* Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những đổi mới, cải cách về quản lý, đăng ký hộ khẩu như quy định tại Nghị định 108/NĐ-CP ?
- Tôi cho rằng nghị định này có một số đổi mới, thông thoáng hơn trước. Tuy nhiên, tôi cho rằng, những quy định này, cách soạn thảo văn bản thế này vẫn là theo lối tư duy cũ. Theo tôi, lẽ ra việc quản lý hộ khẩu phải theo con người mà quản lý, phải tôn trọng quyền tự do đi lại, tự do lưu trú của công dân; công dân đi đến đâu thì anh phải theo đó để phục vụ họ, để họ được đăng ký. Chứ hiện nay vẫn là quy định hành chính đặt ra để phục vụ cho cách thức quản lý của công an, vẫn là quy định anh vốn cư trú ở đâu thì vẫn cứ phải cư trú ở đó. Tôi e rằng, xuống đến các địa phương, các quy định hướng dẫn lại có sự cắt xén các quy định đã nới lỏng ra đó.
* Vậy theo ông, giải pháp về vấn đề quản lý, đăng ký hộ khẩu trong thời gian tới phải như thế nào?
- Về cơ bản, việc quản lý hộ khẩu là phải đi theo con người, đó là hướng cần nghiên cứu để thực hiện sớm. Cách quản lý vừa qua là cung cách quản lý trong thời kỳ lạc hậu. Sửa đổi mỗi lần nới lỏng ra một tí thế này thì cuối cùng vẫn cứ là cơ chế xin - cho. Vừa qua, báo chí đưa có đến khoảng triệu trường hợp công dân muốn đăng ký hộ khẩu mà không được. Con số đó nói lên rất nhiều điều. Những trường hợp không đăng ký được thì lại chính là đối tượng anh không quản lý nổi. Anh đặt ra các điều kiện về đăng ký hộ khẩu, đó là anh tự trói anh. Bây giờ là phải làm sao tạo điều kiện dễ dàng cho người ta đăng ký và khi người ta đi cũng phải dễ dàng cho người ta khai báo.
Nhiều địa phương vừa qua, coi hộ khẩu như một biện pháp để ngăn chặn người nhập cư về các thành phố lớn. Cách làm này rõ ràng là không hiệu quả. Người nhập cư không đặt ra việc có hay không có hộ khẩu mà họ ở lại nơi đến vì mưu sinh. Nếu người ta không có hộ khẩu, anh cũng không thể vì thế đuổi người ta ra khỏi nhà đó được. Hiện nay ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cứ buộc người ta phải có "sổ đỏ" (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì mới cho đăng ký hộ khẩu, nhưng thực tế, có hàng vạn người không có hộ khẩu, người ta vẫn mua được nhà. Chính quyền không chấp nhận thì coi như đã để người ta ở ngoài pháp luật. Rất vô lý.
* Nhiều đại biểu Quốc hội vừa qua cũng đã lên tiếng đề nghị bỏ cách thức quản lý hộ khẩu. Theo ông, nếu bỏ hộ khẩu đi thì có cách quản lý gì khác thay vào để thuận tiện hơn cho người dân?
- Theo tôi bỏ hộ khẩu đi là hoàn toàn có thể được. Tôi nhắc lại là hãy để hộ khẩu đi theo con người, người đi theo hộ khẩu, chỉ trừ những trường hợp là tội phạm bị cơ quan công an, tòa án, kiểm sát cấm đi khỏi nơi cư trú. Việc quản lý hộ khẩu hiện nay là vẫn theo cách thủ công. Với dân số đông hơn 80 triệu người thế này, nên nghĩ cách quản lý khác, mà cách làm đúng nhất là tin học hóa. Cứ tưởng rằng sẽ phải bỏ ra một số tiền rất lớn để làm việc này nhưng chính nó lại là cách làm thuận tiện và tiết kiệm nhất. Các nước, công dân của họ chỉ cần một cái thẻ điện tử bằng hai ngón tay, trên đó ghi đầy đủ mọi thông tin về cá nhân. Các chuyên gia về điện tử, tin học đã cho đó là cách làm quá đơn giản mà rất hiệu quả cho việc quản lý. Vấn đề là Nhà nước có mạnh dạn đầu tư ngay từ bây giờ?
"Nghị định số 108/2005/NĐ-CP ngày 19-8-2005 của Chính phủ chủ yếu sửa đổi điều 11 và 12 của Nghị định số 51/CP ngày 10-5-1997 về đăng ký và quản lý hộ khẩu. Ý nghĩa lớn nhất của việc sửa đổi nghị định này là mở rộng việc đăng ký hộ khẩu cho nhân dân và tiếp tục thực hiện cải cách hành chính. Vấn đề thứ hai là giải quyết những tồn đọng vướng mắc, khó khăn mà người dân bấy lâu nay đang bức xúc trong vấn đề đăng ký hộ khẩu. Diện được đăng ký hộ khẩu theo nghị định này được mở rộng nhiều so với trước. Những người có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở; và những người có nhà ở mua bán hợp pháp (có giấy xác nhận của phường, xã) đều được đăng ký hộ khẩu. Việc mở rộng diện được đăng ký hộ khẩu cũng sẽ không làm tăng đột biến dân số cơ học ở các đô thị lớn trực thuộc trung ương, ví như ở TP Hà Nội, những người được cấp hộ khẩu phải có thêm điều kiện đã cư trú liên tục ở thành phố đó từ ba năm trở lên, có công ăn việc làm ổn định, có bảo hiểm xã hội liên tục" - Thiếu tướng Đỗ Văn Rụ, Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.
|
|