Sớm giải quyết dứt điểm những tiêu cực ở AMASECO
Các Website khác - 26/08/2005
Vụ án cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước tại Công ty Dịch vụ vật tư nông nghiệp Phú Yên (AMASECO) đã được Thanh tra Chính phủ làm rõ cách đây bốn năm, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
AMASECO được thành lập tháng 4-1993, do Giám đốc Lương Phúc Hòa phụ trách. Qua hơn bảy năm hoạt động, khi đối chiếu công nợ tại thời điểm 31-12-2000, AMASECO thua lỗ hơn 120 tỷ đồng. Ðiều đáng lưu ý, việc thua lỗ đó không chỉ do yếu kém trong sản xuất, kinh doanh mà còn xuất phát từ những việc làm trái quy định và thiếu tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu công ty. Sau đây là những vụ tiêu biểu đã được cơ quan thanh tra làm rõ:

Ngay năm đầu hoạt động, tháng 4-1994, AMASECO đã lợi dụng chính sách ưu đãi miễn phụ thu cà-phê xuất khẩu, lập hồ sơ giả bù lỗ 2.558 tấn cà-phê để rút ruột Nhà nước 13.160,5 triệu đồng. Sự việc vỡ lở, Lương Phúc Hòa bị kỷ luật, khiển trách, nhưng những việc cố ý làm trái vẫn tiếp diễn tại AMASECO. Tháng 4-1995, công ty nhập khẩu 5.000 tấn phân u-rê bán cho Công ty TNHH Tân Hoàn Mỹ (TP Hồ Chí Minh) lãi 361 triệu đồng, nhưng vẫn đề nghị miễn phụ thu với lý do "khi hàng về, giá phân trên thị trường giảm mạnh, nên dẫn đến việc công ty thua lỗ" và được hưởng phụ thu 570 triệu đồng. Vụ mua bán phân với công ty Tân Hoàn Mỹ, ông Hòa còn có hành vi cố ý làm trái, vi phạm Pháp lệnh Kế toán và Thống kê trong việc quy đổi tỷ giá hối đoái, gây thiệt hại cho Nhà nước 150 triệu đồng.

Cũng bằng thủ đoạn gian dối đó, khi nhập ủy thác 16.000 tấn phân u-rê cho Công ty chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Hưng và Công ty sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu Hữu Nghị (TP Hồ Chí Minh), AMASECO lại được Nhà nước tiếp tục cho phụ thu 2.254 triệu đồng. Mặc dù số tiền nêu trên đã được UBND tỉnh đồng ý cho phép bổ sung vốn coi như ngân sách cấp, nhưng ông Hòa không hạch toán bổ sung vốn mà tự ý chuyển cho Công ty TNHH Tân Hoàn Mỹ bằng hình thức giảm nợ và báo cáo với UBND tỉnh là chuyển trả cho hai công ty nhận nhập ủy thác.

Tháng 10-1997, AMASECO mua của SHONHIMEX (Phú Yên) 116,7 tấn cà-phê trị giá 1.751 triệu đồng và đã bán hết vào tháng 8-1998, nhưng nghe tin SHONHIMEX phá sản, ông Hòa liền làm đơn gửi đến Tòa án Nhân dân Phú Yên xin trả số cà-phê tồn kho 106 tấn, với lý do kém phẩm chất, nhằm xóa khoản nợ 1.551 triệu đồng. Ðiều nguy hại hơn, để qua mặt các cơ quan chức năng, ông Hòa cho mua 70 tấn cà-phê kém phẩm chất thay cho lượng cà-phê đã mua của SHONHIMEX trước đó. Thủ đoạn gian dối của ông Hòa bị phát hiện, làm cho AMASECO chẳng những vẫn bị treo nợ 1.551 triệu đồng mà còn mất 504 triệu đồng mua lô cà-phê kém phẩm chất.

Từ tháng 9-1996 đến tháng 1-1997, AMASECO lần lượt ký bốn hợp đồng mua hàng nông sản với Công ty thương mại cổ phần Liên Phát và Công ty TNHH Ðại Thành Phát (TP Hồ Chí Minh) với phương thức ứng vốn từ 70% đến 90% giá trị hợp đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Giám đốc chi nhánh của công ty tại TP Hồ Chí Minh Phạm Nhiêm, kế toán trưởng công ty Ma Chét, đã tích cực tham mưu cho Giám đốc Lương Phúc Hòa thực hiện thủ tục chi ứng tiền cho các đối tác nêu trên, mà không xem xét đến việc bảo tồn vốn cũng như khả năng thực hiện hợp đồng của phía đối tác.

Do hành vi thiếu trách nhiệm của Hòa, Chét, Nhiêm các đối tác đã chiếm đoạt 5.370,4 triệu đồng. Cũng bằng phương thức "cả tin" đối tác, trong hai năm 1998 và 1999, AMASECO giao cho Công ty Thương mại quốc tế Lào 3.283,7 tấn hạt tiêu, trị giá 13.538.635 USD để đổi lấy linh kiện xe máy dạng CKDI. Khi kết thúc đợt đổi hàng vào tháng 8-1999, doanh nghiệp phía Lào vẫn còn nợ 1.477.300 USD mà không có tài sản gì để bảo đảm cho việc thu hồi nợ, nên khi công ty của Lào giải thể, AMASECO coi như mất số tiền này.

Ngoài ra, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, AMASECO bị thua lỗ nhiều năm liền, nhưng thông qua nghiệp vụ kế toán công ty cố ý không tính đủ chi phí phát sinh, biến lỗ thật thành lãi giả để chi lương và thưởng cao. Như năm 1995, công ty lỗ 8.454,2 triệu đồng, nhưng thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân hơn 3,9 triệu đồng/tháng. Do thua lỗ nặng và bế tắc trong phương hướng sản xuất, kinh doanh, nên tháng 12-2001, UBND tỉnh Phú Yên đã ra quyết định giải thể AMASECO, để lại khoản nợ khó đòi hàng chục tỷ đồng đến nay không giải quyết được.

Những tiêu cực tại AMASECO được Thanh tra tỉnh Phú Yên kết luận ngày 26-8-2001 và đến ngày 12-3-2002 mới được cơ quan Cảnh sát điều tra (CSÐT) Công an tỉnh tiếp nhận hồ sơ để điều tra xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, phải sau hơn 18 tháng, đến ngày 25-8-2003, cơ quan CSÐT mới có quyết định khởi tố vụ án hình sự với hai tội danh: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, theo quy định tại điều 165 và điều 144, Bộ luật Hình sự.

Ngày 22-9-2003, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Lương Phúc Hòa, nguyên Giám đốc AMASECO về tội: Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và ngày 25-3-2004 ra quyết định bổ sung khởi tố tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngày 1-4-2004 ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Ma Chét, kế toán trưởng công ty và ông Phạm Nhiêm, kế toán chi nhánh công ty tại TP Hồ Chí Minh về tội: Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước.

Sau hơn hai năm tiếp nhận hồ sơ, đến ngày 21-4-2004, cơ quan CSÐT Công an tỉnh Phú Yên mới có kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân (Viện KSND) tỉnh Phú Yên đề nghị truy tố bị can Lương Phúc Hòa về tội cố ý làm trái gây thiệt hại 2.254 triệu đồng (khoản tiền phụ thu) và 150 triệu đồng (khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái), các bị can Hòa, Chét, Nhiêm về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại hơn 5.370,4 triệu đồng (khoản bị các công ty Liên Phát và Ðại Thành Phát chiếm đoạt).

Nhưng, Viện KSND tỉnh cho rằng, chưa đủ chứng cứ để truy tố, xét xử các bị can, nên đã trả lại hồ sơ yêu cầu cơ quan CSÐT tiến hành điều tra bổ sung. Kết quả điều tra bổ sung chuyển đến Viện KSND tỉnh ngày 27-7-2004 chỉ đề nghị truy tố bị can Lương Phúc Hòa về tội cố ý làm trái gây thiệt hại 2.254 triệu đồng (khoản tiền phụ thu), mà không đề nghị truy tố các bị can Hòa, Chét, Nhiêm về khoản 150 triệu đồng (tiền chênh lệch tỷ giá hối đoái) và tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại hơn năm tỷ đồng.

Kết quả điều tra bổ sung đó cũng chưa được Viện KSND tỉnh chấp thuận, cho rằng chứng cứ tại hồ sơ chưa đủ cơ sở để truy tố, nên ngày 4-8-2004, lãnh đạo Công an, Viện KSND và Tòa án tỉnh họp bàn giải quyết vụ án. Song các cơ quan tố tụng của tỉnh đã không thống nhất được quan điểm xử lý và Viện KSND tỉnh báo cáo lên Viện KSND tối cao. Thế là vụ án được đẩy lên cấp trên, đến cả Ban Nội chính Trung ương, để rồi gần một năm sau đó, ngày 6-5-2005 giao lại cho cơ quan CSÐT Công an Phú Yên tiến hành điều tra bổ sung lần 2. Thế nhưng, kết quả điều tra bổ sung lần 2 gửi đến Viện KSND tỉnh ngày 6-7-2005 cũng không có gì mới so với lần trước. Kết quả này như đánh giá của cấp trên "chưa điều tra làm rõ một cách đầy đủ, toàn diện những sai phạm gây thất thoát hơn 100 tỷ đồng".

Việc các cơ quan chức năng xử lý vụ án AMASECO quá lâu cũng được đưa ra chất vấn tại các kỳ họp HÐND tỉnh gần đây. Tại kỳ họp HÐND tỉnh từ ngày 13 đến 15-7 vừa qua, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lê Quang Ðạo một lần nữa giải trình lý do chậm trễ và cam kết sẽ giải quyết dứt điểm vụ án trong tháng 7-2005. Song, ông cũng không nói rõ cụ thể mức độ "dứt điểm" như thế nào. Còn Chủ tịch HÐND tỉnh Ðinh Thanh Ðồng đưa ra nhận xét: "Tiến độ giải quyết vụ án còn chậm, ảnh hưởng không tốt đến lòng tin của nhân dân. Việc thu thập, đánh giá chứng cứ chưa chặt chẽ, mối quan hệ phối hợp giữa các ngành công an, Viện KSND từng nơi, từng lúc chưa kịp thời và thiếu đồng bộ".

Mới đây, làm việc với chúng tôi, Viện trưởng KSND tỉnh Phú Yên Lê Quang Ðạo cho rằng: "Chứng cứ của điều tra chưa đủ cơ sở vững chắc để truy tố, xét xử, nên đã xin ý kiến chỉ đạo của Viện KSND tối cao". Như vậy, lại một lần nữa vụ án này được đẩy lên cấp trên. Người dân địa phương đang trông chờ sự nghiêm minh của pháp luật giải quyết dứt điểm những tiêu cực ở AMASECO.