Tỉ lệ tái định cư cho dân còn thấp
Dù đoàn kiểm tra không có chức năng giải quyết khiếu nại nhưng đi đến đâu đoàn cũng nhận được rất nhiều đơn thư của công dân Ảnh: Đ.Trang |
“Chúng ta còn nợ dân rất nhiều”
Theo báo cáo của UBND quận 2, trên địa bàn hiện có 32 dự án với tổng diện tích phải thu hồi lên đến 2.217ha, mục đích sử dụng chủ yếu là dự án về hạ tầng kỹ thuật và nhà ở. Trong các dự án đang triển khai theo Luật đất đai năm 2003, có bốn dự án đã có quyết định thu hồi đất trước ngày 1-7-2004 nhưng chưa lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: đường vành đai phía đông, khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (120ha), tuyến ống chuyển tải nước sạch Nhà máy nước Thủ Đức công suất 300.000 m3/ngày, cầu và đường vào cảng Khu công nghiệp Cát Lái.
Tính đến ngày 31-7-2005 đã thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ thiệt hại được 7.636 hồ sơ với tổng số tiền chi trả gần 1.700 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo phó chủ tịch UBND Q.2 Thái Thị Hạnh, việc bố trí tái định cư cho dân chỉ mới đạt tỉ lệ 25,7% trên tổng số hộ dân đăng ký, nên “chúng ta còn nợ dân rất nhiều” - bà Hạnh nói. Ông Khải cho rằng tỉ lệ như vậy là còn thấp, nếu không đáp ứng được thì dân còn bức xúc…
Bên cạnh đó, bà Thái Thị Hạnh cho biết đơn giá bồi thường có sự chênh lệch, “không công bằng” nên người dân thắc mắc, khiếu kiện. Đối với các dự án chủ đầu tư tự thỏa thuận, thương lượng, chủ đầu tư đã bồi thường trên 80% diện tích, phần diện tích còn lại các hộ dân không đồng ý, quận lúng túng trong việc thu hồi mặt bằng do luật chưa qui định cụ thể. Có trường hợp chỉ còn hai hộ không chịu di dời nhưng không dám ra quyết định xử lý hành chính, do chưa có qui định đối với các dự án thực hiện theo Luật đất đai năm 2003.
Mặt khác, trên địa bàn quận có nhiều dự án đang triển khai thực hiện với qui mô, mục đích và nguồn vốn khác nhau; phương án được thành phố phê duyệt thống nhất về giá nhưng các dự án kinh doanh nhà ở thường có giá trị đền bù, hỗ trợ thiệt hại cao hơn so với các dự án sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Do đó, theo bà Hạnh, việc triển khai thực hiện các dự án có nguồn vốn ngân sách gặp khó khăn do có sự so sánh giá đền bù, “đa số các hộ dân không đồng ý chính sách và khiếu nại làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án”.
Cũng theo bà Hạnh, đơn giá bồi thường đất ở quận 2 so với các quận bên kia sông Sài Gòn có sự chênh lệch khá lớn; các khu vực được đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội sẽ làm cho giá trị đất khu vực xung quanh tăng, do vậy các hộ dân thường so sánh chính sách bồi thường là quá thấp và đề nghị nâng lên bằng khoảng 80% giá thị trường. “Đương nhiên không thể như giá thị trường, nhưng phải sát với giá thị trường theo qui định chứ không thể quá thấp” - ông Khải lên tiếng.
Khiếu nại của dân là không thể tránh khỏi!
Chủ tịch UBND quận 2 Hà Phước Tài cho biết hiện có 7/11 phường của quận bị ảnh hưởng bởi số lượng các dự án lớn trên địa bàn quận. Do đó, ông Tài cho rằng khiếu nại của dân là không thể tránh khỏi! Tính đến 15-8-2005 có 398 cá nhân khiếu nại trực tiếp, chưa kể đơn thư khiếu nại từ các nguồn khác.
Ông Nguyễn Khải đề nghị những nơi đã qui hoạch rồi thì phải công khai cho dân biết, chứ nhiều nơi dân không biết, không có thông tin dẫn tới khiếu nại chính quyền. Kế hoạch sử dụng đất cũng phải công khai, cụ thể, sau ba năm mà dự án không triển khai thì phải công bố sử dụng hoặc hủy bỏ để người dân an tâm.
Hôm nay 26-8, đoàn kiểm tra đất đai tiếp tục làm việc tại huyện Cần Giờ. Ông Khải lưu ý người dân là đoàn không có chức năng giải quyết các khiếu nại của dân, mà chỉ nhận hồ sơ rồi chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết.
VÕ HỒNG QUỲNH
Hà Nội: nằm ngoài đê, chậm cấp sổ đỏ Báo cáo với đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên - môi trường, ông Hoàng Đình Nghĩa, phó chủ tịch UBND phường Tứ Liên (quận Tây Hồ), cho biết tiến độ cấp “sổ đỏ” trên địa bàn phường rất chậm do nhiều vướng mắc, trong đó có vướng mắc do địa bàn phường nằm ngoài đê sông Hồng, thuộc vùng thoát lũ. Để đảm bảo tiến độ cấp “sổ đỏ”, ông Nghĩa đề nghị trong khi chưa xác định hành lang thoát lũ cần có chính sách cụ thể để có thể tiến hành kê khai và cấp “sổ đỏ” cho các hộ dân với điều kiện không được chuyển nhượng, giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất. (K.HƯNG) CẦN THƠ: dân đòi hỏi công khai “Tôi xin nói trước là do không công bằng và nhiều vấn đề khó hiểu trong bồi hoàn giải phóng mặt bằng nên tôi khiếu nại”. Ông Nguyễn Quang Trung, đại diện cho 24 hộ dân ở phường An Hội, quận Ninh Kiều, đã trình bày với trưởng đoàn Trần Hùng Phi - vụ phó Vụ Đăng ký thống kê, Bộ TN-MT - trong buổi tiếp dân hôm qua (25-8) như vậy. Trên 100 người dân đến trình bày khiếu nại rằng các dự án qui hoạch, đền bù, giải tỏa ở Cần Thơ vẫn chưa được thực hiện công bằng và minh bạch. Ông Trung nói: “Đất ruộng chúng tôi đã một lần bị thu hồi, bồi hoàn giá thấp 40.690 đồng/m2 (chỉ bằng 1/10 so với giá thị trường) để làm khu tái định cư Thới Nhựt (700 nền nhà). Bán 4,5 công đất mới mua lại được một nền nhà. Bấy nhiêu đã thấy thiệt thòi, thế nhưng ngày 17-8 vừa qua khi quận Ninh Kiều mời lên giải quyết tranh chấp ranh giới đất chúng tôi lại phát hiện đất của mình bị ban quản lý dự án khu dân cư cắm mốc lấn sâu trên 10m nữa. Thật khó hiểu!”. Ở khu dân cư xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, ông Cao Văn Bảy thắc mắc: “Khi họp dân, chính quyền nói thu hồi đất để làm khu dân cư nhưng sau đó lại qui hoạch làm chợ. 4ha đất mặt tiền của trên 100 hộ dân chúng tôi không được bồi hoàn tương xứng đã đành nhưng phải rõ ràng ngay từ ban đầu”. TR.Đ. Tiền Giang: tỉnh cho thuê đất không có giấy tờ Ngày 25-8, đoàn công tác số 12 Bộ Tài nguyên - môi trường tiếp tục làm việc với ba tổ chức kinh tế của tỉnh Tiền Giang gồm: Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng, công ty cổ phần Đầu tư - xây dựng và Công ty Xăng dầu. Theo Công ty Xăng dầu, từ trước đến nay phần đất 702m2 được tỉnh cho thuê đặt cửa hàng xăng dầu (số 19) ở thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy không hề có giấy tờ gì “lận lưng” và cũng không biết chính xác vị trí đất ở chỗ nào (?). Mặc dù cửa hàng bị xuống cấp nặng nhưng công ty không thể sửa chữa, nâng cấp được. Dù đã kiến nghị nhiều lần nhưng cho tới nay tỉnh vẫn chưa giải quyết xong. V.TR. |
▪ Sớm giải quyết dứt điểm những tiêu cực ở AMASECO (26/08/2005)
▪ Sớm giải quyết dứt điểm những tiêu cực ở AMASECO (26/08/2005)
▪ Khởi tố kẻ trực tiếp sát hại thiếu tá Bùi Tiến Tường (26/08/2005)
▪ 'Siêu trộm' xe gắn máy (26/08/2005)
▪ Một bị cáo được tuyên vô tội sau 8 tháng ngồi tù (26/08/2005)
▪ Đất thuộc sở hữu chung của gia đình có chia được không? (25/08/2005)
▪ Những người có liên quan thừa nhận hành vi nhũng nhiễu (26/08/2005)
▪ Cảnh giác với những đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em (25/08/2005)
▪ Bức xúc chuyện giải tỏa, đền bù ở dự án Khu công nghệ cao (25/08/2005)
▪ Hành trình gian dối của chiếc điện kế điện tử (25/08/2005)