Theo quy định của Chính phủ, các nguồn vốn ưu đãi hay ODA đều do Trung ương thống nhất quản lý. Địa phương muốn vay vốn đầu tư xây dựng công trình hay dự án sản xuất phải theo trình tự: Lập đề án trình Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (bộ này xin ý kiến thẩm định các bộ, ngành). Nếu được duyệt rồi, lúc đó Chính phủ sẽ là người đại diện để đàm phán với tổ chức tài chính các nước. Hiện, các nguồn vay, viện trợ chủ yếu tập trung vào các chương trình xóa đói giảm nghèo.
|
Mời vay ưu đãi, chớ vội mừng!
Ngày 23-8, Trung tâm thông tin tín dụng - Ngân hàng Nhà nước (viết tắt là CIC) phát đi thông tin cảnh báo: Một số tổ chức, cá nhân tự giới thiệu là đại diện của Tập đoàn Palro Inc (Mỹ) và Công ty MPM (Australia) đã tới liên hệ tại nhiều địa phương đề nghị xây dựng các dự án viện trợ nước ngoài.
Từ tháng 4-2005 đến nay, ông Nguyễn Xuân Tiến - tự giới thiệu là Giám đốc Công ty Việt - Úc (trụ sở 4 Tôn Đức Thắng - Hà Nội, nhưng khi chúng tôi tìm đến địa chỉ trên tìm hiểu thì được cho hay không hiểu vì sao công ty này đã chuyển trụ sở thuê đến nơi khác cách đây chừng 1 tháng) và là đại diện của Tập đoàn Palro đến liên hệ với chính quyền một số địa phương như: Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang...đề nghị các địa phương chuẩn bị một số dự án trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng y tế và giáo dục, đường giao thông và hệ thống thủy lợi với cam kết tài trợ của Tập đoàn Palro có giá trị hàng chục triệu đôla Mỹ cho mỗi địa phương. Qua lời tự giới thiệu, Palro Inc hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm có trụ sở tại Mỹ.
Còn đại diện Công ty MPM, tên gọi: Công ty phát triển và đầu tư tài chính Australia (MPM Development Pty.Ltd) thì đã tới trao đổi kinh nghiệm với một số địa phương (trong đó có Sơn La) để cam kết cung cấp các khoản tín dụng lớn giá trị tới 100 triệu USD - xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng công cộng. Lời mời vay còn kèm theo ưu ái không tưởng: Nhà đầu tư sẽ xóa nợ cho các đơn vị vay 30% tổng số vốn đã vay ngay sau khi các công trình xây xong hạ tầng công cộng.
Sau một thời gian kiểm tra, xác minh, các cơ quan chức năng nhận thấy: Tập đoàn Palro Inc không tồn tại trên thực tế, không có tên trong niên giám các công ty của Mỹ và chưa xin phép hoạt động tại Việt Nam. Việc một số cá nhân, tổ chức tự giới thiệu là đại diện của Palro đi đến các địa phương để môi giới, hứa hẹn tài trợ các dự án nhân đạo theo cơ quan chức năng là có biểu hiện của hành vi lừa đảo. Còn Công ty MPM tuy có đăng ký địa chỉ tại Australia nhưng kết quả thẩm tra cho thấy công ty này không có năng lực tài chính như lời họ tự quảng cáo.
Địa phương nghèo vốn cần hết sức cảnh giác
Trước thông tin về sự hiện diện của hai tổ chức này, ông Phan Văn Hiến, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính tỏ ra rất bức xúc. Ông Hiến khẳng định: "Việc cho vay trên bị xem là bất thường, bởi lẽ thế giới không tồn tại hình thức tín dụng phi thị trường. Với điều kiện cho vay thoáng (thời gian dài từ 5 đến 20 năm; chi phí lãi suất thấp khoảng 1,25%...), những kẻ xưng là đại diện các tổ chức tài chính đã "đánh trúng" tâm lý các địa phương nghèo đang rất khát vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều cần nhất lúc này là phải lên tiếng cảnh báo, đừng để các địa phương nghèo, các Công ty Nhà nước bị "dụ" vào kẻo "tiền mất, tật mang" (nhiều địa phương đã tổ chức đón tiếp rất long trọng, thậm chí còn quà lót tay cho những vị đại diện này).
"Thủ đoạn mời gọi trên đã xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam do chủ trương mở cửa thu hút vốn đầu tư của các địa phương, bộ, ngành nên hiện tượng này có xu hướng tăng". - Phó giám đốc CIC Đào Quang Thông cho hay. Với chức năng hợp tác thông tin quốc tế, thu thập thông tin cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam, được biết, sau 6 năm thành lập CIC đã trả lời hơn 600 lượt hỏi của các bộ, ngành, ngân hàng về những đối tác mời gọi vay vốn hay hợp tác làm ăn. (CIC được phép truy cập trực tiếp vào hệ thống dữ liệu toàn cầu của D&B - Công ty cung cấp thông tin thương mại hàng đầu thế giới với hơn 92 triệu hồ sơ của khách hàng trên 200 quốc gia). CIC thống kê (tính đến 8-2004); 21,8% các doanh nghiệp nước ngoài có kết quả thẩm tra là có năng lực tài chính thật sự; 58,5% doanh nghiệp không có năng lực tài chính, môi giới vòng vo không tìm kiếm được thông tin công khai; 19,7% doanh nghiệp không xác định được địa chỉ, có dấu hiệu lừa đảo.
Làm thế nào để giảm tối thiểu rủi ro, ngăn chặn hành vi mang dấu hiệu lừa đảo? Ông Thông đưa ra lời khuyên:"Trước khi ký hợp đồng vay vốn, cấp phép đầu tư, hợp tác kinh tế, liên doanh, liên kết, các địa phương, đơn vị hãy gửi cho CIC (ĐC: 45 Lý Thường Kiệt - Hoàn Kiếm - Hà Nội - ĐT: (04).9342319) thông tin cơ bản về tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, fax, Email... CIC sẽ có câu trả lời trong thời gian ngắn nhất".
|