các đơn vị BĐBP đã bắt giữ, xử lý 41 vụ với 48 đối tượng, giải cứu 48 nạn nhân; đồng thời phối hợp với Công an Trung Quốc tiếp nhận 39 vụ với 67 nạn nhân do Công an Trung Quốc trao trả và tự trở về.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới, BĐBP tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao ý thức của người dân. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong đấu tranh với loại tội phạm mua bán người, triển khai thực hiện các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới. Đồng thời, tiếp tục duy trì các cuộc hội đàm, giao ban định kỳ với lực lượng chức năng các nước để trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt đối tượng, truy nã tội phạm, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân.